(QNO) - Đến chiều tối nay 14.10, trên địa bàn Quảng Nam đã xuất hiện mưa và gió lớn nhiều nơi. Các địa phương đang khẩn trương di dời hàng ngàn người dân và phương tiện đi tránh bão.
Đại Lộc đã di dời 2.750 người dân trú bão tập trung
Đến 20 giờ tối nay, ông Phan Đức Tính - Trưởng ban Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai (PCLB & GNTT) huyện Đại Lộc cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác di dời đối với các hộ dân thuộc vùng xung yếu tại các địa phương Đại Đồng, Đại Hồng, Đại Chánh, Đại Thắng, Đại Minh và Đại Hòa đã đảm bảo. Theo phương án di dời cấp thiết, toàn huyện có 2.929 hộ với 9.539 nhân khẩu thuộc diện di dời tại chỗ, 283 hộ với 931 nhân khẩu thuộc diện di dời tập trung. Toàn huyện đã di dời khẩn cấp 916 hộ với 2.750 khẩu, trong đó 731 hộ di dời tại chỗ và 175 hộ di dời tập trung. Tại các hồ đập, công tác PCLB đã sẵn sàng. Tại đập Khe Tân, Chi nhánh Thủy lợi huyện Đại Lộc đã bố trí lực lượng thường trực bảo vệ hồ gồm 15 người, các phương tiện, dụng cụ phục vụ PCLB như: đá hộc, đá dăm, rọ thép, xà beng, xe rùa, bao tải… phục vụ ứng phó khi có sự cố xảy ra đã được trang bị đầy đủ. Các phương tiện vận tải như thuyền máy, các loại xe cơ giới cũng được huy động phục vụ ứng phó sự cố. Hiện, mực nước tại đập Khe Tân là 21m76, vượt tràn 16cm, các bờ đập và kênh mương không có dấu hiệu bất thường. Lượng mưa trung bình đo được trên địa bàn huyện là 38mm. Mực nước trên sông Vu Gia tại thời điểm 21 giờ ngày 14-10 đo được 5m38, dưới mức báo động 1.
Đến 20 giờ tối nay, nhiều khu vực trên địa bàn Đông Giang, Tây Giang mưa vẫn đổ về như trút nước, gió giật mạnh theo từng đợt, sông suối bắt đầu xuất hiện lũ.
Theo ghi nhận, từ cuối giờ chiều nay 14.10, khu vực 2 huyện Đông Giang và Tây Giang bị cúp điện. Người dân phải dùng đèn dầu, đèn pin để theo dõi tình hình cơn bão. Ngày về đêm, gió giật càng mạnh kèm mưa to. Trong khi đó, người dân vùng cao thường chủ quan, không quan tâm đến việc chằng chống nhà cửa.
Còn tại Nam Giang, theo thông tin mới nhận được, mưa đã giảm dần, ít gió. Hiện chính quyền và người dân đang khẩn trương chủ động mọi hoạt động để ứng phó với bão.
Duy Xuyên: Gần 400 tàu cá rời khỏi âu thuyền Hồng Triều
Bắt đầu từ 17 giờ chiều 14.10 tại các xã ven biển Duy Hải và Duy Nghĩa (Duy Xuyên) gió mạnh dần lên cấp 7, cấp 8. Trao đổi với chúng tôi lúc 19 giờ 15 phút tối nay, ông Nguyễn Văn Thống - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, ngoài việc bố trí lực lượng trực tại cơ quan 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra thì toàn bộ thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB của xã đã trực tiếp về địa bàn 5 thôn kiểm tra và đôn đốc người dân chằng chống nhà cửa. Tại khu vực ven sông Cửa Đại thuộc thôn Trung Phường, chính quyền xã bố trí lực lượng theo dõi suốt đêm nay, tuyệt đối không để người dân quay trở lại những ngôi nhà tạm bợ.
Trong khi đó, từ 15-18 giờ chiều nay 14.10, gần 400 tàu thuyền của ngư dân Duy Xuyên và một số địa phương như Điện Bàn, Thăng Bình, Hội An đã lần lượt nhổ neo rời khỏi âu thuyền Hồng Triều rồi di chuyển vào dọc 2 bên đầu cầu Trường Giang. Ông Nguyễn Trường Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa nói: “Đây là cơn bão mạnh, nhiều khả năng sau bão sẽ có lũ lớn nên các chủ tàu cảm thấy không an tâm khi neo đậu ở âu thuyền Hồng Triều. Vì vậy, họ đã quyết định di chuyển phương tiện vào sâu trong khu vực cầu Trường Giang để được an toàn hơn. Hiện ở khu vực âu thuyền Hồng Triều chỉ còn gần 10 chiếc thuyền nhỏ”. Theo ông Năm, để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho công nhân đang thi công cầu Cửa Đại, Ban Chỉ huy PCLB xã Duy Nghĩa đã huy động lực lượng thanh niên xung kích di dời hơn 100 công nhân đang làm việc tại đây vào ở trong các phòng học của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi.
Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 11, lúc 19 giờ 30 phút tối nay 14.10, toàn bộ hệ thống điện ở thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa) đã bị mất, khiến cho việc sinh hoạt của hàng trăm hộ dân gặp khó khăn...
HOÀNG LIÊN - A LĂNG NGƯỚC - VĂN SỰ - PHI THÀNH