(VHQN) - Chẳng mấy chốc, cung đường quanh co dọc theo triền núi bồng bềnh sương trắng. Chúng tôi tận hưởng khoảnh khắc giao thời trong tiết trời se lạnh, lòng thầm cảm ơn những người bạn trong chuyến đồng hành ngược núi...
Bạn tôi nói, khi các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng miền núi Quảng Nam đang dần “có tên” trong bản đồ du lịch, thì những cuộc phiêu lưu ghi lại khoảnh khắc đẹp luôn được các “tín đồ” chọn lựa và săn lùng. Đặc biệt, vào mùa sương núi “hạ sơn”, giữa khung cảnh huyền ảo, những bản làng đồng bào dân tộc thiểu số ẩn hiện dưới màn sương trắng, tạo thành sức hút kỳ lạ.
Ngược nguồn du xuân
Chút nắng xuân dịu nhẹ rơi rớt nơi góc làng Voòng (xã Tr’Hy, Tây Giang). Rất nhanh, những chùm sương trắng phủ đầy trên từng mái nhà bắt đầu di chuyển. Khoảnh khắc ấy gợi lại thời điểm vài năm trước, cũng ở cung đường lên xã biên giới Tr’Hy này - đỉnh Quế với sương núi hiện lên trong nắng xuân bồng bềnh, cảm giác vừa xa vừa gần.
Những ngôi làng vùng cao hiện trong sương trắng. Trên đỉnh núi A Xan mờ ảo, làng A Râng lung linh giữa không gian rộng thoáng. Nền trời phủ dày sương trong, một vòng cung khép kín với điểm giữa là gươl dần hiện ra, làng người Cơ Tu đẹp lạ trong ánh nhìn của du khách.
Thật lạ, người Cơ Tu thức dậy rất sớm. Trời vừa sáng, những phụ nữ lớn tuổi mang khung dệt ra trước hiên nhà, tranh thủ ngồi dệt thổ cẩm. Như nét riêng độc đáo, từ bàn tay khéo léo giúp phụ nữ Cơ Tu dệt nên những tấm thổ cẩm đầy màu sắc, trở thành quà tặng khách đến trong những ngày xuân mới.
Ông Alăng Tỏa - Trưởng thôn A Râng nói, văn hóa Cơ Tu truyền lại, ngày tết, đồng bào địa phương thường có tục “lì xì” khách quý bằng những tấm thổ cẩm hoặc trang sức của gia đình như mã não, hạt cườm, tượng điêu khắc... Những món quà này tuy giá trị vật chất không lớn nhưng chứa đựng tình cảm của gia chủ đối với khách và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cầu mong năm mới bình an đến với mọi người.
“Ngày tết, khách đến làng, đặc biệt là những vị khách từ phương xa đều được đồng bào Cơ Tu đón tiếp chu đáo. Những món ăn ngon nhất được thết đãi như cách bày tỏ tình cảm, bởi người Cơ Tu tin rằng chỉ có tình cảm dành tặng cho nhau mới là điều quan trọng nhất. Đó cũng chính là món quà xuân ý nghĩa nhất” - ông Alăng Tỏa nói.
Xuân ở vùng cao, rất nhiều điểm đến thú vị được hình thành từ các công trình mang ý nghĩa cộng đồng. Ngoài không gian nhà làng, đầu năm mới đồng bào vùng cao thường tìm đến các điểm sông suối, cánh rừng nguyên sinh và cả hồ đập thủy điện dưới chân núi. Tại Nam Giang, vài năm gần đây, khu vực Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc trở thành điểm du xuân lý tưởng của người dân sinh sống dọc biên giới Việt Nam - Lào...
Trải nghiệm không gian độc đáo
Vài năm gần đây, tết với người vùng cao không chỉ gói gọn ở chuyện thăm, chúc tết, mà còn là khoảng thời gian dành nhiều hơn cho hành trình trải nghiệm. “Tết này đi đâu”, câu hỏi từ những người bạn trong dịp gặp cuối năm luôn thôi thúc chúng tôi tìm kiếm những điểm đến mới mẻ với không gian độc đáo.
Năm ngoái, chúng tôi cùng nhau mở chuyến du xuân trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nhưng, chúng tôi không phải là những vị khách duy nhất. Dọc tuyến đường dài hơn 50km từ Prao (Đông Giang) đến Thạnh Mỹ (Nam Giang) thi thoảng bắt gặp vài nhóm người, trong đó có cả du khách ngoại quốc cùng chung sở thích trải nghiệm “cung đường sương trắng” vào dịp đầu năm mới.
Không hẹn mà gặp, chúng tôi ghi lại khoảnh khắc đẹp tại những nơi dừng chân. Giữa sương núi bồng bềnh, lòng hồ càng thêm xanh trong. Sự kết hợp ngẫu nhiên của tạo hóa làm nên khung cảnh dịu dàng, bình yên và thơ mộng. Dưới chân núi Trường Sơn, cảm giác được đắm mình trong màn sương se sắt lạnh, cứ như lạc ở nơi nào đó vừa lạ vừa quen.
Ông Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang nói, vài năm trở lại đây, du khách đã dần thích thú với hành trình trải nghiệm không khí tết của đồng bào miền núi. Rất nhiều cuộc hẹn được kết nối từ những người làm tour du lịch cộng đồng, đưa du khách đến gần hơn với không gian làng người miền núi, không khí đón tết cổ truyền, cũng như câu chuyện du xuân độc đáo nơi “cổng trời”...
“Một số bạn trẻ thích khám phá và trải nghiệm. Và những ngày tết, họ thường rủ nhau tìm đến các con suối, cánh rừng nguyên sinh, các lòng hồ thủy điện, cột mốc biên giới để... du xuân. Với họ, đó không đơn thuần là hành trình trải nghiệm, mà là dịp để được hòa mình vào tự nhiên, cầu mong năm mới thật nhiều sức khỏe và may mắn” - ông Hùng chia sẻ.
Đón lấy cơ hội từ xu hướng du lịch trải nghiệm, ông Hùng nói, địa phương đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ) với nhiều không gian sinh động, độc đáo thông qua các tour khám phá và trải nghiệm, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách nhiều điều thú vị bất ngờ.