Di dời nhanh cơ sở sản xuất vào Cụm công nghiệp Thanh Hà: Có nhiều cơ chế ưu đãi

ĐỖ HUẤN 16/04/2018 13:48

TP.Hội An đã phê duyệt phương án, lập sơ đồ phân lô, xét duyệt danh sách các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gây ô nhiễm tập trung vào Cụm công nghiệp Thanh Hà. Đây là giải pháp để địa phương có điều kiện thực hiện chủ trương thành phố sinh thái.

Một cơ sở sản xuất mộc trong Cụm công nghiệp Thanh Hà. Ảnh: Đ.H
Một cơ sở sản xuất mộc trong Cụm công nghiệp Thanh Hà. Ảnh: Đ.H

Hiện TP.Hội An đã vận động được 68 cơ sở di dời, tập trung là những cơ sở có phạm vi gây ô nhiễm rộng (về bụi, tiếng ồn, mùi độc hại…) trên các tuyến đường trọng yếu hoặc ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, hoặc nằm trong các khu dân cư trung tâm thành phố, chủ yếu là cơ sở chế biến gỗ, sản xuất giường, bàn ghế, tủ; cắt đá granit, sản xuất cơ khí… Hội An đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư tại Cụm công nghiệp Thanh Hà. Đến nay, công trình điện chiếu sáng đường dẫn vào cụm công nghiệp (đường Trường Chinh) đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng với kinh phí đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng, các hạng mục san nền và tường chắn đất cũng được triển khai thi công với nguồn vốn tỉnh bố trí 12,2 tỷ đồng. Một số hạng mục trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại cụm công nghiệp này cũng đang được thi công để tạo điều kiện sớm thực hiện phương án di dời. Tuy vậy, nhu cầu cấp thiết hiện nay là hệ thống xử lý nước thải chung cho khu vực chưa được đầu tư. Ông Nguyễn Văn Nhật - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Hà cho biết: “Hệ thống thoát nước chưa được đầu tư nên trong năm 2018 này bố trí thêm một số hộ, một số cơ sở lên nữa thì việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải là rất cần thiết”.
Theo số liệu của Phòng Kinh tế TP.Hội An, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.310 cơ sở, hộ cá thể đang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Tuy chưa kiểm định mức độ ô nhiễm của từng cơ sở sản xuất, song có thể nói các cơ sở ngành nghề TTCN ít nhiều đã gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Vì vậy, việc quy hoạch và bố trí Cụm công nghiệp Thanh Hà thành nơi sản xuất tập trung nhằm khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và góp phần phát triển ngành công nghiệp sạch, phù hợp với định hướng xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa và du lịch.

Phương án di dời các cơ sở sản xuất vào Cụm công nghiệp Thanh Hà được thiết lập từ năm 2014 và bắt đầu triển khai từ năm 2016. Đây là dự án được tỉnh và Trung ương xác định là công trình đầu tư trung hạn thuộc nhóm B, được bố trí vốn theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2016 – 2017, giai đoạn 2 từ 2018 – 2020. Hiện nay, đã có 12 doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại đây, trong đó có 7 cơ sở nằm trong khu dân cư di dời vào. Tổng diện tích đất sản xuất đã bố trí thuộc giai đoạn 1 là 57.603m2, diện tích chưa bố trí của 2 giai đoạn là 147.353m2. Chính quyền thành phố cũng đã xác định chính sách ưu đãi, chế độ hỗ trợ tạo điều kiện cho các cơ sở và chủ hộ sản xuất có điều kiện thuận lợi thực hiện di dời như hỗ trợ chi phí vận chuyển, di dời máy móc - thiết bị, nguyên vật liệu, lệ phí xây dựng nhà xưởng, thực hiện chính sách cho thuê đất không quá 20 năm, miễn tiền thuê đất 3 năm từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư trong thời gian đầu sau di dời…, nhưng xem ra những thông tin này chưa đến đầy đủ với các đối tượng. “Thú thật chưa biết thông tin về thời gian giao đất, cho thuê đất là bao nhiêu năm. Việc di dời một cơ sở sản xuất gặp rất nhiều khó khăn về thời gian chuyển tiếp, về kinh phí. Không biết là thành phố có chủ trương gì để hỗ trợ những hộ di dời hay không?” - một chủ cơ sở nghề mộc ở Xuyên Trung (Cẩm Nam) nói.

Vì nhiều nguyên do khác nhau nên việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về sự hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Thanh Hà chưa như mong muốn. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Phòng Kinh tế - cơ quan tham mưu cho UBND thành phố bằng nhiều cách thông tin kịp thời, rõ ràng các chủ trương, cơ chế của Trung ương, của tỉnh, của thành phố. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng Hội An - thành phố sinh thái, tính đến năm 2016 (kết thúc giai đoạn 1), Hội An không đạt được các tiêu chí cơ bản về sinh thái như kỳ vọng, cụ thể chưa đạt 8/37 chỉ tiêu, chưa xác định được 9/37 chỉ tiêu do chưa có công cụ đánh giá. Trong đó, theo đánh giá của UBND thành phố là các ngành sản xuất công nghiệp - TTCN chưa được chú trọng phát triển đúng mức, hệ thống khu, cụm công nghiệp chậm hình thành dẫn đến tình trạng các hoạt động sản xuất diễn ra nhỏ lẻ và không có hệ thống, gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư. Vì vậy việc nhanh chóng di dời các cơ sở sản xuất TTCN ở khu dân cư vào Cụm công nghiệp Thanh Hà là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng định hướng của Đảng bộ thành phố là phát triển công nghiệp - TTCN gắn với phục vụ du lịch, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ và đảm bảo chất lượng môi trường sinh thái.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di dời nhanh cơ sở sản xuất vào Cụm công nghiệp Thanh Hà: Có nhiều cơ chế ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO