Bảo tồn di sản trước cơn lốc đầu tư du lịch vẫn là câu hỏi khó.
Chính quyền và cơ quan quản lý du lịch Quảng Nam khẳng định “cơn bão” du lịch đã làm thay đổi đời sống địa phương trong vòng 2 thập kỷ qua. Nhưng lượng du khách đến vẫn chưa đạt đến mức “kỷ lục” để gây ra sự đảo lộn hoặc đẩy áp lực lên di sản và làm lệch đi giá trị văn hóa. Song, họ vẫn đang phải lo sợ “đánh mất vị thế” Quảng Nam trên bản đồ du lịch khi không thể tìm được đường phát triển du lịch theo hướng cả cộng đồng đều được hưởng lợi. Việc “hòa giải” bài toán bảo tồn di sản trước áp lực đầu tư du lịch đã giúp Hội An trở thành hình mẫu cho các tỉnh, thành khác học tập, nhưng các giới chức thành phố vẫn than phiền và lo ngại còn quá nhiều cư dân ven di sản chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển của du lịch từ nhiều năm qua.
Du khách đến với phố cổ Hội An. Ảnh: T.DŨNG |
Kết quả những cuộc điều tra, khảo sát, tham vấn chuyên gia và ý kiến từ cộng đồng… để đưa ra chiến lược “Lồng ghép văn hóa du lịch phát triển bền vững Quảng Nam”, triển khai từ 2011, đã tối đa hóa các cơ hội và lợi ích phát triển du lịch song song với bảo tồn di sản. Sự đổi mới trong nhận thức và xây dựng kế hoạch theo cách mới, trí tuệ và thực tiễn. Năng lực quản lý, điều hành của cán bộ địa phương đã được cải thiện. Những “nan đề” xác định thuộc tính, nguy cơ ảnh hưởng văn hóa, di sản từ con người và phát triển kinh tế “vội vàng” đã được “đưa ra ánh sáng”. Theo chuyên gia bảo tồn, du lịch Randy Durband, giữ được giá trị văn hóa chân thực, bảo vệ di sản, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, chính là cốt lõi của chiến lược lồng ghép văn hóa - du lịch. Tuy nhiên, di sản vẫn đang đối mặt với áp lực gia tăng nhanh chóng về khách du lịch. Việc phát triển vẫn đang thiếu cái nhìn về bảo tồn và phát triển di sản theo hướng đặc trưng. Doanh thu, lợi ích từ du lịch vẫn chưa được chia sẻ một cách công bằng cho tất cả người dân vùng di sản.
Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản tổ chức tại Hội An mới đây đã đánh giá cao về vai trò điển hình của Hội An trong việc giải quyết tốt các vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chính quyền, doanh nghiệp đã dung hòa được lợi ích của cộng đồng với các hoạt động tham gia du lịch, xây dựng được môi trường du lịch văn minh… Tuy nhiên các chuyên gia bảo tồn, du lịch vẫn phải cảnh báo rằng mật độ bán buôn dày đặc, đa số nhà cổ chỉ để sử dụng buôn bán đã dần làm phai nhạt tinh thần Hội An. Căn nhà cũ vẫn mang dáng dấp xưa nhưng không gian bên trong đã thay đổi. Việc tu bổ nhà cổ Hội An đang mất đi tính chân xác. Chưa kể tới việc cho thuê, mướn bán hàng đã khiến không ít nhà cổ bị bốc cháy mới đây vẫn là một thảm họa được báo trước cho đô thị cổ này. TS. Hà Văn Siêu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, du lịch Quảng Nam hiện đang là hình mẫu cho các địa phương khác học tập, nhưng rộng ra, thương hiệu du lịch Quảng Nam hay Hội An vẫn còn nhỏ bé. Bởi, việc bảo tồn vẫn chưa làm nổi bật giá trị di sản cần được truyền tải nguyên gốc chân thực, thiếu sản phẩm đặc thù khác biệt của yếu tố văn hóa địa phương và thiếu cả kỹ năng cùng sự tâm huyết của hướng dẫn viên trong việc hình thành giá trị thụ hưởng, cảm nhận cho du khách.
Du lịch di sản hàng năm đem lại nguồn thu lớn cho các địa phương có di sản. Du lịch cần dựa vào di sản để phát triển đồng thời phải mang sứ mệnh cao cả là tôn vinh giá trị di sản đó. Giải bài toán này như thế nào vẫn là câu hỏi khó.
NAM KHA