Hai mươi năm - một quãng đường bảo tồn và phát triển, với rất nhiều những thành tựu, giá trị mới… tại hai Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) Hội An và Mỹ Sơn. Nhưng vẫn còn đó những trăn trở, loay hoay cho một tương lai di sản trước áp lực phát triển ngày càng tăng. Nó như những mật mã, mà không ai khác, chính người bản địa phải giải mã.
Hội An với các dấu nhấn đặc biệt. Ảnh: Lê Trọng Khang |
Dịp này, Báo Quảng Nam ghi nhận những ý kiến từ các chuyên gia quốc tế, trong nước, các nhà quản lý với cái nhìn đa chiều từ thực trạng của Hội An và Mỹ Sơn, hầu tìm cách bảo vệ tốt nhất cho hai di sản.
Ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội:
Phân bổ nguồn lực hợp lý cho nghiên cứu và bảo tồn di sản
Hội An là một ví dụ điển hình của Việt Nam trong việc bảo tồn di sản với nhiều giải thưởng và luôn được đề cập như một thành công của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Di sản này cũng được đề cập trong số các ứng dụng thành công nhất, đặc biệt trong việc thu hút cộng đồng địa phương bảo vệ và quảng bá di sản. Những thách thức của DSTG này là yếu kém trong quản lý các đập thủy điện ở thượng lưu sông Thu Bồn gây ra lũ lụt cấp 2 nghiêm trọng đến di sản, hiện nằm ở vị trí dễ bị tổn thưởng nhất ở hạ lưu sông. Sự gia tăng của các công trình bê tông và xây dựng trong vùng đệm nằm rất gần đô thị cổ, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của các khách sạn và cơ sở hạ tầng du lịch xung quanh, giao thông quá tải và thiếu sự phối hợp của các lực lượng chức năng tạo gánh nặng lên vùng lõi chật hẹp của di sản. Thêm vào đó, nguồn lực từ khai thác du lịch được phân bổ lại cho nghiên cứu và bảo tồn di sản rất hạn chế.
Đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn, nhiệm vụ của Ban quản lý DSTG Mỹ Sơn tập trung vào việc bảo vệ di sản và hoạt động kiểm tra giám sát hằng ngày với hạn chế về khả năng và đầu tư vào nguồn nhân lực bảo tồn kỹ thuật. Cơ quan được ủy thác về bảo tồn là Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, có trụ sở tại TP.Tam Kỳ. Sau nhiều dự án trùng tu phục hồi trong thập kỷ qua tại di sản với sự hỗ trợ quốc tế, Quảng Nam bắt đầu phối hợp và lần đầu tiên tổ chức một dự án trùng tu do Chính phủ Ấn Độ tài trợ từ năm 2017. Một trong những mối quan tâm đáng kể đối với di sản này là khả năng đảm bảo quy trình trùng tu di tích Chăm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn, luật pháp và quy định quốc gia là những mối quan tâm hàng đầu do tác động đối với tính xác thực di sản.
SONG ANH (ghi)
TS. Peter Bill Larsen - Đại học Lucerner Thụy Sỹ:
Đi chậm, nhưng đi đúng hướng
Chúng tôi cùng nhóm các chuyên gia người Việt của UNESCO đã thực hiện một cuộc điều tra, nghiên cứu khá kỹ càng về hợp tác công tư tại các di sản thế giới của Việt Nam. Đây là lĩnh vực cần sự trao đổi ngày càng nhiều hơn. Một điểm chung ở các khu DSVHTG của Việt Nam là đều được nhà đầu tư và chính quyền nhìn nhận là địa điểm tốt cho xây dựng, đầu tư và kinh doanh. Nhưng đây cũng chính là điều làm nổi lên những thách thức và những xu hướng tiêu cực.
Ví dụ tại Hội An, việc duy trì cảm giác bản sắc địa phương trở nên khó khăn với khách du lịch. Bong bóng bất động sản, trung lưu hóa và cơn sốt đầu tư ồ ạt trở thành mối đe dọa đối với các giá trị di sản vùng lõi. Chưa kể các tác động về môi trường và tác động về cảnh quan ngày một lan rộng. Thách thức về tính minh bạch trong các quyết định phê duyệt liên quan đến đất đai, thách thức giữa chính quyền tỉnh và điều hành, quản lý ở cấp địa phương. Ở Hội An còn có tình trạng đầu tư tạo dòng du lịch vượt quá sức tải của di sản. Việc cân bằng giữa quyền của doanh nghiệp và cộng đồng hầu như chưa được thực hiện, thiếu những cách thức chia sẻ lợi ích, trong khi lại quá tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch và cơ sở hạ tầng.
Chúng tôi nghĩ đã đến lúc cấp bách về việc giới hạn số lượng khách du lịch và sức tải, cũng như cần có biện pháp phòng ngừa về vấn đề môi trường và xã hội dứt khoát cho DSVHTG. Một quá trình ra quyết định đầu tư các dự án cho di sản cần phải minh bạch và có sự tham vấn từ cộng đồng. Phải ưu tiên phát triển kinh doanh cho người địa phương, đồng thời cần có quy hoạch về khu vực không được đầu tư và tiêu chí rõ ràng cho vùng lõi và vùng đệm di sản. Quan trọng nữa là địa phương cần tập trung chủ động cho nuôi dưỡng di sản, không phải hoàn toàn khai thác di sản.
PHAN LÊ (ghi)
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL:
Khai thác hợp lý giá trị di sản
Trong 20 năm qua, từ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh, sự đóng góp của nhân dân và vận động tài trợ của các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước, chúng ta đã đầu tư 367 tỷ đồng để tu bổ di sản Hội An và Mỹ Sơn. Trong đó, 277 tỷ đồng để tu bổ 323 nhà cổ tại Hội An và gần 90 tỷ đồng để tu bổ các đền tháp tại Mỹ Sơn.
Nhờ lợi thế khai thác một cách hợp lý loại hình du lịch di sản, ngành du lịch Quảng Nam đã có sự tăng trưởng nhanh và vững chắc. Nếu trước khi Hội An và Mỹ Sơn trở thành DSVHTG (1999), du lịch Quảng Nam hầu như chưa có gì thì 20 năm sau, vào năm 2018, Quảng Nam đã đón 6,5 triệu lượt khách, trong đó có 3,8 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 4.700 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 11 ngàn tỷ đồng. Du lịch Quảng Nam tiếp tục khẳng định là trung tâm của miền Trung và phấn đấu để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ thực tiễn quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, chúng ta đã giải đáp được bài toán về mối tương quan hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, giữa bảo tồn và phát triển, cũng như kinh nghiệm xây dựng và duy trì sự đồng thuận trong cộng đồng nhân dân. Hội An được đánh giá là một trong những điển hình thành công trong công tác quản lý di sản và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.
TÂM THƯ (ghi)
TS. Robyn Bushell - Nghiên cứu di sản và du lịch, Đại học Tây Sydney Úc:
Cần tăng lợi ích cho người địa phương
Du lịch đang tạo nguồn thu nhập đáng kể và rất nhiều việc làm tại Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển du lịch thường chỉ tập trung vào một số khu vực nhất định. Quảng Nam là một minh chứng rõ ràng cho hiện tượng này. Những người không thuộc các khu vực du lịch chính vẫn còn nghèo và du lịch chưa sử dụng hết tiềm năng của địa phương trong việc phát triển và đa dạng hóa sản phẩm. Tương lai bền vững của du lịch Việt Nam đòi hỏi lĩnh vực này phát triển theo hướng có trách nhiệm với môi trường và xã hội, nhằm đóng góp vào việc cải thiện sinh kế, giảm nghèo và bình đẳng giới.
Tại Hội An, có một khoảng cách đáng kể giữa khu vực trung tâm và ngoại vi hoặc ở những đoạn đường phía sau thành phố, nơi các doanh nghiệp nhỏ của địa phương đang phải vật lộn để sống còn. Mặc dù người dân địa phương cũng được cải thiện về việc làm, giáo dục và mức sống nói chung, một nhóm khá nhỏ được hưởng phần lớn lợi ích, và phần lớn nhóm này không phải là người Hội An. Cũng như vậy, rất nhiều “người lao động nghèo” - những người không bị xếp dưới ngưỡng nghèo nhưng đời sống hằng ngày hết sức chật vật, đặc biệt tại những nơi mà du lịch kéo theo sự gia tăng về của cải vật chất và chi phí cho thực phẩm, nước, điện, nhiên liệu, tạo khó khăn cho việc tiếp cận sinh kế và thị trường do sự gia tăng của các chuẩn mực.
Với mục tiêu tối thượng là cải thiện thu nhập và đời sống của người dân địa phương thông qua sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ du lịch trên nền tảng văn hóa, chúng tôi nghĩ chính quyền cần phải xây dựng năng lực cho những người quản lý địa phương tại các cấp huyện, xã; lập danh sách kiểm kê và nhận diện các nguồn lực tự nhiên, nguồn lực văn hóa phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng văn hóa thông qua tiếp cận tập thể. Cần thu hút và phát triển kỹ năng cho cộng đồng địa phương, tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp cộng đồng và các đơn vị điều hành tour du lịch địa phương....
XUÂN HIỀN (ghi)
Mỹ Sơn đã có nhiều bước phát triển vượt bậc trong suốt quãng đường 20 năm được công nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Lê Trọng Khang |
Ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An:
“Bảo vệ cho được nếp sống Hội An”
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân Hội An, nhất là nhân dân trong khu di sản đã dành tấm lòng, trí tuệ, thậm chí cả nước mắt vì di sản. Nhưng đằng sau sự phát triển luôn nảy sinh những vấn đề mới, những bất cập. Là khu di sản sống, có yếu tố con người, nhất là kho tàng văn hóa phi vật thể, bao gồm cả con người Hội An thuần hậu nên Hội An đã có điều kiện để triển khai, xúc tiến, tổ chức thành công nhiều phong trào phát triển kinh tế du lịch, văn hóa, xã hội. Nhưng cũng chính vì khu di sản sống, mỗi ngày tiếp nhận không dưới 10 ngàn lượt khách bốn phương như hiện nay, nên đã nảy sinh các tiêu cực, thậm chí rất phản cảm, cần phải được nhìn nhận thẳng thắn để có cách giải quyết.
Để níu giữ, bảo vệ và phục hồi những nét văn hóa, theo tôi, đã đến lúc Hội An cần phải có những giải pháp để cứu vãn. Cùng với việc chính quyền kiểm soát chặt và sẵn sàng xử phạt các hành vi thiếu ý thức, làm tổn hại đến hình ảnh của di sản du lịch, tôi cho rằng phải lấy phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lấy cộng đồng cộng hưởng và giám sát sự vận hành của phố cổ, là phù hợp nhất với một di sản sống. Hội An nên có phong trào tập trung cho những động thái quyết liệt theo khung thời gian, ví dụ như “Năm lề đường chỉ dành cho người đi bộ”, “Năm nói không với cò mồi, chèo kéo”, “Năm chợ một giá”... Cần nghiên cứu, đưa ra những thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ trong ứng xử, ví dụ như “Nụ cười Hội An”, “Thân thiện Hội An”, “Tử tế Hội An”, “Nghĩa cử Hội An”, “Đôn hậu Hội An”... Chúng ta cần tiếp tục bồi đắp những mối quan hệ vốn rất đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân Hội An, đặc biệt là trong khu phố cổ, vốn một thời làm nên đô thị cộng đồng niềm tin, toàn lực xây dựng nên một thành phố di sản du lịch rất phát triển. Tin là những ai còn yêu Hội An, những người bạn Hội An khắp nước, khắp năm châu sẽ xắn tay cùng Hội An.
T.T.THƯ (ghi)
Ông Varadaraj Suresh - Kỹ sư bảo tồn (chuyên gia Ấn Độ thực hiện dự án bảo tồn nhóm tháp K, H Mỹ Sơn):
Tuân thủ nguyên tắc trùng tu của UNESCO
Khi chưa triển khai dự án, tháp K đã bị đất phủ cao như một ngọn đồi, chúng tôi phải tổ chức di dời toàn bộ đất phủ bên trên để tìm kiến trúc tháp. Có những chỗ phát lộ ra góc tháp đã bị bể nên chúng tôi phải gia cố lại cho chắc chắn; có những phần bị mục hư hỏng phải vá lại gạch mới cho cứng cáp, rồi những dấu vết bờ tường cũ bị hư hại cũng đã được gia cố dựa trên bản gốc. Nói chung, chỗ nào hư lắm mới can thiệp gia cố lại. Quá trình trùng tu tháp K vừa qua chúng tôi đã dùng gạch tương tự như người Chăm đã dùng, sử dụng vữa vôi và dầu rái. Việc sử dụng vật liệu này có căn cứ nghiên cứu về người Chăm cũng dùng vữa vôi, bột gạch, dầu rái vào xây dựng tháp ngày xưa.
Qua thực tế chúng tôi nhận thấy đền tháp Mỹ Sơn có sự tương đồng rất lớn với các đền tháp ở phía Nam Ấn Độ. Tại Ấn Độ chúng tôi đã trùng tu rất nhiều đền tháp kiến trúc gạch kiểu này, do đó có đủ cơ sở, kinh nghiệm để trùng tu tháp Mỹ Sơn, nhất là dựa trên sự hợp tác làm việc với tổ kỹ thuật của Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn. Chúng tôi diễn giải điều này để khẳng định rằng, quá trình trùng tu các tháp Chăm Mỹ Sơn luôn được thực hiện khoa học dựa trên sự kế thừa phương pháp, kể cả nhân công từ những dự án đã được triển khai trước đây tại Mỹ Sơn. Theo tôi, sự kế thừa này rất quan trọng và cần thiết vì những đền tháp Mỹ Sơn không chỉ được UNESCO công nhận DSVHTG nên phải tuân thủ theo những nguyên tắc trùng tu của UNESCO mà đây là những kiến trúc đặc thù, khác với những kiến trúc bằng đá hoặc gỗ. Do đó, cách ứng xử với các đền tháp Chăm Mỹ Sơn cũng phải thận trọng và đặc biệt phù hợp.
VĨNH LỘC (ghi)
ÔNG Fumio Kato (Tổ chức JICA - Nhật Bản):
Cần có một tư duy khác
Các bạn thử nghĩ xem, đặc sắc của sản phẩm lưu niệm Hội An là gì? Rồi cả Mỹ Sơn nữa, khi muốn phát triển du lịch cộng đồng, các bạn sẽ làm gì để khác biệt với những nơi đã quá nổi tiếng ở hiện tại? Chúng tôi nghĩ cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. UNESCO công nhận một địa danh là di sản thế giới, vì các giá trị văn hóa, lịch sử mà vùng đất có nắm giữ. Và đó còn là vấn đề phát triển, tầm nhìn để có thể phát huy các tinh hoa đang có. Làm thế nào để người dân bản địa sống tốt với các sự đầu tư để phát triển du lịch di sản? Và không chỉ có cộng đồng người dân xung quanh di sản hưởng lợi, mà rộng hơn, các đặc sắc của vùng đất xung quanh liệu có thể góp phần vào câu chuyện phát triển du lịch của di sản.
Cả Hội An lẫn Mỹ Sơn, riêng về sản phẩm lưu niệm từ người làm nghề truyền thống, cần phải có một chiến lược để thống nhất về mẫu mã, khung giá, chất liệu, thương hiệu. Đừng để “sản phẩm giá rẻ” và “đắt khách vì giá rẻ” mà đánh mất vốn tinh hoa địa phương đã có. Cũng như sự phát triển riêng về du lịch, đừng để các con số thống kê về số lượng khách đến di sản chi phối đến tính bền vững mà các bạn đã đặt ra cho các khu di sản. Điều này cần một tư duy phát triển khác, với tầm nhìn cần phải cao hơn, không chạy theo các lợi nhuận ngắn hạn, mà cần nhìn đến một thị trường dài hạn và thông minh...
LÊ QUÂN (ghi)