Đi, là chết trong lòng một ít (?)

LÊ TRÂM 26/11/2016 09:27

1.Tôi nhớ hồi ấy, thủy điện Sông Tranh 2 đang giai đoạn tích cực thi công, mọi thứ còn rất ngổn ngang. Trong bối cảnh như thế chúng tôi về Trà My. Đi hết các địa điểm quen thuộc ở Bắc Trà My. Rồi men theo con đường mới mở, chúng tôi lên Tắc Pỏ - Nam Trà My. Đường lên các xã vùng cao Nam Trà My rất khó đi. Đoàn phải mượn chiếc xe U-oát mới cứng của huyện đội, nhờ cả lái xe mới lên được tới Trà Nam. Đường đầy sỏi lấy từ suối, những hòn sỏi thiếu độ bám so với đá cấp phối nên chỉ có lái xe xịn mới “trị” nổi cung đường này! Đoạn cuối chuyến đi, sau khi đổ hết một con dốc dựng ngược, tới nơi cơ quan xã đóng, chúng tôi đã sà xuống tắm ở suối đầu nguồn Trà Nam. Nhà văn Nguyễn Bá Thâm, trưởng đoàn, bảo đây gần như là đầu nguồn của sông Thu Bồn và là cái rốn nước chảy về các con sông Quảng Nam. Bởi vùng này có lượng mưa rất lớn và hầu như mưa quanh năm. Hèn chi ở dưới xuôi chỉ sau vài ngày mưa thôi đã thấy lũ về cuồn cuộn - là nói khi chưa có các đập thủy điện ở thượng nguồn. Ai đó bảo: mọi người xuống tắm hết đi, không chừng sau này nước sông ô nhiễm không còn để mà tắm(?). Mà thiệt, ngay ở quê, hồi chúng tôi còn thơ bé, tắm sông là chuyện thường ngày, ngày nào không tắm sông thì chẳng thể chịu nổi, thậm chí có vùng người ta còn múc ngay nước trên các giếng đào tạm bên mép nước, tát sơ sơ cho “nước trong” là múc vô thùng, quảy về uống được rồi! Bây giờ sông ô nhiễm, nhìn thoáng qua đã kinh sợ huống hồ là tắm! Giờ, nhiều khúc sông chỉ dành để cho trâu đằm! Mà thiệt, sau mấy năm Sông Tranh 2 và nhiều thủy điện khác nữa tích nước là động đất, và sông ở phía hạ lưu cũng cạn dòng dần, nhiều khúc sông ô nhiễm nặng, chẳng thể nào ào xuống tắm như hồi còn nhỏ nữa rồi. Lạ, lẽ nào mình cứ đi đến đâu là nơi ấy… “chết”(!).

Nụ cười của trẻ em vùng cao Nam Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Nụ cười của trẻ em vùng cao Nam Trà My. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

2. Một chuyến đi “Bà Nà by night” vào đúng tiết hè, nhưng Bà Nà ngày nắng đêm lạnh giá. Là đi theo con đường núi còn vòng vèo lắm, còn gương cầu giăng mắc khắp các khúc cua rợn người. Là hầm rượu Debay như còn đang phục vụ cho các buổi tiệc của các quý tộc thế kỷ XIX. Là không khí liêu trai của đêm núi rừng và cái hoang tàn của các biệt thự cổ còn sót lại sau cả trăm năm. Là những câu chuyện kể đầy ma mỵ giữa đêm lửa trại không ngủ cùng cái rét căm căm của đêm ngay giữa hè. Những du khách xuất hiện từ chiều, có khi vừa mới lúc đêm, sáng ra đã biến đâu mất. Là những cô gái đẹp thoắt hiện thoắt biến trong đêm. Là cây rừng “ăn” vào tận mép cửa phòng ngủ. Là hoa đỗ quyên nở rực rỡ khắp chốn…Và, sáng ra người biến mất trong khi xác bướm đêm to vật vã chết nằm xếp lớp trên đường đi. Cái huyễn hoặc như truyện Bồ Tùng Linh ấy, sau này tôi viết trong truyện ngắn “Đêm của bướm” như muốn lưu dấu lại tất cả những gì đã cảm nhận được chỉ trong một buổi chiều và một đêm trên đỉnh núi đầy sương khói ấy. Một lần, rồi thôi! Bây giờ, lên Bà Nà bằng cáp treo, chẳng bao giờ có được cái cảm giác hồi hộp, choáng ngợp so với khi ngồi trên xe, bò qua con đường đèo quanh co đầy rẫy nguy hiểm ấy nữa. Bà Nà được bê tông hóa quá nhiều, đã đẩy lùi cảnh hoang sơ rừng núi xa đến cả trăm năm. Thung lũng và sườn núi đầy hoa đỗ quyên chừng như đã chết, một cách tức tưởi! Có khi, chỉ còn lại trong truyện “Đêm của bướm” ấy cùng những ghi chép khác của những văn nhân thi sĩ đã từng đến và đã  lưu lại. Ở đấy, đã là một Bà Nà khác, của du lịch thời hiện đại.

Một lần nữa, đi là chết trong lòng một ít?

3. Đường núi, nhất là các con đường chạy dọc men theo sông, thỉnh thoảng lại gặp những đoạn đẹp mê hồn.  Giống như những bờ rào đá của những ngôi nhà thật đẹp ở làng cổ Lộc Yên, Tiên Phước. Hay dọc theo bờ nam sông Thu Bồn đoạn cuối xã Quế Phước lên làng Tý lở, xã Quế Lâm, Nông Sơn lại bất ngờ bắt gặp những bờ rào đá. Khác với Lộc Yên - bờ rào đá quanh co bên mép vườn, thì bờ rào đá ở Tý lở một bên là triền dốc, sau rào là nhà, sau nhà là đồi, thoai thoải lên tận phía núi. Còn bên kia là vực, là triền dốc ngược đổ xuống sông Thu Bồn. Một buổi chiều tôi đã đến đây trong bảng lảng sương miền sơn cước. Cứ thế, chân cứ đưa bước, đi như không hồn. Đi, đi miết cứ như sẽ vào đến… vô tận. Mà không, đi nữa có khi sẽ vào tận núi, vào với chốn Thiên Thai của Lưu Nguyễn cũng nên! Tôi nghĩ và viết từ cái tứ ấy: “Bên kia đỉnh dốc”, tên một truyện ngắn. Mới đây đi lại, đường đã thuận tiện hơn nhiều. Thật bất ngờ, chẳng thấy cái bờ rào đá đâu cả. Thì ra người ta đã kịp san bằng để làm con đường lớn phía nam sông Thu Bồn rất chi là bằng phẳng tôi đang chạy gần hết tốc độ của chiếc xe mình đang cưỡi. Như chưa bao giờ tồn tại một bờ rào đá đẹp mê hoặc như thế, một bờ rào đá mở ra về phía… vô tận. Lại đi, lại mất, lại đi là chết trong lòng một ít nữa rồi?

Lạ, cứ sau khi đi là nơi ấy thay đổi. Có khi mất hẳn. Không lẽ cứ nằm nhà, không nên đi đâu, nhất là tới những nơi dễ để lại ấn tượng như đã kể? Hễ cứ mỗi lần “đi, là chết trong lòng một ít”?

Chợt nhớ ra: “Đi, là chết trong lòng một ít” (Partir, c’est mourir en peu ) -  là một câu thơ của Edmond Hanacourt  trong bài “Vĩnh biệt ca” (Rondel de l’adieu) ra đời xưa đến cả trăm năm mà có khi sau này Xuân Diệu dựa vào đấy viết thành “Yêu, là chết trong lòng một ít” từng nổi tiếng một thời? Cả hai ý, ở đây đều đau đớn và... đáng chết như nhau cả thôi, phải không? Cũng như giữa sự phát triển kinh tế và việc giữ gìn cái đẹp, cái toàn vẹn của thiên nhiên không phải lúc nào cũng dễ dàng chọn được một câu trả lời chung.

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi, là chết trong lòng một ít (?)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO