Di chúc của văn tự

TRUNG VIỆT 05/09/2015 08:51

Tôi phá lên cười khi một vị cầm thước đo vẽ lên tiếng: Anh kia, không được chụp ảnh! Ai cấm, lệnh đâu cho tôi coi? Ở đây có bảng cấm không? Có phải bí mật quốc gia không?  Câu chống trả yếu ớt: Thì đây là của quốc gia mà. Tức thì tôi không cười nữa. Xốn xang và như mất mát bao chụp lấy.

di tích Triền Tranh. Ảnh: T.VIỆT
di tích Triền Tranh. Ảnh: T.VIỆT

Nắng như táp lửa. Bạn tôi ở ngay đường vào Ủy ban xã Duy Trinh cười cười: “Nhậu đi, mi tới chỗ Triền Tranh nớ làm chi, tau ở đây, thấy cũng như gạch ở sau bếp nhà tau, chừ lại nghe xã nói đó là di tích”. Cũng chẳng để làm chi, ngoài tận thấy những đổ vỡ. Hàng chục người cần mẫn  móc đất, để phát lộ những viên gạch, những hàng gạch. Những phát ngôn rụt rè rất khoa học rằng, đây có thể là nơi tập giảng kinh sách của người Chăm. Lời người bạn quê ở đây  mà chừ đang quay quắt lăn lộn ở Sài Gòn nói như đóng đinh mà như thả viên gạch tuổi thơ nhọc nhằn trên những đồi tranh một thuở áo cơm thơ trẻ: chỗ mô mà không có gạch Chăm, ông nội tau hồi nớ còn lấy gạch dùi lỗ mài miết thành cái ống điếu hút thuốc. Trong chuyến trở về, bạn ngồi kể trong giọng buồn như gạch cổ: đi tham quan bảo tàng Louvre ở Paris, thấy diện tích thừa mênh mông, đi cả ngày không hết, hỏi thì nhân viên ở đây trả lời, rằng chúng tôi chừa lại cho con cháu mai sau bổ sung thêm sưu tập.  Lời bạn gợn trong tôi những làn khói khi có phán quyết là khẩn trương khai quật để nhường chỗ cho công trình đường cao tốc bắc -nam. Hàng nối hàng. Gạch, một màu phù sa, lại có lúc như gương mặt nát nhàu buồn đau, bạc bệch tháng năm, nhưng hằn lên đó những văn tự tối cổ, như tiếng nói vu vơ của thượng đế. Nhìn gạch, ta tự dẫn mình vào những giấc mơ - giấc mơ đổ vỡ. Như một chu kỳ của phát triển,  thời trung cổ chứng kiến sụp đổ hàng loạt và nhanh chóng của các triều đại để rồi thay thế bằng những cơn cựa mình ghê gớm của kỹ thuật, nhưng cũng chính sự nhanh chóng lụi tàn của những công trình, lại ẩn giấu những vì sao đi lạc mà hậu thế đỏ mắt giải mã khi tình cờ nhìn thấy cơn vụt qua như bóng ma có thật. Họa sĩ Võ Xuân Huy, giảng viên mỹ thuật Đại học Huế  tháng 4 vừa rồi  có triển lãm thả ngàn bóng bay trong địa đạo Vịnh Mốc ở Quảng Trị, với slogan “Xuống đất gặp trời”. Ướt đẫm vì mồ hôi và nhớp nháp vì hơi đất trong lòng địa đạo, đi trước cầm đèn, Huy ngoái lại giọng Quảng Trị nặng như rượu Kim Long: “Ông nhớ không, Trang Tử nói ngoài trời còn có trời”. Nhìn những viên gạch bất động trong đất đỏ và nắng, như giấc mơ bị bóc tách từng phần, giờ hiển lộ mà câu trả lời lẫn hoài nghi đã thụt lùi hàng thế kỷ, dội lên trong tôi cũng không kém rụt rè: ai biết đây là cái gì, khi nó vốn không ở dưới đất, mà có khi ở lồng lộng trời cao, nhưng dâu bể và lòng người đã đưa nó về lại với chính nó, như chiếc bong bóng bay của Huy được dụ dẫn xuống mấy kilomet vòng vèo trong lòng đất rồi vọt lên miệng hầm trong tiếng vi vu của gió, thoát xác, hoàn nguyên ca hát trở về tự ta.

Đó là đá  gạch ngàn năm hát ca bằng mật ngữ mà chìa khóa mở cánh cửa đã bị ném đi đâu đó trong lời của gió, của những vì sao xa xôi chỉ có thượng đế biết, cho nên có lần tôi nói với một người nghiên cứu Chăm rằng, đừng vô ích đi tìm bí quyết làm gạch và xây tháp, bởi chúng ta không mơ như người xưa. Ta mơ giấc mơ dựng quang phổ gương mặt mặt trời, còn người xưa mơ mặt trời và hoàng hôn là để tựa vào đó  mà hoan ca, mà bay nhảy những văn tự làm cầu nối cho những lời sấm truyền chỉ hạnh ngộ vào nửa đêm để rồi sau đó quỳ mọp về hướng mặt trời, cầu mong các vị thần hãy mang con đi. Người xưa, ngày cũng như đêm, chỉ có những lời truyền giảng kỳ bí mà gần gũi như thức ăn nước uống nhưng chưa một lần thiếu cung kính. Còn ta,  chẻ sợi tóc làm tư, suốt ngày đo bán kính mặt trời, để rồi bị bụi của những cú nổ tinh thể vùi  lấp đi mà không hề hay biết.

Vẫn nắng như chưa bao giờ nắng. Ngày xưa, ngày đó, chắc chỗ này mát mẻ lắm, bởi đứng trong lòng bất kỳ tháp Chăm nào, ta đều như được thấy vỗ về. Bất giác nhớ gương mặt Trung niên  thi sĩ  Bùi Giáng vốn là con dân của đất này. Thơ, dịch, phê bình, khảo luận của ông, là tiếng nói ú ớ của mật ngữ. Hay ông là người xưa chia sớt, “trí lại” cho hiện tại để con người hiện đại ngó nghiêng trong mù mịt và ông đi, để lại một văn tự mù mờ như lời của các thầy cúng trung cổ? Vẫn nắng như chưa bao giờ nắng. Những dãy nhà lộ ra, hiện những hình hài. Cổ xưa và vĩnh hằng, không rữa nát. Một viên gạch ì trên tay, là một biểu tượng, là văn tự. Ngày xưa chỗ này có thể là thung sâu, có thể là một ngọn đồi, có thể là bình nguyên, một con sông. Nhưng tất thảy đều là tinh tú, là những vì sao, là lời của thượng đế. Những chuyển động không thể cưỡng của lịch sử đã hóa phép những dòng sông, san bằng núi đồi, vùi vạ những căn nhà, những văn tự, làm biến dạng tất cả. Tất cả đã bị thương tổn. Nhưng hình như trong tiếng nói của tranh, cỏ, của bụi, đó là gương mặt của mình đã mất. Thượng đế viết thông điệp huyền ảo trên chính ta, “thích chữ”  vào mặt ta, mà ta cứ đi tìm. Và cũng chính dùng gạch đá, ta tự chôn ta.

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di chúc của văn tự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO