Đi lên Bình Định Nam

NAM QUANG 30/12/2013 08:41

Kinh tế có bước phát triển khá, đời sống nhân dân ổn định, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm mỗi năm từ 3 - 4%, hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng mới, đảng bộ tăng gấp đôi số lượng đảng viên và trở thành tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2013... là sự bứt phá của xã Bình Định Nam (huyện Thăng Bình) sau 6 năm chia tách.

Đường về xã Bình Định Nam đã được bê tông hóa khang trang. Ảnh: NAM QUANG
Đường về xã Bình Định Nam đã được bê tông hóa khang trang. Ảnh: NAM QUANG

Từ quốc lộ 14E từ ngã ba Cây Cốc qua khỏi cầu ông Triệu rẽ trái, theo con đường bê tông dài gần 4km vừa hoàn thành với tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng, chúng tôi đến ngay trung tâm hành chính xã Bình Định Nam. Khu vực trung tâm hành chính tập trung trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND và các ban ngành đoàn thể của xã với một hội trường lớn dành để hội họp, xung quanh là Trạm Y tế, Đài Truyền thanh, đối diện là trường Mẫu giáo xã, tất cả được xây dựng bề thế, khang trang. Các tuyến giao thông bê tông trong xã, nhà cửa nhân dân được xây dựng kiên cố, cho thấy diện mạo phát triển của một xã. Đang vào dịp chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân, trên các cánh đồng, rộn ràng không khí lao động. Một không gian không thể tìm thấy ở vùng quê nghèo này 6 năm về trước.

Xóa “8 không”

Đầu năm 2007, Bình Định Nam được chia tách từ xã Bình Định và hầu như chỉ có con số không. Hồi ấy, một số cán bộ ngao ngán ví von đây là “xã 8 không” (không: điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc, đài truyền thanh, chợ, bưu điện). Ngày mới chia tách, xã phải mượn tạm một lớp học của phân hiệu Tiểu học Trần Cao Vân để Đảng ủy, UBND xã làm việc. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Việt cho biết: “Khi chia tách, mọi thứ đối với chúng tôi đều mới bắt đầu. Từ việc ổn định tổ chức bộ máy, tư tưởng và đời sống nhân dân đến tập trung phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất”. Bấy giờ Bình Định Nam là một trong những xã nghèo, đất đai cằn cỗi lại không chủ động nguồn nước tưới nên nguồn thu dựa vào nông nghiệp không cao. Vùng quê này trước đây người dân trồng mía mà người nơi khác đến cứ ngỡ trồng sả vì cây mía èo uột. Hai năm sau chia tách, hồ thủy lợi Đông Tiển hoàn thành và đưa vào sử dụng, lúc này sản xuất nông nghiệp của Bình Định Nam mới có bước tiến khi hơn 630ha diện tích sản xuất vụ đông xuân đều chủ động nguồn nước tưới. Người dân mạnh dạn đưa các giống lúa cho năng suất cao vào gieo trồng, áp dụng các biện pháp thâm canh, xen vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Từ chỗ mùa màng thất thu năm được, năm mất, đến nay năng suất lúa 2 vụ luôn ổn định, bình quân thu nhập trên 1ha canh tác của nông dân Bình Định Nam đạt hơn 20 triệu đồng/năm. Khi đã ổn định nguồn lương thực, bà con nông dân trong xã đầu tư phát triển đàn bò, trong đó bò lai chiếm hơn 70% tổng đàn. Nhiều hộ nuôi từ 2 - 5 con bò lai, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng; đặc biệt, dự án phát triển bò lai sinh sản đang được Trạm Khuyến nông Thăng Bình chuyển giao có hiệu quả. Nhiều cánh rừng keo lá tràm, cao su tiểu điền phát triển tạo nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Thực hiện chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã đã hoàn chỉnh đều khắp các tuyến đường bê tông, thâm nhập nhựa liên thôn liên xã, bê tông hóa các tuyến kênh thủy lợi, quy hoạch và tiến hành xây dựng 30ha cánh đồng mẫu lớn ở các thôn Thanh Sơn và Đồng Đức... Từ một xã “8 không”, Bình Định Nam đã dần hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ đời sống  tinh thần cho nhân dân, tạo đà phát triển kinh tế của địa phương.

Tạo niềm tin

Ngày mới chia tách, Đảng bộ xã Bình Định Nam có 42 đảng viên, có 5 (trong 6) thôn thành lập được chi bộ. Đến nay, toàn đảng bộ có 81 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ, trong đó có 6 chi bộ thôn. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Việt cho biết: “Đảng bộ xã đề cao vai trò trách nhiệm của đảng viên, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, làm nhiều, nói ít, mang lại hiệu quả cao, tạo niềm tin trong nhân dân, đặc biệt là các phong trào của địa phương”. Đảng ủy đã giao cho các cấp ủy cơ sở xây dựng quy chế hoạt động gắn với những công việc cụ thể của từng đơn vị, địa bàn dân cư. Có kế hoạch triển khai chương trình hành động cụ thể hằng tháng, hằng quý, hằng năm. Đảng ủy thường xuyên kiểm tra để phát huy kết quả đạt được, đồng thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm. Các sinh hoạt của chi bộ đều đề cao việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trách nhiệm nêu gương của đảng viên, người đứng đầu. Khi thực hiện một chủ trương nào đó gắn với quyền lợi và lợi ích của nhân dân, đảng viên và cán bộ chủ chốt luôn gương mẫu thực hiện trước quần chúng. Đơn cử như trong triển khai xây dựng các tuyến giao thông bê tông trong xã và giải phóng mặt bằng làm đường vận chuyển vật tư thủy lợi hồ Đông Tiển, đảng viên đã gương mẫu hiến đất  đai, vật kiến trúc nên dân ai cũng làm theo.

Ngoài ra, Đảng bộ xã đã phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Những chủ trương lớn như vận động giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, chung tay giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững đều có sự vào cuộc tích cực của các hội Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên và các ban ngành khối chính quyền... mang lại hiệu quả cao. Qua kết quả phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2013, cả 10 chi bộ của Đảng bộ Bình Định Nam đều xếp loại “Trong sạch vững mạnh”, Đảng bộ xã được Huyện ủy Thăng Bình xếp loại “Trong sạch vững mạnh”.

NAM QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi lên Bình Định Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO