Di dời nhà máy thép Việt - Pháp: Lại "tiến thoái lưỡng nan"

TRẦN HỮU 27/07/2017 09:43

Cuộc đối thoại giữa chính quyền, người dân với doanh nghiệp vừa qua như mọi lần vẫn chưa tìm ra lối thoát, dù lần này lãnh đạo UBND tỉnh đã đưa ra nhiều phương án di dời nhà máy thép Việt - Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1 (thuộc phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn).

Một người dân phát biển ý kiến tại buổi đối thoại.Ảnh: T.H
Một người dân phát biển ý kiến tại buổi đối thoại.Ảnh: T.H

Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Như Báo Quảng Nam đã phản ánh, “số phận” của nhà máy thép Việt - Pháp thuộc Công ty TNHH Thép Việt - Pháp đang chờ đợi quyết định cuối cùng của Trung ương. Trả lời ý kiến cử tri, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh cho rằng, đang kiến nghị với Trung ương để xem xét chủ trương đầu tư, cũng như xem xét lại chủ trương di dời. Tuy nhiên, trước tình trạng người dân bủa vây, dựng lều “cấm đường” các phương tiện chở nguyên liệu vào nhà máy, khiến công ty dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh hơn 3 tuần nay, buộc chính quyền tỉnh và thị xã Điện Bàn phải vào can thiệp, tổ chức đối thoại giữa các bên.

Chiều 25.7, một cuộc đối thoại diễn ra với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp, gần 100 người dân thuộc khối 7A (phường Điện Nam Đông) và chính quyền thị xã Điện Bàn. Đại diện UBND thị xã Điện Bàn đã thông báo cho người dân chủ trương, quyết định của UBND tỉnh về các phương án di dời nhà máy sản xuất thép Việt - Pháp vào trước năm 2020 ra khỏi Cụm công nghiệp Thương Tín 1. Quan điểm của chính quyền địa phương là di dời nhà máy theo lộ trình phù hợp, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, khắc phục, kiểm soát ô nhiễm môi trường, vừa giải quyết các kiến nghị chính đáng của người dân. Với tinh thần cầu thị, xem xét hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và ý kiến người dân, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc đề nghị: “Trong thời gian chờ di dời thì chính quyền cũng như nhân dân trên địa bàn phải tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động ổn định nhằm thu hồi bớt nguồn vốn bỏ ra xây dựng”.

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến người dân không đồng tình việc kéo dài thời gian di dời nhà máy đến cuối năm 2019; cũng có ý kiến đề xuất rút ngắn thời gian di dời, chỉ cho phép nhà máy sản xuất hết khối lượng nguyên liệu đã nhập vào, còn lại không được nhập mới để sản xuất đến khi di dời nhà máy. Ngoài khu vực nhà máy, theo ghi nhận của chúng tôi, dù trời mưa nhưng người dân vẫn không chịu tháo dỡ lều bạt dựng tạm ngăn chặn xe tải ra vào nhà máy. Tại buổi đối thoại, phía doanh nghiệp cam kết đảm bảo môi trường và mong muốn người dân cho nhà máy chở vật liệu vào để tiếp tục sản xuất, trả lãi ngân hàng, lương công nhân… cho đến ngày di dời. Doanh nghiệp sẽ công khai lộ trình di dời để người dân biết và giám sát. Theo bà Võ Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt - Pháp, sau gần một tháng ngừng hoạt động, 180 công nhân, người lao động của công ty bị thất nghiệp; sản xuất, kinh doanh của nhà máy trì trệ, chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, nỗi lo nhất là do thất nghiệp, công nhân của nhà máy phản ứng gay gắt, nguy cơ xung đột, xô xát giữa người lao động với người dân sở tại đang tiềm ẩn.

Phương án nào tối ưu?

Thời gian qua, chính quyền tỉnh, các ngành liên quan và thị xã Điện Bàn đã nỗ lực tập trung thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn nhằm ổn định tình hình sản xuất cho nhà máy thép Việt - Pháp. Hai phương án đề ra với mục đích là ổn định đời sống của nhân dân gắn với việc thực hiện quy hoạch công viên nghĩa trang và quy hoạch cụm công nghiệp. Phương án 1 là triển khai trồng cây xanh hoặc xây tường chắn ở vệt cách ly 15m giữa Cụm công nghiệp Thương Tín 1 và khu dân cư để hạn chế ảnh hưởng về môi trường của cụm công nghiệp đối với đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực. Phương án 2 là điều chỉnh quy hoạch, tiến hành xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi phía bắc tuyến đường ĐT607B, sau đó xây hàng rào bảo vệ cụm công nghiệp. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh  cả  2 phương án nêu trên đến nay vẫn chưa tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong khu vực. Đặc biệt, phần lớn nhân dân đề nghị di dời nhà máy thép Việt - Pháp khỏi địa bàn để ổn định đời sống và sinh hoạt.

Ngày 24.7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chủ trì cuộc họp với các ngành hữu quan và chính quyền thị xã Điện Bàn bàn phương án “giải cứu” nhà máy thép Việt - Pháp. Sau đó một ngày UBND tỉnh cũng truyền đạt thông báo (số 269/TB-UBND, ngày 25.7) kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn tại cuộc họp về giải quyết di dời nhà máy này. Nội dung của thông báo này có nêu: “Thực hiện chủ trương của Chính phủ, HĐND và UBND tỉnh về đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; thể theo nguyện vọng của nhà máy thép Việt - Pháp, sau khi xem xét tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt là trước áp lực về môi trường, nhu cầu phát triển đô thị của thị xã Điện Bàn, nguyện vọng của nhân dân cần được quan tâm giải quyết, UBND tỉnh thống nhất chủ trương di dời nhà máy thép Việt - Pháp ra khỏi Cụm công nghiệp Thương Tín 1; tuy nhiên việc di dời phải có thời gian, lộ trình, bảo đảm di dời trước ngày 31.12.2019. Trong thời gian chờ di dời phải tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động ổn định”.

Chủ trương của UBND tỉnh là chọn Cụm công nghiệp thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) làm địa điểm di dời nhà máy thép Việt - Pháp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn khẩn trương tổ chức họp thông báo chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp trong tổ chức di dời để nhân dân chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thuận với chủ trương của UBND tỉnh trong lúc Chính phủ đang chỉ đạo cả nước phải đồng hành với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, đóng góp ngân sách cho Nhà nước.  Cấp ủy, chính quyền thị xã Điện Bàn, phường Điện Nam Đông, nhân dân cũng nên quan tâm giúp đỡ Công ty TNHH Thép Việt - Pháp trong thời gian chưa di dời nhà máy sớm ổn định sản xuất.

Về giải tỏa nỗi lo lắng của người dân về nhà máy sẽ tái diễn ô nhiễm, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc cho biết, người dân sẽ giám sát ô nhiễm bằng các hình thức có thể dùng điện thoại chụp ảnh, quay video clip nếu nhà máy gây ô nhiễm và báo cho chính quyền địa phương biết để xử lý. Tại buổi đối thoại, ông Úc cũng công khai số điện thoại xem như “đường dây nóng” để người dân phản ảnh ô nhiễm của nhà máy thép Việt - Pháp.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di dời nhà máy thép Việt - Pháp: Lại "tiến thoái lưỡng nan"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO