Bằng bản lĩnh, ý chí được tôi luyện trong môi trường quân ngũ, khi trở về địa phương, nhiều cựu chiến binh đã mạnh dạn, đi đầu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Thành công trên đất khô cằn
Tìm về xã miền núi Tam Trà (Núi Thành), hỏi thăm gia đình cựu chiến binh (CCB) Huỳnh Văn Bình ở thôn Phú Tứ, hầu như ai cũng biết. Năm 1989 xuất ngũ trở về địa phương, ông Bình bắt tay khai hoang vỡ hóa tìm sinh kế.
Hơn 30 năm xây dựng kinh tế, trải qua không ít khó khăn, thất bại, gia đình CCB Huỳnh Văn Bình đã thu được nhiều “quả ngọt”, là điểm sáng trong phong trào thi đua phát triển kinh tế ở xã miền núi Tam Trà nói riêng và huyện Núi Thành nói chung.
Cá nhân ông Bình hiện giữ chức Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Trà và là thành viên Câu Lạc bộ CCB sản xuất kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam.
Hội CCB tỉnh cho biết, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh. Toàn hội hiện có 78 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 15 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 132 trang trại, 543 gia trại và 1.564 hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ. Đến nay, nguồn quỹ vốn quay vòng, giúp nhau phát triển kinh tế của CCB đạt hơn 499 tỷ đồng; quỹ hội đạt hơn 86 tỷ đồng; tổng dư nợ vốn vay giải quyết việc làm hơn 20 tỷ đồng, vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 813 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến cuối năm 2021, toàn hội giảm được 1.756 hộ CCB nghèo, 1.468 hộ CCB cận nghèo. Đến nay, có 10/18 huyện, thị, thành phố, 165/241 xã, phường, thị trấn không còn hộ hội viên CCB nghèo; có 60,88% số gia đình hội viên có mức sống khá trở lên .
Lập nghiệp từ việc khai hoang vỡ hóa để trồng sắn cao sản, đến nay ông Bình đã sở hữu 15ha keo nguyên liệu cùng trang trại nuôi 50 heo nái và giữ số lượng 400 heo thịt. Ông Bình cho biết, mỗi đợt gia đình xuất bán 70 - 100 con heo thịt, với giá bán hiện nay (khoảng 64 nghìn đồng/kg), sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng.
Riêng năm 2020, khi giá heo đạt 85 nghìn đồng/kg, doanh thu từ nuôi heo của gia đình ông đạt hơn 4,4 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, với khoảng 15ha keo nguyên liệu, trung bình sau 5 năm chăm sóc, gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Chia sẻ về con đường lập nghiệp, ông Bình bày tỏ: “Người ta hay nói “thời tới” hay “gặp thời”, tuy nhiên nếu mình không bắt tay làm thì “thời” nào mà tới được.
Tất nhiên, khi làm kinh tế thì không mấy ai tránh được thất bại. Nhưng với tôi, may mắn là được trải qua môi trường quân ngũ, được rèn luyện về tính kiên trì, nhẫn nại, bản lĩnh…, đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đến nay gặt hái được thành công nhất định”.
Sẵn sàng sẻ chia
Ông Hồ Thanh Hà (thôn 2, xã Trà Giang, Bắc Trà My) nhớ lại, cách đây hơn 30 năm, khi xuất ngũ trở về quê nhà, mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0. Đất đai khô cằn, vết tích những năm tháng chiến tranh vẫn còn nham nhở, ông Hà như bao người dân khác tìm cách ổn định cuộc sống.
Nhưng với quyết tâm không bó mình trước cái khó, phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, ông Hà tìm tòi, học hỏi những mô hình kinh tế để ứng dụng vào điều kiện thực tế địa phương. Và hướng đi ông chọn là mô hình kinh tế tổng hợp, kết hợp giữa trồng rừng và chăn nuôi.
“Ở địa phương chủ yếu đất đồi, để hiện thực hóa mô hình kinh tế mình vạch ra, tôi bắt tay vào việc phát quang bụi rậm, đầu tư, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, rồi đắp ao nuôi cá, mở rộng nuôi dê, heo lai, gà và nuôi ong lấy mật dưới tán rừng. Tôi cứ lấy ngắn nuôi dài, để dần mở rộng quy mô” - ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, trăn trở lớn nhất là mô hình nuôi ong cho hiệu quả cao nhưng khó mở rộng. Nguyên nhân, bà con canh tác tại địa phương cho rằng nuôi ong sẽ gây hại cho bắp, lúa,… dẫn đến nguy cơ mất mùa.
Trước tình hình này, ông Hà mạnh dạn thành lập hợp tác xã để nuôi ong với số lượng phù hợp và cam kết nếu việc nuôi ong gây mất mùa sẽ bồi thường cho hộ dân bị ảnh hưởng.
Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình ông Hà cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, trở thành hộ CCB tiêu biểu nhất về phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Bắc Trà My. Và điều đáng trân quý, khi ông Hà thành công còn tạo việc làm ổn định và việc làm thời vụ tại trang trại của mình cho nhiều hội viên CCB cũng như người dân địa phương, nhất là vào mùa thu hoạch mật ong.
“Mình cũng đi lên từ tay trắng nên thấu hiểu hoàn cảnh người dân nơi đây. Phần lớn mọi người là lao động phổ thông, sống dựa vào rừng và điều kiện tự nhiên là chính. Do đó, những mô hình chăn nuôi, trồng trọt thì bà con sẽ dễ tiếp cận. Ngoài tạo điều kiện về việc làm, bất kỳ ai có nhu cầu, tôi sẵn sàng hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật để cùng nhau phát triển kinh tế” - ông Hà nói.