Di sản bản địa...

BÌNH YÊN 01/07/2023 22:29

Con người cùng phong thái, nếp sinh hoạt - làm nên văn hóa đặc sắc cho mỗi vùng đất. Hồn cốt phố thị chính là thị dân. Họ làm nên gốc của văn hóa đô thị, cũng là di sản bản địa...

Nhà cổ Tấn Ký - Hội An vẫn là nơi sinh sống của gia đình nhiều thế hệ, dù là điểm tham quan trong khu phố cổ. Ảnh: X.H
Nhà cổ Tấn Ký - Hội An vẫn là nơi sinh sống của gia đình nhiều thế hệ, dù là điểm tham quan trong khu phố cổ. Ảnh: X.H

Dựng lại nếp nhà

Bắt đầu từ tháng 6, Hội An dù chậm rãi, nhưng từng bước một đưa “dân cố cựu hồi hương di sản” - vận động người dân trở về sống trong các ngôi nhà cổ ở khu vực 1 của phố.

Một ý tưởng để đưa Hội An trở về đúng ý niệm là “bảo tàng sống” - với các giá trị của lịch sử kiến trúc, lịch sử dân cư và những sinh hoạt đời thường diễn ra trong không gian của đô thị. Hội An, vốn dĩ từ hơn 400 năm trước, ngay thời các chúa Nguyễn, đã có sự hội tụ dân cư từ khắp nơi.

Tuy nhiên, khi đó, chính các chúa Nguyễn đã bố trí các chỗ ở riêng biệt cho thương nhân Nhật, thương nhân Hoa và cư dân Việt bản địa. Cũng chính sự hội tụ dân cư khi đó đã để lại rất nhiều dấu ấn kiến trúc, văn hóa cho vùng đất cảng thị này.

Cho đến hiện tại, theo báo cáo từ Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, địa phương này có 1.273 nhà, di tích cổ tuổi đời khoảng 400 năm. Khoảng 20% trong số này thuộc sở hữu nhà nước.

Cũng trong vòng 5 năm qua, Hội An có hơn 100 ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân bị bán, chuyển nhượng. Phần lớn những ngôi nhà chuyển nhượng được khai thác tối đa cho mục đích kinh doanh, khiến không gian truyền thống bị thay đổi và công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhất là những ngôi nhà mang tính biểu tượng ở đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai đang bị các chủ nhân đến sau thay đổi kết cấu bên trong. Đa số cư dân trong khu vực phố cổ, những người mang hộ khẩu thường trú thì trở thành tạm trú và người tạm trú thì lại là thường trú.

Một số liệu khác được công bố trên các phương tiện truyền thông, trước lợi nhuận của việc kinh doanh cho thuê nhà trong phố cổ, nhiều năm nay, Hội An đang có cuộc di cư âm thầm diễn ra, khi đa số cư dân gốc Hội An đã bán, cho thuê nhà cổ để dời đi nơi khác sinh sống.

“40% nhà cổ Hội An nay được chuyển nhượng cho chủ tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... Tất cả nhà đều không có người hiện diện sinh hoạt, mà ban ngày mở cửa cho thuê, đêm khép cửa khóa trái. 30% nhà vẫn là chủ người Hội An nhưng lại đem cho thuê, gia đình chuyển ra ngoài sinh sống. Chỉ số ít còn lại là còn có hơi người hiện diện sinh sống hằng ngày”. 

“Nếu như không có những giải pháp để giữ nếp nhà - thứ tất yếu làm nên hồn vía Hội An, không có cách để những người đang sinh sống ở Hội An coi mình cũng là một cư dân đô thị, thì chặng đường phát triển của Hội An còn nhiều gian nan” - ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.Hội An từng chia sẻ.

Tìm lại nếp nhà chính là điều mà Hội An sẽ phải làm để giữ hồn cốt cho đô thị. Vận động người dân quay về lại sinh sống trong phố cổ, dù sẽ có rất nhiều khó khăn nhưng là cách đầu tiên để Hội An từng bước một tìm lại bản sắc cho mình. 

Rời phố...

Thị dân cùng lối sống của họ đã góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo của vùng đất, như là tư chất để một vùng đất được nhớ tới. Mỗi lớp người đến và đi, lại làm nên một tính cách đô thị mới. Đô thị di sản đối mặt với áp lực dân số phân bổ không đồng đều, với cư dân bản địa và ngoại lai thì những vùng thị tứ, thị trấn vùng cao, lại âm thầm có những cuộc di cư.

Chúng tôi thi thoảng có dịp lên vùng cao, trên cung đường Trường Sơn huyền thoại, bao giờ cũng nhớ tới những thị trấn lam lũ giang hồ, đất của phu vàng phu trầm trong tiếng thở dài sượt qua của cư dân bên đường. Khâm Đức thôi những chộn rộn từ ngày các mỏ vàng đóng cửa.

Khách sạn Bé Châu Giang lọt thỏm giữa hằng hà sa số hàng quán, từng một thời nắm giữ bao nhiêu chuyện kể khôi hài về những đợt thanh trừng của đám chủ mỏ, phu vàng. Rốt cùng, sau những rậm rịch cho bao nhiêu cuộc đổi đời, người còn lại bám trụ đất này vẫn là dân Quảng ở các miền quê dạt về, là người Bh’nong - Giẻ Triêng từ các xã lân cận dịch chuyển. 

Những ngày khắp cả nước xôn xao về món “cá muối chua” cùng chất kịch độc Bolutinum xuất phát từ đồng bào ở Phước Sơn, chúng tôi theo đoàn Viện Pasteur về xã rồi dừng chân vội ở Khâm Đức. Phố gắt gỏng với sức nóng gay gắt từ bê tông. Không có những cổ thụ già ngự trên con phố đã hình thành mấy chục năm, nhiệt độ vùng núi cũng cao như phố phường.

Chủ quán cà phê ven đường nói, những năm gần đây nắng nóng gay gắt, mùa mưa lũ chốn này lại cũng dữ tợn hơn. Muốn tìm hơi lạnh tại thị trấn mờ sương trên cung đường huyền thoại chỉ còn cách tìm quán có... điều hòa. Nhiều người thị trấn tìm đường về Đà Nẵng, Tam Kỳ. Khâm Đức như một cái tên đọng lại, bỏ ngỏ trong cuộc rượu nhớ núi của những người chọn về xuôi.

Ở Tam Kỳ, gần 2 năm nay, chúng tôi có nhiều hơn những hàng xóm từ Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang... Họ là những cán bộ đã ở núi từ ngày mới ra trường, đến khi con cái cần điều kiện để phát triển hơn, thì tìm cách về xuôi.

Chưa có một cuộc điều tra cụ thể về số cán bộ từ các huyện miền núi về đồng bằng, nhưng từng người trong biên độ quan sát của mình, đều dễ dàng nhìn thấy thực trạng đó. Rồi sẽ có những người trẻ mới tốt nghiệp chọn hoặc được phân công lên vùng cao. Họ cũng sẽ dành thanh xuân của mình để tạo một diện mạo cho chốn núi đồi. Nhưng rồi mỗi vùng thị trấn từng in dấu chân người khắp nơi, sẽ giữ lại gì để thành bản sắc cho mình?

Dù vốn liếng phố phường, đầu tiên vẫn từ những cư dân bản địa sống lâu đời ở đó...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di sản bản địa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO