Mười năm - chặng đường quá ngắn đối với sự phát triển của một vùng đất, nhưng cũng đủ để Đông Giang ghi dấu những đổi thay đáng mừng của một huyện vùng cao bước ra từ gian khó…
Phát triển kinh tế dựa vào những cây trồng chủ lực là hướng đi của Đông Giang. TRONG ẢNH: Người dân Đông Giang vươn lên thoát nghèo nhờ cây chè.Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Bước đi chiến lược
Được thành lập vào năm 2003 trên cơ sở chia tách từ huyện Hiên, khởi đầu với muôn vàn khó khăn do điều kiện lịch sử, điểm xuất phát kinh tế, xã hội thấp, sự lạc hậu về tư duy, hạ tầng sản xuất… là những thử thách không nhỏ cho Đông Giang trước yêu cầu phát triển. Đông Giang có hơn 70% dân số là đồng bào Cơ Tu, đời sống đại bộ phận cư dân còn khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, nông sản hàng hóa tiêu thụ rất hạn chế, một bộ phận không nhỏ người dân có tư tưởng trông chờ ỷ lại... là thực trạng chung của huyện những ngày đầu tái lập. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực phổ thông thấp; đội ngũ cán bộ, công chức thiếu và yếu; bản sắc văn hóa tộc người Cơ Tu ở địa phương chịu nhiều tác động và đứng trước nguy cơ mai một... Nhận định những khó khăn, thử thách, xác định rõ tầm nhìn để phát triển, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã kịp thời đề ra các chủ trương chính sách bằng những nghị quyết cụ thể. Đây chính là nền tảng quan trọng cho con đường đi lên của Đông Giang, đánh dấu những chuyển biến tích cực, mang lại diện mạo mới cho vùng cao.
Thực hiện quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội là bước đi chiến lược của Đông Giang trước những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch, chúng tôi bắt tay vào thực hiện bằng cách tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và nỗ lực của nhân dân. Bước đi của Đông Giang là tiếp tục khẳng định, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và định hướng phát triển của huyện theo quy hoạch. Trong quá trình triển khai, huyện cũng đã “nhận diện” vướng mắc, điều không phù hợp để kịp thời đề ra những điều chỉnh, tìm kiếm những hướng đi thích hợp”. Từ chiến lược đã hoạch định, bằng sự cố gắng không ngừng, 10 năm qua, nền kinh tế của huyện Đông Giang vươn lên, đạt được những kết quả đáng khích lệ. So với năm đầu tái lập, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản và sản lượng lương thực tính đến năm 2012 đều tăng gần gấp 2 lần; tổng đàn gia súc tăng 3 lần; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 6 lần; tổng thu ngân sách từ 3,7 tỷ đồng tăng lên 287,5 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2012 đạt hơn 30 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần...
Còn nhớ, khi mô hình trồng chuối được triển khai thí điểm trên địa bàn huyện, rất nhiều người đã bày tỏ sự e ngại về đầu ra sản phẩm khi triển khai trồng đại trà loại cây này. Để thuyết phục bà con, lãnh đạo địa phương đã mạnh dạn nhận trách nhiệm bằng cam kết sẽ bảo đảm đầu ra cho cây chuối, nếu không bán được huyện sẽ thu mua toàn bộ cho bà con. Tuyên bố mạnh mẽ và đầy tinh thần trách nhiệm ấy đã được cụ thể hóa bằng hàng loạt sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực… Nhờ vậy, cây chuối đã bắt đầu bám rễ trên đất Đông Giang. Không đầy 3 năm sau, diện tích trồng chuối trên địa bàn đã lên đến gần 500ha, trở thành cây “thoát nghèo” cho bà con. Cũng với cách làm đó, hơn 700ha cao su đại điền được trồng thành công, cùng với sự phát triển mạnh của cao su tiểu điền một lần nữa chứng minh cho những nỗ lực của chính quyền huyện Đông Giang trong việc đưa những mô hình mới phát triển trên chính vùng đất đầy gian khó ngày xưa…
Dấu ấn vùng cao
Chị Phạm Thị Huệ (xã Ba) là tấm gương điển hình trong lao động sản xuất với thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm từ cây chè, cao su. “Ngoài chè, tôi còn làm ruộng, hoa màu, chăn nuôi. Hiện tại tôi nhận khoán 4ha cao su, thu nhập ổn định, gia đình thoát nghèo, không còn vất vả như trước” - chị Huệ cho biết. Điển hình vượt khó, vươn lên làm giàu của chị Huệ chỉ là một nét chấm phá cho những đổi thay của vùng đất xã Ba nói riêng, huyện Đông Giang nói chung hôm nay. Ông Phan Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Ba nói: “Hướng đi mũi nhọn được xã Ba xác định là chăn nuôi và trồng trọt. Trong đó, chè, keo lai và cao su là những cây trồng chủ lực, đặt hy vọng phát triển kinh tế, đưa người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.
Mười năm xây dựng và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân huyện Đông Giang đã được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 3 lần (từ 2,1 triệu đồng năm 2003 lên 7,6 triệu vào năm 2012); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân gần 5% mỗi năm. Kinh tế phát triển, các giá trị văn hóa Cơ Tu được quan tâm gìn giữ và phát huy. Cùng với đó, việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã từng ngày thay đổi diện mạo vùng cao. Đến Đông Giang hôm nay, hệ thống đường giao thông, mạng lưới điện phủ đến từng bản làng, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang... đã dần xóa đi những gian khó một thời. Đến nay, 11/11 xã và 90 (trong tổng số 95) thôn trên địa bàn huyện đã có đường ô tô đến tận nơi; gần 100% hộ dân được sử dụng điện và nước sinh hoạt; chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, 11 xã đều hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tỷ lệ học sinh đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng từ 0% năm 2003 đã đạt 16% năm 2012…
Nhìn lại chặng đường 10 năm đi lên từ gian khó, ông Đỗ Tài khẳng định: “Muốn phát triển, quan trọng là xác định cho được hướng đi phù hợp với vùng đất, con người. Rồi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm vào cuộc, đánh thức khát khao làm giàu của người dân và tranh thủ sự hỗ trợ từ bên ngoài. Có được ngày hôm nay, là nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn huyện. Chặng đường phía trước còn dài, nhưng sự đoàn kết, cố gắng không ngừng nghỉ của toàn huyện sẽ tiếp tục là nguồn lực để Đông Giang đi lên từng ngày”.
PHƯƠNG GIANG