Hôm nay 16.3, xã Bình Tú (Thăng Bình) tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng quê hương (24.3.1975 - 24.3.2015) và công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến thời điểm này, kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn xã đã được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở xã Bình Tú. Ảnh: Q.Việt |
Những dấu mốc đáng nhớ
Ông Nguyễn Đình Hồng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Tú cho biết, để đạt được những thành quả của ngày hôm nay, chặng đường mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Tú trải qua trong 40 năm qua là hết sức gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào. Sau ngày giải phóng, xã Bình Tú bước vào cuộc chiến mới, chống đói nghèo, lạc hậu. Đến những năm 1978 - 1980, Bình Tú đã cơ bản khắc phục hậu quả chiến tranh, bước đầu tạo dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật để xây dựng đời sống mới. Sau khi cơ bản hoàn thành xây dựng kênh mương, kiện toàn hệ thống cầu cống, cải tạo đồng ruộng, Bình Tú đưa lực lượng tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thời gian này, Bình Tú có 2 hợp tác xã nông nghiệp là Bình Tú 1, Bình Tú 2 được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) công nhận dẫn đầu thâm canh lúa của các huyện phía nam. Năng suất lúa của xã tăng 10 - 15tạ/ha lên 40 - 45tạ/ha đã giải quyết tình trạng thiếu đói trong nhân dân lúc bấy giờ. Trong những năm 1990, Bình Tú huy động nội lực của nhân dân xây dựng 3 trạm biến áp, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt cho 70% số hộ dân trên địa bàn, đồng thời xây dựng chợ Ngọc Phô phục vụ nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa cho nhân dân trên địa bàn xã.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân xã Bình Tú đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1.546 huân, huy chương và bằng khen các loại. Xã có 19 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 198 liệt sĩ. Bình Tú đã được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2008, xã Bình Tú vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đến năm 2012, Bình Tú được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. |
Bước sang những năm 2000, Bình Tú tập trung đẩy mạnh sản xuất, thâm canh tăng năng suất nông nghiệp. Từ việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2001 toàn xã đã chuyển 100% đất lúa (1.000ha) từ 3 vụ sang 2 vụ. Thời gian này, xã chủ động áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và tiếp tục chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa cho năng suất thấp sang canh tác các loại cây trồng cạn, cây công nghiệp ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao. Năm 2001 ghi nhận thành tích lớn của Bình Tú là đã vận động nhân dân đóng góp kinh phí, nhân công làm 62km giao thông nông thôn phục vụ đi lại và sản xuất của nhân dân. Năm này xã được Chính phủ tặng cờ thi đua. Đến năm 2007, Bình Tú hoàn thành dồn điển đổi thửa, bước vào sản xuất hàng hóa. Đầu những năm 2010, Bình Tú chú trọng xây dựng nông thôn mới. Từ khởi điểm chưa có tiêu chí nào đạt, qua 4 năm thực hiện, đến cuối năm 2014, xã Bình Tú đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Diện mạo mới
Đến nay, xã Bình Tú đã có 75km giao thông nông thôn, 8km giao thông nội đồng và 25km kênh mương đã được bê tông hóa đảm bảo cho việc đi lại và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc hoàn thành 2 chỉ tiêu quan trọng là giao thông và thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới ghi nhận các đóng góp lớn của người dân trên địa bàn. Trong vòng 4 năm qua, Bình Tú đã vận động nhân dân hiến hơn 15.000m2 đất, di dời hàng nghìn mét tường rào, cổng ngõ và đóng góp kinh phí, ngày công để mở rộng và kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Ông Phan Tấn Vưu (ở tổ 13, thôn Tú Ngọc B) đã được UBND huyện Thăng Bình biểu dương khi hiến 200m2 đất sản xuất để làm đường giao thông nông thôn và góp 20 triệu đồng xây dựng tuyến đường liên thôn nối Tú Ngọc A với Tú Ngọc B.
Hạ tầng kiện toàn đã thúc đẩy sản xuất phát triển. Những ngày này về Bình Tú, khắp cánh đồng tươi mát màu lúa xanh. Từ những sào lúa riêng lẻ, các hộ nông dân trên địa bàn đã dồn thành thửa lớn để canh tác. Với sự thuận tiện trong sản xuất cộng thêm hiệu quả từ ứng dụng kỹ thuật mới, năng suất lúa của xã từ chưa đến 50 tạ/ha trước đây nay đã tăng lên gần 70 tạ/ha. Ông Trịnh Xuân A - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú cho biết, trong thời gian qua, khi triển khai cánh đồng mẫu lớn, nông dân trên địa bàn đã thực hiện đồng bộ các khâu từ gieo sạ tập trung, sử dụng giống tốt cho đến thực hiện đúng lịch thời vụ. Cùng với đó, các khâu cải tạo đất, thu hoạch lúa đều được áp dụng cơ giới hóa nên năng suất tăng vượt trội. Gắn xây dựng nông thôn mới với nâng cao đời sống người dân, xã Bình Tú đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn tỉnh phổ biến các nghề mới đồng thời hỗ trợ vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân chủ động triển khai vào sản xuất. Các mô hình kinh tế mới đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Ông Huỳnh Công Phượng ở thôn Tú Cẩm là một trong số những cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng” do Hội Nông dân huyện Thăng Bình phát động trong nhiều năm qua. Làm nấm sò, nấm linh chi không chỉ giúp gia đình ông Phượng thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm mà còn giúp nhiều nông hộ trên địa bàn học tập, triển khai vào thực tế sản xuất.
NGUYỄN QUANG VIỆT