Đi săn cúi núi

Phóng sự của HOÀNG THỌ 09/07/2016 08:51

Khi nương rẫy được tỉa giống xong, những bông đót bắt đầu tàn rụi, cũng là lúc cư dân ở Nam Trà My lại tất bật vào rừng săn con cúi núi - một sản vật do thiên nhiên ưu đãi.

Con cúi núi (có nơi gọi là con dúi, con cúi lúi), còn ở Nam Trà My, người dân gọi là con cúi núi. Chẳng ai biết cái tên đó xuất phát từ đâu. Chỉ biết rằng đây là loài thuộc họ gặm nhấm, sống tự nhiên trong rừng có thịt rất thơm ngon. Thức ăn của chúng chủ yếu là cây đót, cây lau, tre nứa và mía, sắn, khoai.
Chính vì thế việc săn bắt cúi núi không những để lấy nguồn thực phẩm mà còn góp phần bảo vệ mùa màng.

Tìm hang

Anh Hồ Văn Đức và anh Nguyễn Văn Thành (ở thôn 1, xã Trà Mai) là những người có kinh nghiệm săn cúi núi ở huyện Nam Trà My. Các anh cho biết, con cúi núi sống trong hang đất, khoét sâu dưới những bụi rậm nên để phát hiện được nơi chúng cư ngụ không phải là chuyện đơn giản. “Hồi nhỏ mình chưa biết. Lớn lên mẹ cha dạy cho mình cách đào. Ngắm chỗ mô mà thấy bụi lách nó vàng héo thì mình vô. Chắc cú hắn (cúi núi - pv) phải có chỗ nớ” - anh Đức cho biết.

Khó nhọc đào hang bắt cúi núi.Ảnh: HOÀNG THỌ
Khó nhọc đào hang bắt cúi núi.Ảnh: HOÀNG THỌ

Sau khi phát hiện được nơi ở của cúi núi thì việc đầu tiên là phải phát dọn những bụi rậm để tìm cửa hang của chúng. Đặc điểm của loài gặm nhấm này là thường xuyên sống di cư. Kinh nghiệm cho thấy, những cái hang trống rỗng sẽ không có cúi núi trong đó vì chúng đã bỏ đi nơi khác. Chỉ những cái hang được bịt đất kín miệng thì mới có vì loài cúi núi đi ăn ban đêm, còn ban ngày chúng ủi đất bít hang lại để nghỉ ngơi.

Việc đào hang để bắt được cúi núi khá gian nan. Vì hang ổ cúi núi có rất nhiều ngõ ngách nên phải xác định được ngách nào là nơi chúng đang sống mới có thể đào bắt. Với 20 năm trong nghề săn cúi núi, anh Đức, anh Thành rút ra rất nhiều kinh nghiệm trong việc đào hang. Đó chính là kỹ thuật đào đón đầu. Do mỗi hang cúi núi có độ dài từ 3 - 5m, nếu đào men theo sẽ tốn nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt khi hang ổ bị động, con cúi núi cũng sẽ đào hang sâu xuống lòng đất hòng thoát thân. Cho nên chỉ cần lấy một nhành cây xỏ vào hang để xác định hướng đi và đào đón đầu hoặc theo kiểu hầm ếch sẽ dễ dàng bắt được chúng. Tuy vậy với những hang cắm sâu thẳng đứng hoặc gặp phải đá tảng thì không thể nào đào tiếp. Lúc này những người thợ săn dùng nước đổ vào hang khiến cúi núi ngạt thở, phải ngoi lên mặt đất.

Anh Hồ Văn Đức là người săn cúi núi giỏi nhất ở Nam Trà My. Ảnh: HOÀNG THỌ
Anh Hồ Văn Đức là người săn cúi núi giỏi nhất ở Nam Trà My. Ảnh: HOÀNG THỌ

Tuy loài cúi núi sống dưới hang đất không sâu, nhưng địa điểm chúng thường hay ở là những vách núi cao nên việc đào bắt cũng gian nan. Nếu không cẩn thận có thể gặp nạn ngay. Nhưng với người dày dạn  như anh Đức, anh Thành, việc vượt qua thách thức đó là… chuyện nhỏ.

Bình thường để đào xong một cái hang bắt được cúi núi tốn thời gian hơn một tiếng đồng hồ. Nếu những hang sâu, gặp chướng ngại vật thì lâu hơn. Mặc dù công việc đào bới rất vất vả nhưng khi bắt được con cúi núi trên tay thì mọi mệt nhọc đều tan biến ngay.

Thưởng thức thành quả sau một ngày săn cúi núi. Ảnh: HOÀNG THỌ
Thưởng thức thành quả sau một ngày săn cúi núi. Ảnh: HOÀNG THỌ

Tuân thủ luật tục

Ở huyện Nam Trà My hầu như cánh rừng nào cũng đều có cúi núi sinh sống và tập trung nhiều nhất tại những khu vực có nhiều cây nứa, đót, lau. Việc săn bắt cúi núi lúc nhàn rỗi có từ thời xa xưa. Khi đó dụng cụ đào bắt chủ yếu là dùng cây rừng vót nhọn đào đất và lấy ống lồ ô chứa nước đổ vào hang nên công việc tiến hành chậm chạp. Ngày nay với sự hỗ trợ từ cuốc, xẻng, xà beng và can nhựa chứa nước thì việc săn bắt cúi núi thuận tiện hơn rất nhiều. Nhìn cách anh Đức, anh Thành bắt con cúi núi có vẻ rất dễ dàng nhưng không phải mấy ai cũng có thể làm được như thế. “Đào hang mình phải biết kỹ thuật chứ không thì đào cả ngày chưa xong. Khi thấy con cúi núi vừa bò ra mình phải biết cách bắt chứ không là nó cắn đứt tay như chơi. Ngày xưa tôi cũng bị cắn mấy phát gần đứt lìa ngón tay. Răng nó bén lắm!” - anh Thành nói.

Bình quân một con cúi núi trưởng thành có trọng lượng từ 0,8 đến 1,2kg. Tuy giá mỗi ký cúi núi trên dưới 250 nghìn nhưng người dân ở Nam Trà My ít khi nào đem bán mà để ăn vì loài này có thịt thơm ngon, bổ dưỡng. Những con cúi núi mập tròn được chế biến thành những món ăn hết sức dân dã. Trong đó chủ yếu là đem nướng trực tiếp lên than đỏ hoặc băm nhuyễn cho vào nướng trong ống lồ ô. Riêng bộ nội tạng được làm sạch sẽ bọc vào lá rừng để nướng gọi là p’rí ăn rất thú vị. Thịt cúi núi phần lớn là nạc, rất săn chắc, thơm ngon. Khi ăn sẽ nghe vị ngọt, sớ thịt dai, giòn và rất bổ dưỡng cho sức khỏe, đặc biệt cho nam giới.

Theo phong tục của cư dân vùng cao Nam Trà My, mùa săn bắt con cúi núi chỉ được bắt đầu khi nương rẫy tỉa xong cho đến hết mùa hè. Thời gian còn lại là lúc cúi núi sinh sản nên dân làng không đi bắt mà để cho cúi núi đẻ con, tăng đàn. Thường thì mỗi hang cúi núi chỉ có một cá thể sống trong đó. Chỉ những con cúi núi mẹ đang kỳ sinh sản thì có thêm 2 hoặc 3 con non sống chung. “Tới mùa sinh sản thì gặp con cúi núi mà đang đẻ con mình chừa lại. Còn con mô lớn thì mình lấy. Trung bình hai, ba anh em đi đào có ngày được 5 con, 6 con. Con mô được được thì mình đem bán. Một ký chừng 250 nghìn đồng” - anh Thành cho biết.

Sau một hồi hì hục, lem luốc với những hang cúi núi dưới lòng đất, anh Đức, anh Thành lại cùng nhau tận hưởng thành quả mà mình kiếm được. Nhờ sống ngoài thiên nhiên hoang dã, thịt cúi núi rất sạch. Chính vì thế mà thịt cúi núi được tiêu thụ khá mạnh. Thậm chí nhiều nhà hàng, quán nhậu còn đặt hàng cho các thợ săn nhưng nguồn cung vẫn không đủ. Nguyên nhân không phải vì số lượng cúi núi khan hiếm mà do ít có người nắm được kỹ thuật săn bắt. “Đây không phải là nghề mưu sinh nhưng anh em rảnh rỗi làm rẫy về rủ nhau đi đào kiếm cho vui. Đông người cùng nhau đi cũng vui rồi. Ít thì mình làm thịt còn nhiều ba, bốn con trong ngày thì về bán tăng thu nhập gia đình” - anh Thành tâm sự.
Tuy là loài vật sống hoang dã, thường săn bắt nhưng dân làng cũng rất coi trọng yếu tố tâm linh. Khi ra đường nếu gặp người lạ hỏi đi đâu thì các thành viên đi săn chỉ nói là vào rừng. Nếu nói là đi đào cúi núi thì thần linh biết được sẽ giấu cúi núi đi nên coi như ngày hôm đó sẽ trắng tay. Và, để tỏ lòng biết ơn sự ưu đãi của thiên nhiên, có một phong tục của cánh thợ săn cúi núi ở Nam Trà My không một ai dám bỏ qua đó là nghi thức cúng tạ thần linh. Lễ vật cúng bao gồm 1 thanh cây nhỏ tượng trưng cho cây nêu và một ít trầu cau hoặc thuốc bột. Mỗi lần đào được con cúi núi thì cúng ngay tại hang đó. Họ cho rằng chính nhờ các thần núi đã che chở, nuôi dưỡng cho loài cúi núi mập tròn, thơm ngon nên phải tạ ơn, nếu không lần sau sẽ không bao giờ bắt được nữa.

Phóng sự của HOÀNG THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi săn cúi núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO