(QNO) - Trong những ngày TP.Đà Nẵng siết chặt biện pháp phòng chống dịch Covid-19, việc cung cấp hàng hóa cho người dân luôn áp lực, nhưng cũng chính những lúc khó khăn này, nghĩa tình cộng đồng càng thấm đẫm.
Gần nhau hơn
“Đi chợ giúp dân” là cụm từ được nghe rất nhiều trong những ngày Đà Nẵng siết chặt thực hiện giãn cách xã hội. Thời điểm này, dù thành phố đã nới lỏng một số vùng Xanh nhưng tại các vùng Vàng, Đỏ nhu cầu mua hàng thiết yếu của hàng trăm hộ gia đình như thuốc men, thực phẩm… vẫn khá lớn. Mọi áp lực đều dồn lên tổ cung ứng thực phẩm tại địa phương.
Theo ông Đặng Phan Phú Lộc, ở tổ 35, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, bên cạnh những hỗ trợ từ chính quyền, đoàn thể… thì tinh thần chủ động của người dân trong việc tìm nguồn hàng đã giúp nhiều gia đình trong tổ vượt qua thời điểm khó khăn này.
Thông qua các mối quan hệ, một số thành viên tổ 35 đã chủ động tìm nguồn hàng, gom chung đơn hàng trên nhóm để đủ số lượng nhà cung cấp yêu cầu. Sau đó đặt về chia cho mỗi hộ dân, nhờ vậy gia đình nào trong tổ cũng mua đủ lương thực, thực phẩm, nhất là rau xanh và các loại thực phẩm tươi sống…
Cầm trên tay chiếc điện thoại để theo dõi nhóm zalo của tổ, bà Phan Thị Thảo (ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) kể, giãn cách nhưng bà không được nghỉ ngơi, phải trực điện thoại chờ “chốt đơn”. Nội dung tin nhắn trên nhóm zalo gửi đến các thành viên thường là thông báo những món ăn, hàng hóa có thể mua được trong ngày, kiểu như: “Hôm nay, cô A, chú B tìm được chỗ mua bánh mì, mua thịt cá... mọi người đăng ký nhé”…
Gửi hàng cho phố
Từ sáng sớm, bà Nguyễn Thanh Loan (ở xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) đã tất tả ra chợ Thanh Quýt tìm mua các loại thịt, cá, tôm, trái cây, củ quả để chuyển ra Đà Nẵng.
Tay thoăn thoắt cho hàng vào thùng xốp, bà Loan chia sẻ, nửa tháng trước bà mua hàng gửi cho người thân ở Đà Nẵng, những người xung quanh thấy thịt cá rau củ tươi ngon nên nhờ người thân gửi chị mua giúp.
Hơn mười ngày nay, cuối mỗi buổi chiều, sẽ có người gửi cho bà Loan danh sách hàng cần mua để đặt trước số lượng. Sáng hôm sau bà ra nhận và tìm mua thêm vài loại bánh trái như bánh chưng, bánh tét, xôi ngọt, bột bánh xèo, bột mì… mang về phân loại, đóng thùng xốp, tầm 9 giờ chuyển hàng lên xe, trưa đó thực phẩm đã đến tay người nhận.
“Hàng ở quê phong phú, tươi ngon, giá rẻ nhưng khâu vận chuyển ra Đà Nẵng khó vì số lượng xe đảm bảo yêu cầu chống dịch không nhiều, do đó chi phí vận chuyển cũng cao nhưng số lượng hạn chế nên phải đăng ký trước” - bà Loan cho hay.
Mua hàng đã vất vả, đóng được hàng đi chưa phải đã xong. Hàng lên xe cũng là lúc cả người gửi lẫn người nhận thấp thỏm. Hàng chục cuộc gọi hỏi thăm chừng xe đã đến đâu? Nhận được hàng chưa?... Nghe tin xe bị kẹt ở chốt kiểm dịch là nơm nớp lo lắng vì thời gian vận chuyển kéo dài thì thực phẩm dễ bị hư hỏng.
Có lẽ, khoảng thời gian mùa dịch sẽ khó phai mờ trong ký ức nhiều người sau này. Chưa khi nào, quà quê ra phố lại rộn ràng và khó khăn đến thế. “Chuyến nào cũng nói đây là chuyến cuối, vậy mà xe còn chạy được là còn gửi, cực lắm nhưng vui vì giúp đỡ được mọi người lúc khó khăn như thế này” - bà Loan chia sẻ.
Dịch bệnh dường như làm cho con người thân thiện, gần gũi nhau hơn. Không ít hộ gia đình bao năm sống tách biệt, dù cùng tổ, cùng chung cư, nay "nhờ" giãn cách mà trở nên thân thuộc. Thậm chí, biết rõ tên họ, số nhà qua những lần đặt đơn, mua hàng, chia sẻ bó rau, lạng thịt, cân đường, hộp sữa…