Trước đây, người dân quê tôi vẫn sống chủ yếu trong nền kinh tế tự cung tự cấp, gặp thiên tai mất mùa là đói. Vùng tôi ở gần rừng, các chân ruộng nươm nước quanh năm nên có đủ các loại cá. Trên núi thú rừng, chim chóc nhiều vô kể. Đời sống dẫu có thiếu thốn tiện nghi nhưng trong cảnh khó cũng có điều thú vị. Và, điều thú vị đó là việc đi săn…
Việc đi săn đề cập ở đây là săn chồn, na ná như săn chim, săn cá. Mùa săn bắt đầu từ tháng Giêng. Như câu hát xưa “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, cho nên đi săn cũng có nghĩa là… đi chơi, chơi mà có… lợi.
Những con “quý tướng”
Ở vùng nông thôn nhà nào cũng nuôi một vài con chó để giữ nhà. Nhà giàu thì nuôi năm, bảy con. Nhưng chó săn thì ít. Trong số, chỉ có vài con gọi là săn hay. “Vai trò” của chó săn quan trọng đến mức làm nảy sinh ra những người thầy xem... tướng chó. Đó là những người có nhiều hiểu biết về khả năng, tính tình con chó qua hình dáng của nó. Họ có thể “phán” con nào săn hay, con có màu lông gì thì sẽ thức vào canh giờ nào, con nào giỏi đánh hơi đất, giỏi đánh hơi lá… Ví như, con chó nào ngoặt đuôi về bên phải là biếng nhác, con nào đuôi von, hơi cong về phía trước được xem là “số một”; thứ đến là đuôi xoắn tít, cũng được xem là “quý tướng”. Thế nên mới có câu: “nhất cần câu, nhì khâu rựa”. Ngoài các đặc điểm vừa nói, những con chó giỏi thường có “ẩn tướng”. Đó là những cái bớp, nhất là bớp màu đỏ nằm trên lưỡi; có đủ đeo trên bốn chân; mắt sáng, mũi ướt… Hồi đó, nhà tôi có con Đen, cô Bảy có con Vàng và con Vá. Cả ba con đều có “tướng” na ná như những điều vừa kể nên cũng nổi tiếng là chó săn giỏi; nhất là con Vàng có nhiều đức tính mà mãi cho đến nay tôi vẫn còn nhớ. Như lúc ăn, trong khi cả bầy gầm gừ cắn nhau thì nó tránh đi nơi khác. Hoặc có lần đi qua chợ, hàng chục con chó tấn công. Trong lúc tôi nổi gai ốc thì con Vàng bước đi thong thả, tỏ thái độ “mục hạ vô… khuyển”. Còn con Đen, con Vá cũng vậy, ít khi thấy chúng giành ăn. Nhưng săn chồn thì thật đáng nể. Con Đen có tài lặn để truy tìm những con thú trốn dưới nước, như con rái cá. Con Vá leo lên cây, đuổi những con cáo, chồn… nhảy xuống cho đàn chó săn đang phục sẵn bên dưới. Cả ba con phối hợp tác chiến thì khó con mồi nào thoát được…
Người Co chuẩn bị đi săn. (Ảnh có tính minh họa). Ảnh: TẤN SỸ |
Nghe riết, tôi cũng được biết đôi điều về cách xem tướng chó. Và tôi cũng đã thấy có những chủ phường săn thường chọn những con chó có quý tướng để huấn luyện. Đã có thầy xem tướng chó, sau đó sẽ ra đời những quyển sách xem tướng chó. Và, nhiều quốc gia đã hình thành “binh chủng” khuyển quân trong công việc điều tra, hoạt động quân sự… Còn nhớ, hôm 23.11.2014, tôi có dịp đến trại chó Phú Quốc. Chó được nuôi ở đây toàn là những con ngực nở, đùi to, bụng thon, mõm lớn, chân cao, đuôi von, lông quắn riết vào thân… Có nhiều con, trên lưng có xoáy lông xếp thành hình sống kiếm. Nhìn những con chó này khiến tôi nhớ lại những con chó “có nghề” của các phường săn ở quê tôi trước đây, cũng có những đặc điểm gần giống như loại chó Phú Quốc.
Thú vui đầu xuân
Đi săn được xem như một thú chơi, nhất là vào dịp đầu xuân. Nhưng cái “món” chơi này cũng có Tổ, giống như những nghề khác. Không biết có phải đây là vết tích còn lưu lại từ thời kỳ săn-bắt-hái-lượm xa xưa hay không… trước mỗi lần đi săn, đều có các diên cúng với đủ hương đèn hoa quả… Cúng xong, đoàn săn khởi hành. Trai tráng đi trước, mang các tấm lưới (ít nhất là có hai khiêng lưới). Đoàn săn kẻ cầm gậy người cầm giáo mác theo sau. Trong những cuộc săn lớn và phải đi xa, chủ phường thường phối hợp với phường bạn nhằm có được sự hỗ trợ nhau.
Kết thúc cuộc săn, cả đoàn lục tục kéo về khi chiều xuống. Đàn chó chạy loăng quăng, le những cái lưỡi dài ngoẵng tìm nơi uống nước. Có hôm mang về cả mấy đòn khiêng, nào cáo, nào giông… để la liệt trên sân nhà ông chủ phường. Người nhà bày ra mấy cái nong trải lá chuối, bên cạnh là dao thớt, nồi nước sôi, đống lửa rơm…, con thú nào được mổ trước thì đem đầu, bộ lòng và miếng thịt đùi bày lên bàn để tạ tổ và con chó đầu đàn được ăn trước phần thịt cúng này, sau cho cả đàn, tiếp đến dành cho thợ săn, sau chia cho tất cả bà con có mặt. Cả khách qua đường cũng được mời vào nhận phần. Thói quen ấy có nguồn gốc từ quan niệm “của rừng trả lại cho người” và “lộc bất hưởng tận”. Của săn được xem như lộc trời cho, vì không có ai buôn bán chiến lợi phẩm cả. Và việc đi săn đầu năm cũng không gây tổn hại cho bảo vệ sinh vật - môi trường: chim thú vẫn phát triển bình thường theo quy luật của sự tự cân đối - điều hòa của thiên nhiên. Tất nhiên, đó là vì việc đi săn chỉ diễn ra vào dịp đầu năm mới như một tập tục đẹp và nhất là vì không có sự can thiệp của lòng tham. Người xưa có nói: “Thiên dương chi bì bất như nhất hồ chi dịch” (một ngàn tấm da dê không bằng một miếng nách da chồn), nhưng ai cũng không tranh da con chồn, kể cả ông chủ phường săn, đủ biết họ đi săn vì thú vui là chính.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên được tham dự vào việc mổ thịt này, với vai trò thằng cu chạy lon ton, sai chi làm nấy, thấy quang cảnh thật là vui vẻ, náo nhiệt. Đâu đâu cũng có tiếng cười, tiếng người huyên náo. Có anh thanh niên la lớn: miếng thịt chồn đó chú Ba cố lặt sạch lông, bỏ uổng lắm chú ơi! Ông Hai Hường thì thong thả từng tiếng: con chồn này bị thương ở mông, chắc là nó lùi lại thì bị con chó bợ! Phía cuối sân, có người đằng hắng, hỗ trợ: chồn mà lùi lửa rơm thì thịt thơm phải biết! Ngó qua, tôi thấy ông Khải trật trều, tay chỉ chỏ: mấy đứa bay sai hết, chỉ có xương con giông hầm với môn trồng ngoài lề đàng ăn ngon không chê được. Trong bếp chị Bảy la vọng ra: Con chồn ni có bộ lông đẹp như công chúa sống trên lầu, ai mà không yêu, hỉ?
Cả đám đông cười hả hê, nghiêng ngửa…
PHẠM ÚC