Di dời cơ sở sản xuất vào Cụm công nghiệp Thanh Hà (Hội An): Bất cập phương án

ĐỖ HUẤN 28/11/2018 06:28

TP.Hội An đang triển khai lộ trình di dời các cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư tập trung vào Cụm công nghiệp Thanh Hà. Phương án và danh sách các cơ sở di dời đã được phê duyệt từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ những bất cập, cần điều chỉnh bổ sung.

Tiếp tục thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Thanh Hà. Ảnh: Đ.H
Tiếp tục thi công hoàn thiện cơ sở hạ tầng Cụm công nghiệp Thanh Hà. Ảnh: Đ.H

Cần thông tin đầy đủ         

Theo báo cáo sau khảo sát, trong giai đoạn 1, thành phố đã bố trí 57.603m2 đất để di dời một số cơ sở sản xuất, hiện nay tại Cụm công nghiệp Thanh Hà còn lại 147.353m2 trên tổng số 303.334m2 mặt bằng. Số diện tích này được UBND thành phố sử dụng để xét chọn 68/586 cơ sở, hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường thuộc các ngành nghề như mộc dân dụng, cưa xẻ gỗ, cơ khí, đá granite, hàn tiện… để di dời tập trung. Đây là các cơ sở sản xuất có phạm vi gây ô nhiễm rộng (về bụi, tiếng ồn, mùi độc hại…) có số lượng từ 5 lao động trở lên. Thời gian cho thuê đất đối với các cơ sở này dự kiến là 20 năm.

Vừa qua, Thường trực HĐND thành phố phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức khảo sát thực tế 23 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư phường Thanh Hà và phường Tân An. Trong đó có 13 cơ sở, hộ cá thể sản xuất đã được UBND thành phố thống nhất di dời, bố trí vào Cụm công nghiệp Thanh Hà và 10 cơ sở, hộ cá thể sản xuất không nằm trong diện di dời, tiếp tục sản xuất tại khu dân cư (vì có quy mô sản xuất nhỏ, dưới 5 lao động). Qua khảo sát, Thường trực HĐND thành phố nhận thấy, số cơ sở, hộ sản xuất được xem xét bố trí vào Cụm công nghiệp Thanh Hà đảm bảo các tiêu chí theo phương án di dời mà UBND thành phố đã phê duyệt. Tuy nhiên thực tế vẫn còn một số bất cập liên quan đến công tác quản lý, di dời cần được bàn bạc tháo gỡ hợp lý trong thời gian tới.

Có một điều tưởng đơn giản, phải làm ngay nhưng vẫn bộc lộ hạn chế, đó là các địa phương chưa thực hiện đầy đủ việc công khai, niêm yết và thông báo rộng rãi danh sách các trường hợp trong diện di dời, bố trí vào sản xuất tại Cụm công nghiệp Thanh Hà. Đồng thời chính quyền các địa phương không có hồ sơ lưu liên quan đến việc khảo sát, xét chọn cơ sở được di dời, bố trí tại cụm công nghiệp để làm cơ sở đối chiếu, đánh giá và thực hiện công tác quản lý tại địa bàn. Vì vậy, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu: “Bằng nhiều cách các xã phường phải chuyển tải thông tin một cách kịp thời, rõ ràng để người dân và các đối tượng thuộc diện điều chỉnh trong chính sách này nắm bắt để thực hiện các quyền của mình, được hưởng các chính sách hỗ trợ cũng như thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước, đối với cộng đồng tại địa phương đó”.

Sử dụng quỹ đất chưa hợp lý       

Khảo sát của Ban Kinh tế - xã hội HĐND TP.Hội An cho biết, việc bố trí cơ sở vào sản xuất tại Cụm công nghiệp Thanh Hà căn cứ vào số lượng lao động và quy mô sản xuất nhưng thực tế số lượng lao động ở hầu hết cơ sở đều không ổn định, thường xuyên biến động theo đơn đặt hàng. Còn việc xác định quy mô sản xuất chưa căn cứ thông tin nộp thuế, chưa có đánh giá cụ thể từ các thiết bị kỹ thuật để xác định mức độ gây ô nhiễm của cơ sở sản xuất như đo tiếng ồn, bụi, mùi độc hại, nước thải… Bên cạnh đó, theo quyết định của UBND thành phố, diện tích đất được bố trí mỗi cơ sở cưa xẻ gỗ, mộc dân dụng từ 800 - 2.000m2 nhưng nhu cầu thực tế hiện nay của các cơ sở này ở khu dân cư chỉ từ 100 - 400m2. Còn đối với các cơ sở sản xuất đèn lồng hiện chỉ sử dụng vài chục mét vuông tại gia đình để sản xuất nhưng dự kiến đất bố trí lên đến 500m2.

Trong điều kiện quỹ đất tại Cụm công nghiệp Thanh Hà còn hạn chế (147.353m2) nhưng theo dự kiến diện tích đất bố trí theo phương án là từ 500 - 2.000m2 nên chỉ đảm bảo cho việc di dời 68 cơ sở. Các cơ sở trong diện di dời hầu hết vẫn chưa khắc phục tình trạng ô nhiễm tại cơ sở sản xuất trong khu dân cư, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân quanh khu vực. Qua khảo sát, vẫn còn 518 cơ sở sản xuất ngành nghề gây ô nhiễm nhưng chưa đủ điều kiện để bố trí vào cụm công nghiệp theo quy định (tính đến thời điểm đang khảo sát, điều tra). Trong đó có một số cơ sở đang sản xuất tại khu dân cư đã mở rộng quy mô, tăng số lượng lao động và mua sắm thêm trang thiết bị, máy móc; một số cơ sở có diện tích nhỏ, liền kề nhà ở của dân; một số ngành nghề sản xuất da và các sản phẩm liên quan, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (có 3 - 4 lao động) và một số ngành nghề mới phát sinh như sơn, rửa xe… vẫn tiếp tục sản xuất, kinh doanh ở khu dân cư. Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải tại cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện nên việc bố trí các cơ sở sản xuất tập trung với số lượng lớn, sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường cục bộ. Ông Nguyễn Văn Nhật – Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Hà cho rằng việc này hết sức cần thiết, cần phải làm ngay mới có thể triển khai tiếp trong năm tới.

Những bất cập từ thực tế khảo sát, điều tra về việc di dời các cơ sở, hộ sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào Cụm công nghiệp Thanh Hà cần được điều chỉnh, tháo gỡ phù hợp, đảm bảo đúng luật, công bằng, minh bạch, phục vụ hữu hiệu cho sự phát triển bền vững ngành kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng Hội An - thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di dời cơ sở sản xuất vào Cụm công nghiệp Thanh Hà (Hội An): Bất cập phương án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO