Trong chăn nuôi khó tránh khỏi những rủi ro, nhưng vực dậy từ hai bàn tay trắng để gầy dựng lại kinh tế gia đình như nông dân Lê Văn Hường (thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước, Phú Ninh) thì không phải ai cũng làm được.
Trại heo của ông Lê Văn Hường. Ảnh: VĂN HÀO |
Quay về xuất phát điểm
Ông Hường kể câu chuyện khoảng thời gian gia đình lâm vào cảnh bi đát bằng cảm xúc “tiếc đứt ruột” như cách nói của ông. Đó là thời điểm cơn bão Nari đổ bộ vào Quảng Nam hồi tháng 10.2013, và trong phút chốc cả trại gà của ông chỉ còn trơ trọi lại một đống đổ nát. Nhà nông, ky cóp cả đời mới có đủ số tiền đầu tư mở gia trại chăn nuôi. Nhưng cơn cuồng phong cuốn tất cả vốn liếng của gia đình ra sông, ra biển mà không kịp trở tay. Tổng thiệt hại gần 400 triệu đồng. Ông kể, bắt tay vào nuôi gà tính đến nay đã được 7 năm, nhưng chỉ mở rộng quy mô vào năm 2013 khi mua, thuê gần 2ha đất làm mặt bằng. Chân ướt chân ráo chuyển đến chỗ chăn nuôi mới, chưa kịp thu lại đồng vốn nào thì 7.000 con gà, trong đó có hơn 2.000 con chuẩn bị xuất bán (tổng đàn 9.000 con) bị chết do bão làm sập các chuồng trại; số gà còn lại hoặc chết mòn hoặc không lớn nổi. “Thiên tai không ai lường hết được, bản thân cũng chủ quan một phần. Qua đó cho mình một bài học. Nếu hồi đó mà tôi buông xuôi thì không hình dung được cuộc sống gia đình hiện chừ như thế nào nữa” - giọng ông cứng cỏi.
Ông ham làm kinh tế, mà chủ yếu là chăn nuôi. Có thời điểm ông từng nuôi thỏ, bồ câu Pháp, song đều thất bại. Trước khi chuyển sang nuôi gà, ông trúng thầu hợp đồng nuôi cá ở đập Ma Phan thuộc xã Tam Lộc (Phú Ninh) trong 6 năm. Thời gian này ông làm ăn sinh lãi, lận lưng được một ít vốn. Hết thời hạn hợp đồng, gia đình gom góp hết tiền đầu tư vào nuôi gà với hy vọng sẽ vươn lên làm giàu. Nhưng khi chưa kịp cải thiện kinh tế gia đình thì lại rơi vào cảnh trắng tay do bão. Thiên tai lấy những gì ông đang có, ngoại trừ ý chí, sự quyết tâm. Gạt bỏ những ê chề, ông gượng đứng dậy sau khi bão tan và mọi thứ đều phải khởi động lại từ đầu. Ông cho biết, sau thiệt hại, các bên hỗ trợ cho gia đình được 78 triệu đồng. Ông ngược xuôi đi vay thế chấp thêm 500 triệu đồng để gầy dựng lại các trại gà và đầu tư thêm một trại heo giống.
Nỗ lực gầy dựng
Năm 2014 được coi là khá suôn sẻ trong quá trình vực dậy gia trại, nếu không muốn nói là thành công bước đầu. Những lứa gà hàng ngàn con “đẻ” ra một khoản lãi nhất định, đặc biệt thời điểm tháng 4.2014 gà trúng giá. Lấy ngắn nuôi dài, dần dà gia đình cũng đã trả được gần phân nửa số tiền đi vay mượn. Người ta nói “có gan làm giàu”, với ông Hường có thể còn quá sớm để nhắc tới. Nhưng, sau 2 năm kể từ ngày biến cố, nhìn những gì ông đang nắm trong tay thì ai cũng phải nể phục.
Chúng tôi đến thăm gia trại của ông Hường khi ông đang tất bật sửa soạn cho 20 con heo giống đẻ lứa đầu tiên. Đã có 8 con đẻ với gần 100 con heo con. Đây là giống heo siêu nạc được lấy từ ngoài Huế khi ông được hưởng lợi từ một chương trình hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương. “Lứa heo giống này được đưa về với giá 3,1 triệu đồng/con (trọng lượng 30kg). Trong đó phía tỉnh và huyện hỗ trợ cho tôi đến 80% kinh phí. Mấy bữa nay lo ngay ngáy, phải túc trực miết ngoài chuồng trại để canh heo đẻ” - ông cười nói. Vợ ông đi buôn tối ngày mới về nên công việc chăn nuôi một tay ông quán xuyến. Ông bảo rất kỳ vọng vào những đàn heo siêu nạc này, vì ngoài áp dụng những kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi thì sản phẩm đầu ra đã được phía công ty hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn ngoài thị trường. Còn với “con vật nuôi truyền thống” của gia đình, sau khi bán lứa gà đợt 2 trong năm, ông vừa mua thêm 7.000 con để tiếp tục nuôi phục vụ thị trường tết.
Ông Hường tâm sự rằng còn nhiều dự định ấp ủ, nhưng cần có sự tính toán để “đi bước nào, chắc bước nấy”. Không chỉ riêng trong chăn nuôi, sự thất bại là bài học, là kinh nghiệm chứ không phải buông xuôi - như lời ông đã nói!
VĂN HÀO - HẢI CHÂU