Một Quảng Nam rất xưa qua những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia ở thời Pháp thuộc đã mở ra những góc nhìn đáng trân trọng về lịch sử nhiếp ảnh xứ Quảng.
Những bức ảnh trăm năm
Theo nhiều tài liệu, người nghiên cứu máy ảnh đầu tiên tại Việt Nam chính là cụ Phạm Phú Thứ, quê Điện Bàn. Trong cuốn “Tây hành nhật ký”, cụ Phạm Phú Thứ viết: “Trước hết, lấy nước thuốc xoa lên một tấm kính rồi đặt tấm kính vào ống kính; sau đó, người được chụp đứng trước ống kính và quay mặt về ống kính; ánh sáng mặt trời lọt vào ống kính làm cho hình người in lên tấm kính, không sai một sợi tóc”. Đoạn ghi chép về các công đoạn chụp ảnh lúc bấy giờ của cụ được xem như là “phát kiến” đầu tiên mang bộ môn nhiếp ảnh về với người Việt. Sau cụ Phạm Phú Thứ là cụ Đặng Huy Trứ - người lập “nhà làm ảnh” Cam Hiếu Đường đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội. Từ đây, nghệ thuật nhiếp ảnh mới bắt đầu có mặt tại Việt Nam.
Chân dung nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân. Ảnh: S..A |
Năm 1940, tác phẩm “Tát nước” của nhà nhiếp ảnh Trương Trừng (người làng Mông Lãnh, huyện Quế Sơn) đoạt giải nhất cuộc thi nhiếp ảnh toàn Đông Dương. Theo nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân, “Tát nước” được in trên tờ giấy bạc Đông Dương mệnh giá 500 đồng, phát hành năm 1941. Tờ bạc được in bằng kỹ thuật khắc nổi nhiều màu do ông Phạm Ngọc Khuê, sống tại Hà Nội, thực hiện. Ảnh chụp vào một buổi sớm trên đồng ruộng Cấm Hàm (Hội An), mô tả 6 người tát nước bằng ba chiếc gàu sòng với bố cục hoàn chỉnh. Sau này, tác giả bức ảnh mở hiệu ảnh “Lệ Ảnh” nổi tiếng một thời tại Hội An.
Công nghệ làm ảnh bắt đầu thịnh hành từ năm 1950, sau khi Pháp cho phép những nhà nhiếp ảnh hoạt động như một nghề kinh doanh và cho nhập hàng như máy ảnh, thuốc, phim âm bản. Ông Thái Tế Thông (tức nhà nhiếp ảnh Vĩnh Tân, gọi theo tên hiệu ảnh do cha ông mở năm 1920) cho rằng, cột mốc ra đời nhiếp ảnh chính là sự có mặt của hiệu ảnh Thiên Chơn Cát từ năm 1912. “Đây là hiệu ảnh của gia đình bà La, một người giàu có của Hội An thời bấy giờ. Lúc này gia đình bà có vốn nên cho con đi Hồng Kông học về nghề ảnh” - ông Thái Tế Thông nói. Ngoài Thiên Chơn Cát, có thể lần lượt kể đến Tiêu Nhiên (tức hiệu ảnh Vĩnh Tân sau này), Lệ Ảnh (của nhiếp ảnh gia Trương Trừng)...
Vậy là, khởi phát cách đây tròn 100 năm, nhiếp ảnh Quảng Nam đã có nhiều tác phẩm còn lưu giữ được đến hôm nay. Sau tác phẩm của cụ Trương Trừng, năm 1953 tác phẩm “Cấy lúa” của cụ Huỳnh Sỏ cũng đoạt giải cao tại cuộc thi ảnh ở Paris (Pháp). Tiếp đó, cụ Hứa Văn Bân - người đặt nền móng cho nhiếp ảnh nghệ thuật Quảng Nam - cũng đạt được nhiều tước hiệu của hiệp hội nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới và các nước.
Kho tàng ảnh Hội An xưa
Trong ngôi nhà cổ hơn 200 năm tại số 80 Nguyễn Thái Học, cụ Thái Tế Thông không giấu niềm tự hào về kho tàng ảnh Hội An của mình. Những bức ảnh phản ánh chân thực về cuộc sống, nếp ăn, nếp mặc, nếp sinh hoạt của những cư dân phố cổ. Trong kho lưu trữ của ông, hiện có ảnh của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu đến Quảng Nam, những khung cảnh ở Hội An xưa, cảnh đấu xảo thời Pháp thuộc, cảnh họp chợ, những gánh hàng rong… đủ để mở một bảo tàng nghệ thuật nhiếp ảnh về Hội An xưa.
Năm 12 tuổi, Thái Tế Thông đã theo cha đi chụp ảnh. Ông kể, hồi đó người Hội An muốn chụp ảnh phải coi ngày rồi báo với nhà ảnh để họ sắp xếp đến chụp tại nhà. Hiện ông lưu giữ nhiều bộ ảnh của những đại gia đình như thế. “Ngoài ảnh đại gia đình, với những hiệu ảnh Hội An thời đó sáng mở cửa tiệm chụp được vài tấm ảnh căn cước là đủ sống vài ngày. Sở dĩ tôi có được những bộ ảnh quý giá như bây giờ là do lính Pháp hay đến tiệm chụp ảnh gởi về cho người thân, vô hình trung những ảnh đường phố, chùa chiền sinh hoạt, nghề sông nước… cũng được ghi lại và trở nên giá trị. Bây giờ, một số tấm ảnh đã trở thành quá khứ Hội An” - ông chia sẻ. Với hàng nghìn tư liệu quý giá, hiệu ảnh Vĩnh Tân đã giúp ghi lại những mảng hiện thực của cuộc sống phố Hội từ những thập niên 20, 30 thế kỷ trước với phông nền bình dị, như đường Trần Phú xưa, cảnh Chùa Cầu ít người lại qua…
Có thời, những bức ảnh của Thái Tế Thông về cảnh lũ lụt tại Hội An được các báo ở Sài Gòn mua lại với giá 1 lượng vàng. Nhiều người gọi ông là “ông già thổ địa phố cổ” bởi từng tên đường, từng ngõ ngách ở đây ông đều nắm rõ “lai lịch”. Nay đã ngoài 80, ngày ngày ông vẫn dong ruổi trên từng con phố như để tìm lại những dấu vết cũ. Nhờ có con người này, nhịp sống của Hội An xưa chưa bao giờ bị lãng quên. Trung tâm VH-TT TP.Hội An từng mượn ảnh ông để triển lãm, chính ông cũng đã tự mình tổ chức một triển lãm ảnh về ký ức Hội An như cách nhắc nhớ về hành trình một vùng đất…
SONG ANH - VINH ANH