Dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, Đông du vẫn là phong trào có tiếng vang lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Đông du đã mở ra những nguồn lực mới, để lại những bài học có tính soi dẫn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước theo kịp trào lưu tiến bộ của thế giới...
|
Mộ phần Tiểu La Nguyễn Thành tại quê làng Thạnh Mỹ, mới được trùng tu. Ông mất tại nhà tù Côn Đảo năm 1911, được con cháu đưa hài cốt về quê nhà năm 1957. Ảnh: HUỲNH VĂN MỸ |
Biến cố bất ngờ
Du học sinh bị giải tán!
Thật chua xót, giữa lúc ngọn triều Đông du đang lên, Sào Nam Phan Bội Châu cùng những đồng chí trụ cột đang hăm hở với những việc phải làm thì đột nhiên được lệnh du học sinh phải giải tán từ cảnh sát Nhật.
Họa đến hóa ra từ sự sơ suất của một số phụ huynh ở Nam kỳ: họ gửi thư qua sở bưu điện đến Bính Ngọ Hiên xin chỉ dẫn cho họ cách gửi một khoản tiền khá lớn vừa vận động được sang cho hội. Họ chính là những người trong số đã sang Nhật tham quan sự học tập của con em mình vừa trở về hồi đầu năm 1908. Sửng sốt khi nhận được thư vì biết mật thám Pháp luôn kiểm soát thư tín người nước ta gửi ra ngoài, lại cho một tổ chức cách mạng như Bính Ngọ Hiên, Phan Bội Châu đã tìm mọi cách giải cứu. Điều kỳ vọng qua kế hoạch được một nhà cách mạng Trung Hoa đang ở Nhật giúp sức lại cũng không thành khi hai du học sinh được cử về Sài Gòn giải quyết bị mật thám Pháp bắt ngay khi xuống tàu.
Khai thác thông tin từ hai du học sinh này, Công sứ Pháp tại Nhật và với cảnh sát Nhật đã lên kế hoạch đánh phá nhằm triệt tiêu tổ chức du học sinh tại Nhật không mấy khó. Nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là do thực dân Pháp đã trù tính từ trước để cho ra hiệp ước Nhật - Pháp về những điều khoản hỗ trợ lẫn nhau trong các mối quan hệ ngoại giao trong khu vực nhằm có lợi cho hai nước trước khi bức thư của số phụ huynh ở Nam kỳ gửi đến Nhật bị phát hiện!
Khổ nhất với Sào Nam là việc thiếu kinh phí cho du học sinh hồi hương, thiếu tiền ăn trong thời gian chờ đợi, vì khi sự vụ vỡ lở, từ tháng Sáu năm Mậu Thân 1908, tiền từ trong nước gửi qua đã ngưng. “Trong vài ba tuần chạy vạy, nhờ có Khuyển Dưỡng Nghị cứu vớt rất hết sức, kết quả thì Nhật Bản hưu thuyền hội xã cho vé đi tàu 100 tờ, đáng giá hơn 1.000 đồng. Tiền phí về giải tán học sinh dần dần tính xong. Tôi bây giờ nhóm cả học sinh bảo ai muốn về thì cấp tiền” - Sào Nam ghi lại việc chèo lái lần cuối con thuyền Đông du.
Di sản để lại
Thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp vẫn không xóa bỏ hẳn được Đông du như ý đồ của chúng. Một số du học sinh cố tìm cách ở lại Nhật khổ học - vừa kiếm sống vừa học, quyết học xong chương trình cần thiết cho mục tiêu cách mạng vốn được họ xác định ngay từ đầu. Học xong, một số lại tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu hơn về thực hành, chế dụng, nhất là về võ bị, quân khí.
Rất nhiều trong số hàng chục du học sinh này đã sang Trung Hoa gia nhập các đảng cách mạng hay các tổ chức kháng chiến của nước này - vốn cũng đồng cảnh như nước ta. Họ muốn tham gia kháng chiến giúp bạn để qua thực tiễn mài giũa kỹ năng lãnh đạo, kỹ thuật tác chiến nhằm chờ có cơ hội về nước hành động. Cộng tác với bạn cũng giúp họ tạo quan hệ để kết nối, mở rộng thế lực chống thực dân bởi lực lượng kháng chiến của hai bên có cùng biên giới với nhau.
Như Hoàng Trọng Mậu (nguyên tên cũ Nguyễn Đức Công), sau khi rời Nhật, ông qua Trung Quốc vào trường quân sự Lĩnh Nam, học rành tiếng Quan thoại, học giỏi binh bị, rất được bạn trọng vọng. Ông liên kết với lực lượng kháng chiến Trung Quốc, được sự hỗ trợ rất mạnh, ông toan đánh vào Lạng Sơn nhưng vì tình thế Trung - Pháp hợp tác mới nảy sinh nên không thực hiện được. Rồi nhân cũng trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, ông đem toán quân nhỏ của mình từ phía Nam quan đánh vào đất Lạng Sơn. Thất bại, ông quay lại Quảng Đông, rồi bị bắt tại Hương Cảng. Không chịu thủ phục, ông bị tử hình tại Hà Nội với đội bắn 10 người cùng bắn theo luật “xử tướng giặc” của kẻ thù!
Gây tiếng vang là Lương Ngọc Quyến - nhân vật cùng với Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) là linh hồn cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Quang Phục hội - hậu thân của Duy tân hội, cũng do chính Phan Bội Châu thành lập năm 1912, Lương Ngọc Quyến và Hoàng Trọng Mậu đều tham gia. Rời Nhật, ông sang Quảng Đông vào học ở Quân nhu học hiệu, rồi lại đến Bắc Kinh học ở Sĩ quan học hiệu. Bị mật thám Pháp bắt ở Hương Cảng, rồi bị đưa về nước giam ở nhà tù Thái Nguyên. Tại đây, ông đã thuyết phục Đội Cấn và tù nhân, trở nên là quân sư của cuộc khởi nghĩa vang tiếng này vào đêm 30.8.1918.
Khó kể hết sự nối dài của di sản Đông du - phong trào được Duy tân hội tạo lập nên - khi cả hai được coi là chấm dứt trên danh nghĩa. Bởi phong trào này không phải chỉ đo đếm bằng con số du học sinh (hơn 200 người), bằng thời gian tồn tại (3 năm) mà bằng cái tinh thần, chí hướng quyết đánh đổ ngoại xâm không chỉ bằng sức mạnh vũ lực mà bằng với nguồn sức mạnh tổng hòa, trong đó có nguồn tri thức mới nhằm tài bồi cho cái được gọi là dân trí, được hiện thực hóa bằng sự cầu học từ bên ngoài. Đông du đã mở đầu cho một công cuộc đấu tranh mang tính cách mạng như thế, là di sản góp phần vào bài học cho những phong trào tranh đấu tiếp theo.
HUỲNH VĂN MỸ
------------------------
Tài liệu tham khảo :
- Tự phán, Phan Bội Châu, NXB Anh Minh, Huế, 1956.
- Ngũ Hành Sơn chí sĩ, Ngô Thành Nhân, NXB Anh Minh, Huế, 1961.
- Phong trào Duy tân, Nguyễn Văn Xuân, NXB Lá Bối, Sài Gòn, 1972.
- Phan Thúc Duyện trong phong trào Duy tân Việt Nam, Nhiều tác giả, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1997.