Di cư, chảy và tụ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 03/06/2017 09:50

Dòng chảy người di cư, đi như là trôi, thường được biện minh bởi “cung thiên di” trong mệnh số. Tức là cái số người ta vậy, cứ phải xê dịch, đi cả đời, bốn bể là nhà.

Nhưng có phải di cư chỉ do cái số thiên di như định mệnh? Không hẳn vậy.

Còn nhớ cuối năm ngoái, được sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Tổng cục Thống kê đã tổ chức triển lãm ảnh về dòng người di cư có chủ đề “Nơi tôi gọi là nhà”. Tại lễ khai mạc triển lãm ấy, người ta đã đưa ra thông điệp nhận thức rằng di cư đã trở thành vấn đề toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, dòng người lao động di cư đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là dòng người lao động di cư từ nông thôn đến thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất. Di cư lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các chính sách xã hội đối với người lao động di cư. Thống kê cho biết, trong vòng 5 năm qua, có khoảng 12,4 triệu người trong tổng dân số 91 triệu dân - chiếm khoảng 14% tổng dân số Việt Nam là người di cư trong nước.

Dòng chảy lao động di cư diễn ra ở nhiều cấp độ. Chủ lưu là vì kế mưu sinh. Người đất Bắc tràn khắp Tây nguyên. Dòng người Quảng cũng chảy về các đô thị lớn, tụ nhiều nhất là Sài Gòn. Trong nội bộ của một tỉnh, dòng di cư lao động cũng ngày càng đổ về các trung tâm công nghiệp. Bên cạnh đó, có sự dịch chuyển của lao động nông thôn ra thành thị, bởi nông nghiệp cơ bản không đem lại thu nhập đủ để tạo đột phá làm giàu. Hiện tại, Quảng Nam còn có chuyện di dân vào các khu tái định cư khi các dự án lớn triển khai. Ngay ở vùng đông, số lượng đang cần chuyển đến các khu tái định cư rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều ngôi làng và hàng chục ngàn người (vùng đông nam của tỉnh cần 2.000ha đất sạch để giao cho nhà đầu tư, theo đó khoảng gần 2,5 nghìn hộ bị giải tỏa di dời).

Nhiều vấn đề đặt ra với dòng di cư, di dời dân. Nào giải quyết kinh tế đời sống, tạo sinh kế, an sinh xã hội,... Một chuyện rất lớn nhưng thường ít chú ý là văn hóa. Phạm vi nhỏ ở một làng, một tỉnh, rộng ra quốc gia, chỉ di cư nội địa không thôi cũng đã tạo nên dòng chảy lao động, kéo theo nhiều vấn đề về văn hóa nữa. Một nhà nghiên cứu đã đặt câu hỏi rất cần phải chú ý rằng, người dân Việt mỗi vùng quê di cư đi đâu cũng mang theo nếp văn hóa vùng mình, họ sẽ sống với nhau ra sao ở những vùng mới di chuyển tới?

Có hiện tượng là văn hóa Tây Nguyên bị pha tạp, thậm chí nhiều nơi bị áp đặt văn hóa đồng bằng. Tôi qua Tây Nguyên cũng có cảm nhận như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn: “Buôn Mê Thuột là một đô thị giống như nhiều thị xã mới xây dựng và được đôn lên là thành phố, địa điểm duy nhất có chất cao nguyên đất đỏ là Bảo tàng Tây Nguyên được xây dựng dựa trên các thành quả nghiên cứu của người Pháp. Quay về xem các bản tin phát trên truyền hình chợt thấy thiêu thiếu cái gì, sau nhận ra là sự thiếu vắng không thể tha thứ hình ảnh những đồng bào của anh hùng Núp”. Vậy là có sự du nhập những nét văn hóa, phương thức sinh hoạt của người mới vào đất mới. Đó là xu thế khó cưỡng. Gần đây lại có thêm tình trạng các vùng đất từng hoang dại bị những cơ cấu siêu hiện đại “nhảy dù” xuống chiếm lĩnh nhanh chóng. Biển đảo, núi non, những vùng có tiềm năng du lịch đã mọc lên những resort năm sao, có nơi nhiều đến mức “bịt kín” chỗ thở của cộng đồng bên ngoài, làm sinh thái thiên nhiên bị tàn diệt. Nói như Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, người ta muốn đến Sơn Trà, Cát Bà, Hạ Long, Sơn Đoòng,... là để hưởng thiên nhiên chứ không phải xem cột nhà. Vậy mà người ta cứ cố xây nhiều biệt thự sang trọng với bê tông cốt thép ở các nơi đó, thứ mà du khách quốc tế đâu cần.

Ở xứ Quảng, dòng dịch chuyển của người đất Bắc vào làm ăn buôn bán, định cư tại Đà Nẵng, Hội An, ít nhiều cũng đặt ra vấn đề về văn hóa ứng xử. Không dưng mà nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo việc sang nhượng quyền sở hữu các di tích nhà cổ ở Hội An, hay phát triển “nóng” các dịch vụ bởi người nơi khác đến đô thị cổ này, có cơ làm biến thái cái “hồn” của Phố. Hội An, hội thủy, hội nhân, hội tụ văn hóa, nhưng lo ngại sự “tụ” về người mà “tán” về văn hóa trong dòng chảy di cư là điều đáng suy ngẫm. Chảy và tụ vốn là sự tiếp biến của văn hóa, có cái mất đi, có cái mới hình thành, nhưng làm sao phải gìn giữ những vẻ đẹp cố hữu không bị phôi pha, để đừng “hồn xiêu phách lạc” mà ngơ ngác trên dòng chảy hỗn độn, xô bồ của đời sống xã hội.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di cư, chảy và tụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO