Đi chợ thời dịch bệnh

THỤC ANH – HOÀI TIẾN 02/03/2013 13:53

Tết Nguyên đán đi qua gần nửa tháng nhưng thị trường thực phẩm tươi sống trên địa bàn tỉnh vẫn còn neo ở giá cao với lý do: ảnh hưởng của dịch heo tai xanh và cúm gia cầm bùng nổ.

Hải sản tăng giá

Sau khi Quảng Nam công bố dịch heo tai xanh trên địa bàn, các quầy bán thịt heo tại chợ đồng loạt nghỉ bán hoặc chuyển sang buôn bán các mặt hàng thực phẩm khác như thịt bò, chả cá… Bà Nguyễn Thị Thương (bán thịt tại chợ Tam Kỳ) than thở: “Kỳ nghỉ tết dài ngày vừa qua khiến chúng tôi phải ngưng bán thời gian dài. Tưởng khi sinh hoạt bình thường trở lại chúng tôi có cơ hội buôn bán kiếm ít đồng, nào ngờ đã phải ngưng bán tiếp vì dịch tai xanh. Kéo dài kiểu này, chúng tôi không buôn bán được mà các bà nội trợ cũng khốn khổ theo”.

Các bà nội trợ phải tính toán chi li trong thời điểm xảy ra dịch gia súc, gia cầm. Ảnh: M.S
Các bà nội trợ phải tính toán chi li trong thời điểm xảy ra dịch gia súc, gia cầm. Ảnh: M.S

Tại các sạp chuyên bán thịt gà, vịt làm sẵn cũng vắng người mua, kẻ bán. Theo ông Nguyễn Khả (người chuyên làm thịt gà, vịt tại chợ mới Tam Kỳ), những ngày bình thường ông nhận làm khoảng 50 con gà, vịt với tiền công 8.000 đồng/con. Nhưng từ sau tết đến nay, tính luôn yêu cầu của các tiểu thương chuyên bán gà, vịt làm sẵn tại chợ thì ông chỉ nhận làm thịt chưa đầy 10 con/ngày. “Các tiểu thương chuyên bán gà, vịt tại chợ không dám nhờ tôi làm nhiều vì rất ít người mua. Ai cũng lo ngại mua phải gà, vịt bị dịch bệnh. Họa hoằn lắm mới có khách lạ đem gà, vịt tới nhờ làm thịt để cúng quảy hoặc đám tiệc”.

  Trái ngược với các quầy thịt heo đóng cửa vắng tanh, các sạp bán cá, mực, cua… lại đông người mua. Có sạp chưa đầy 10 giờ sáng đã không còn cá, mực, cua để bán. Theo nhiều người tiêu dùng, do quá ngán với thịt mỡ dưa hành trong suốt kỳ nghỉ tết nên xu hướng lựa chọn thực phẩm tươi sống như cá, tôm, cua… tăng cao, khiến mặt hàng hải sản tươi sống cung không đủ cầu. Lại thêm dịch bệnh tai xanh ở heo và cúm gia cầm đang lây lan càng khiến các loại cá biển được “đẩy” giá lên cao. Tại chợ Trung tâm thương mại, chợ Tam Kỳ, giá các loại cá gần như đồng loạt tăng. Cách đây một tuần, cá nục suôn nhỏ chỉ 40.000 đồng/kg nay đã tăng lên 60.000 đồng/kg, cá hố tăng từ 45.000 đồng lên 60.000 đồng/kg, cá ngừ từ 80.000 đồng lên 100.000 đồng/kg, cá giò từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/kg…  “Biển động với heo tai xanh, cúm gia cầm thì giá phải tăng thôi. Sức mua thế này thì vài hôm nữa 100.000 đồng một ký cá cũng không có mà bán” - cô Nguyễn Thị Tân (bán cá ở chợ Tam Kỳ) cho biết.

Ngay các mặt hàng cua, ghẹ, mực cũng đua giá lên cao. Giá cua tăng đột biến từ 150.000 đồng lên 250.000 đồng/kg, giá mực cũng lên đến 180.000 đồng/kg. Thiếu thịt heo, nên thịt bò cũng “lên ngôi”, một ký thịt bò búp ở ngưỡng 200.000 đồng, thịt loại 1 lên đến 260.000 đồng.

Nội trợ đau đầu

Thực phẩm tiếp tục “neo” ở giá cao
Theo ông Đặng Phước Cương, Chi cục phó Chi cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2.2013 là 1,06%, trong đó nhóm thực phẩm tăng 2,57% do nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ tết tăng cao. Thông thường sau tết thị trường ổn định, nhu cầu giảm thì CPI sẽ giảm. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở gia súc, gia cầm khiến giá thực phẩm sau tết không hạ mà vẫn neo ở giá cao thì có thể CPI tháng 3.2013 sẽ tăng hoặc vẫn giữ mức trên 1%.

Theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, cá biển… tùy thuộc vào nhà cung cấp, nhưng siêu thị vẫn cố gắng duy trì và giữ ổn định để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng giá thực phẩm tăng cao đang khiến người tiêu dùng lo lắng. Cô Thanh Vân (chủ quán cơm Thanh Vân trên đường Hùng Vương, Tam Kỳ) nói: “Không có thịt heo để bán rồi, bây giờ cá tăng giá thế này thì không biết phải xoay xở thế nào. Tăng giá suất cơm thì không được, đổi món khác cũng không xong”.

Giá tăng, thời gian đi chợ cũng… lâu hơn, bởi mua cái gì, bao nhiêu đều được chị em nội trợ tính toán chi li. “Ăn tết xong đã gặp ngay dịch bệnh trên gia súc, gia cầm khiến những người nội trợ chúng tôi đau đầu mỗi khi xách giỏ đi chợ. Ăn gì đảm bảo sức khỏe nhưng chi phí hợp lý luôn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng với tình trạng giá thực phẩm bị đẩy lên cao, quả thực chúng tôi không biết tính toán thế nào cho bữa ăn gia đình”, - chị Hoàng Hoa (giáo viên trường THCS Lý Tự Trọng, Tam Kỳ) than. Nhiều người có xu hướng ăn rau thay thế thịt cá để tiết kiệm. Chị Phạm Thị Mai Hương (bán hàng trong chợ Trung tâm thương mại Tam Kỳ) cho biết: “Hai lát cá bé tí, không được tươi ngon lắm mà bao nhiêu người hỏi mua. Đắt xắt ra miếng, với mức thu nhập của những người buôn bán như chúng tôi, chắc về nhà ăn rau cho rẻ”.

Đối với sinh viên, giá thức ăn tăng làm bữa cơm cũng xuống cấp. Tiền gia đình gửi có hạn, thịt bò không mua nổi, cá khá đắt, nên bữa cơm của nhiều bạn sinh viên chỉ rau muống và trứng luộc. Bạn Nguyễn Anh Tuấn (sinh viên trường Đại học Quảng Nam) cho biết: “Mấy hôm nay ăn rau là chủ yếu. Cũng may rau đang giảm giá, nếu rau mà cũng tăng nữa thì ăn cơm với mắm quá!”.

THỤC ANH – HOÀI TIẾN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi chợ thời dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO