Đi cùng nhau

ĐĂNG QUANG 18/06/2018 09:36

Muốn đi xa hãy đi cùng nhau.

Đó là lời khuyên quen thuộc với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Bởi những doanh nghiệp mới “ra ràng” như chim non dễ bị bóp chết vì vô số trở ngại, thách thức. Để đứng vững, doanh nghiệp cần chia sẻ với nhau về kiến thức quản trị, kỹ năng sản xuất kinh doanh và thị trường, mới tạo nên sức mạnh cạnh tranh.

Nhưng dường như câu chuyện “đi cùng nhau” không dành riêng lĩnh vực nào, không chỉ doanh nghiệp mà còn có nông dân, trong bối cảnh nền kinh tế nông nghiệp đang tái cấu trúc sản xuất và hướng đến thị trường hàng hóa. Trong khi kêu gọi làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh an toàn, nông nghiệp công nghệ cao mà sản phẩm cứ rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” thì càng phải đi cùng nhau để giải quyết. Không thể để nông hộ sản xuất đơn lẻ, hết kêu cứu, “giải cứu” mặt hàng này đến sản phẩm khác. Ai cũng thấy cần liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân mới giải quyết được đầu ra sản phẩm, nhưng phải tìm được tiếng nói chung. Chuyện đó còn nan giải. Ví như về giá thì doanh nghiệp đề xuất ký hợp đồng bao tiêu xoài với giá 9 ngàn đồng/kg nhưng bà con nông dân không chịu vì cho rằng giá thị trường có thể tăng thêm, đến khi vào vụ giá chỉ còn 3 ngàn đồng/kg thì lại kêu ca. Hay như tiêu chuẩn sản phẩm, doanh nghiệp đòi hỏi phải đạt các tiêu chí an toàn (như theo quy trình VietGAP), truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký sản xuất thì nhiều nơi nông dân chưa đáp ứng được.

 Một vấn đề gây khó khăn lớn cho nông nghiệp hiện nay là sản xuất chưa gắn với thị trường. Nhiều nơi không tổng hợp, phân tích tín hiệu thị trường, tiếp cận nhu cầu thị trường để định hướng quy hoạch trồng cây gì, nuôi con gì, khiến cho khủng hoảng đầu ra hoặc thừa hoặc thiếu. Rõ ràng, Nhà nước không thể quyết định thay cho nông dân sản xuất cái gì, nhưng có thể phân tích/cung cấp/khuyến cáo với thông tin thị trường càng nhiều, đầy đủ và liên tục, thì ít ra cũng giúp bà con có sự điều chỉnh phù hợp về quy hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần làm vai trò tư vấn và hỗ trợ cho mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân; cần kết hợp với doanh nghiệp quy hoạch sản phẩm đầu ra cho cả ngành một cách chiến lược theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân đối cung cầu phải kêu gọi “giải cứu”. Nói như bà Vũ Kim Hạnh, một chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, “hãy nghĩ đến những giải pháp toàn diện hơn: đẩy mạnh việc chế biến, phân phối cả trong, ngoài nước”.

Chiến lược quảng bá bằng chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu,… là những vấn đề khác mà ngành nông sản Việt cần phải cùng nhau giải quyết. Chẳng hạn trái cây, gạo, phở Việt Nam đã đến nhiều thị trường ngoài nước nhưng việc đa dạng hóa sản phẩm và mẫu mã vẫn chưa bắt mắt nhiều. Bà Vũ Kim Hạnh cũng kể rằng người Thái Lan rất giỏi quảng bá thương hiệu, như việc đưa ra ý tưởng cung cấp sầu riêng nướng (họ xem sầu riêng là vua trái cây) cho các phi hành gia vào tháng 7 tới đây, tức là đưa đại diện sản phẩm trái cây Thái Lan lên…vũ trụ. Người Thái còn nhắm tới việc cung cấp thực phẩm cho các chuyến đi trong tương lai bằng tên lửa. Đặc biệt, với thương hiệu phở Việt, người Thái đã xây dựng cả nhà máy làm được 2 triệu sản phẩm mỗi ngày để xuất khẩu đi các thị trường, và đang bán rất chạy ở châu Mỹ. Trong khi đó, quê hương của phở Việt thì cạnh tranh không lại người Thái. Đáng tiếc!

“Không một ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta” (Ken Blanchard), do vậy sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm luôn cần “đi cùng nhau” theo chuỗi giá trị mà nông dân và doanh nghiệp kết nối được với nhau. Ngay chương trình “mỗi làng/xã một sản phẩm”, không thể đơn lẻ đi trên con đường sản xuất và tiêu thụ mà cần nằm trong quy hoạch tổng thể (có tính đến nhu cầu thị trường) từ sản phẩm địa phương đến sản phẩm quốc gia, đồng thời kết nối nhiều ngành như nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp với thương mại dịch vụ v.v.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi cùng nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO