Mới hôm nào đi Quảng Ninh, qua vùng than mà chỉ ngước nhìn non thiêng Yên Tử bàng bạc mây trôi. Nay thì cúi nhìn mặt đất, than trôi theo lũ, người dân lặn ngụp để vớt. Rồi xỉ than lẫn trong nước lũ xộc vào tận nhà, ra bãi biển. Trận lũ bùn ngập tràn nhà dân, có nơi đến gần chóp nóc. Một cảm giác đời sống đen kịt, quánh đặc lại, se thắt số phận người dân vùng mỏ. Họ đang đi hay là trôi trên một màu xám xịt ô nhiễm môi trường sống?
Hàng vạn công nhân mỏ và nông dân là cửu vạn quanh vùng Mông Dương, Vàng Danh, sống trên “vàng đen”, sống ở tỉnh có công nghiệp khai khoáng hàng đầu, giàu có bậc nhất Bắc Bộ, song dường như đời họ trôi trên những nẻo mưu sinh chưa mấy sáng sủa…
Ở Bắc lũ tràn nhưng Nam Trung Bộ thì nắng gắt. Nhiều cánh đồng trên vùng Phan Rang khô cháy như rang. Hình ảnh những người đàn bà Chăm đội lu nước băng qua trảng cát trắng, chỉ đẹp trong bức ảnh nghệ thuật, còn mặt đất thì trụi trần như đàn cừu không mọc nổi lông. Những lùm cây bụi thâm thấp chạy theo vỉa cát sỏi cong queo dưới nắng, lá co thành gai nhọn kim châm như ở hoang mạc. Trôi trên cát bỏng, bóng người trắng xóa như hạt muối Cà Ná...
Tại TP.Hồ Chí Minh, nơi đông dân nhất nước, trái tim của miền Đông Nam Bộ, những cơn mưa ngập đường và triều cường liên tục đe dọa. Có nhiều ngôi nhà ở Nhà Bè nửa đêm trôi tụt xuống sông, đánh ùm một cái biệt dạng bao của cải mồ hôi và nước mắt của cư dân nghèo…
Điểm xuyết như vậy để cảm nhận về thiệt hại do biến đổi khí hậu tác động đến đời sống người dân rõ rệt quá rồi. Đâu xa, ngay ở vùng đất Quảng, hiện tượng sạt lở cửa sông ven biển vẫn đang diễn ra. Thời tiết thì đỏng đảnh lạ lùng; mùa xuân rồi có lũ lụt; trong một mùa có đủ bốn mùa, hết nắng gắt đến mưa tràn, khắc nghiệt hơn, khiến người đổ bệnh. Điều đáng lo, sự trở chứng của trời, cảnh “trời đày”, thường rơi vào những vùng dễ tổn thương có số đông dân nghèo cư ngụ. Một dự báo đáng sợ: nếu nước biển dâng lên 1m sẽ làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số Việt Nam (17 triệu người). Trong đó, khu vực ven biển miền Trung sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng cao. Và đến năm 2030, khoảng 45% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục bộ, thiệt hại mùa màng nghiêm trọng do lũ lụt và ngập úng. Đến một lúc nào thì những cuộc “đi” mở đất mở nước từng định vị vùng đất qua lịch sử sẽ “trôi” tuột thành quả nếu gần một nửa vựa lúa lớn kia bị ngập chìm trong biển mặn? Phương Nam, với những cánh lục bình “vừa trôi vừa trổ bông”, nhưng đâu nẻo thơ nhạc nào kéo níu nổi chân đất đứng lại dưới rừng đước, rặng bần?…
“Cho hay muôn sự tại trời”, “bắt phong trần phải phong trần”, là ngẫm ngợi của thi nhân về thiên định, thiên mệnh. Nhưng những gì nhân định có là hệ lụy của sự phó mặc để con người tự làm bất ổn thêm đời sống của mình? Than cứ đào lên bán, để có 1 tấn than phải bóc 10 khối đất, được mấy chục triệu tấn than mỗi năm thì đất và xỉ chất lên bãi cao như núi, gặp mưa lũ sao khỏi đổ ập xuống đầu? Cứ mãi đầu tư nhỏ giọt cho những công trình dân sinh, phòng ngừa thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, thì hỏi đến một lúc… trôi ra biển có còn mặc cả được nữa không? (Trong khi đó, lạ thay có nhiều nơi còn nghèo kiết xác mà chỉ lo chạy chọt xin dự án hàng nghìn tỷ đồng xây công trình viển vông).
Thiên tai và nhân tai đều làm nặng nề thêm quang gánh cực nhọc của dân. Còn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên và tàn phá môi trường thì sẽ còn gánh hệ lụy khôn lường. Đi, hay là trôi, những phận đời “gánh cực mà đổ lên non/ cong lưng mà chạy cực còn theo sau”?
NGUYỄN ĐIỆN NAM