Di sản với phát triển bền vững

LÊ QUÂN (thực hiện) 25/05/2017 08:34

Không chỉ là lễ hội, Festival Di sản Quảng Nam mang nhiều thông điệp trong hành trình phát triển của vùng đất. Báo Quảng Nam đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài - Phó Trưởng ban Tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 về ý nghĩa bền lâu của các chuỗi hoạt động.

  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
Tại festival lần này, Làng Bích họa (thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ) sẽ được nâng lên thành làng nghệ thuật cộng đồng với sự tham gia hỗ trợ của các nghệ sĩ trong cả nước. Ảnh: HẢI HOÀNG
Tại festival lần này, Làng Bích họa (thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, TP. Tam Kỳ) sẽ được nâng lên thành làng nghệ thuật cộng đồng với sự tham gia hỗ trợ của các nghệ sĩ trong cả nước. Ảnh: HẢI HOÀNG

Phát huy giá trị  văn hóa biển

PV: Thưa ông, lần này Festival Di sản Quảng Nam sẽ chuyển tải thông điệp gì qua các hoạt động xuyên suốt của mình?

Ông Đinh Hài: Trước hết, nội dung của Festival Di sản Quảng Nam 2017 thống nhất với mục tiêu ban đầu của sự kiện từ năm 2003 đến nay là “di sản và phát triển kinh tế bền vững”. Đây là chủ đề xuyên suốt, và qua mỗi kỳ hội chúng ta đều có những sự mở rộng. Nếu ở Hành trình di sản năm 2003 chủ yếu giới thiệu văn hóa Quảng Nam với các đặc trưng văn hóa của cả nước; thì đến 2005 chúng ta nói chuyện Quảng Nam trong lòng Đông Dương - Hành trình di sản Đông Dương. Năm 2007 là Quảng Nam trong ASEAN. Đây là lần thứ VI, festival ngoài tính thống nhất về chủ đề “di sản và phát triển kinh tế bền vững”, sẽ có tính kết nối rộng rãi hơn với nhiều hoạt động. Nếu ngày xưa quan niệm về di sản là những giá trị vật chất và tinh thần đã được đánh giá công nhận, thì lần này khái niệm di sản rộng hơn, không chỉ là văn hóa vật thể, phi vật thể mà còn những giá trị của tự nhiên đáng được bảo tồn và phát huy, như biển đảo hay các vùng đất với giá trị văn hóa đặc sắc.

PV: Các giá trị văn hóa biển đảo sẽ được chú trọng như thế nào trong kỳ hội này, thưa ông?

Duy trì “sức sống” của sản phẩm

Nói về câu chuyện khá nhiều sản phẩm du lịch ra đời sau các kỳ festival và việc phải làm gì để duy trì “sức sống” của sản phẩm, ông Đinh Hài cho rằng, các sản phẩm du lịch đã tham gia thị trường, đương nhiên phải chịu sự tác động của quy luật thị trường. Nơi nào chăm chút, tạo sự hấp dẫn của sản phẩm sẽ có khách. “Những năm vừa qua, theo quan sát chúng tôi, sau khi khai trương sản phẩm, nhiều làng du lịch cộng đồng có những sự tiến bộ, tuy không thật sự đông đúc nhưng lượt khách cũng đã nhiều hơn trước, như làng Bhơ Hôồng, làng dệt Zara... Cũng như vậy, với địa phương phía nam và phía tây, sau kỳ festival, sẽ có những bước phát triển bằng cách duy trì các hoạt động trở thành chương trình thường niên của địa phương” - ông Hài chia sẻ. Ông Hài còn cho biết, đơn vị đã làm việc với Liên đoàn thuyền buồm Việt Nam, nếu lần này Quảng Nam làm tốt Giải lướt ván buồm vô địch thế giới và Giải đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng, đây sẽ trở thành hoạt động tổ chức hằng năm ở địa phương. Duy trì hoạt động đã diễn ra trong lễ hội sẽ là cách để giữ nhịp độ phát triển của vùng đất khi xác định làm du lịch. Cũng như vậy, đòi hỏi địa phương sau này phải có sự chăm chuốt với các sản phẩm đặc sắc của mình...

Ông Đinh Hài: Lần này trọng tâm là phát huy giá trị văn hóa biển đảo với các hoạt động triển lãm về di sản văn hóa biển đảo, thể thao dưới nước… từ An Bàng cho đến Tam Thanh, Tam Hải - chuỗi hoạt động của một tỉnh có đường bờ biển dài 125km cùng với 2 xã đảo là Cù lao Chàm (Hội An) và Tam Hải (Núi Thành). Trong khi Cù Lao Chàm đã được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, festival lần này sẽ tổ chức hội thảo khoa học để nhận diện giá trị di sản địa chất ở Núi Thành, các nhà khoa học sẽ tham gia đánh giá về giá trị địa chất của Tam Hải và Tam Quang. UBND tỉnh đã chủ trương tổ chức hội thảo khoa học này nhằm có kế hoạch bảo tồn, nếu đảm bảo điều kiện sẽ tham gia Công viên địa chất quốc gia, công viên địa chất toàn cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động thể thao dưới nước như lướt ván buồm với sự tham dự của 30 quốc gia lần đầu tiên được tổ chức, giải đua thuyền buồm thu hút 8 quốc gia. Những hoạt động thể thao dưới nước có tầm vóc quan trọng. Ngoài ra còn có các hoạt động liên quan đến biển, văn hóa biển, giá trị bảo tồn. Biển là di sản cha ông để lại và nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo tồn, giữ gìn.

Trong lần này, tại biển Tam Thanh, một cuộc triển lãm với 16 tỉnh ven biển Việt Nam nhằm giới thiệu các đặc sắc về văn hóa biển của vùng đất mình cũng như trình diễn nghệ thuật dân gian vùng miền của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự hội tụ các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, từ hát xoan của Phú Thọ, ví dặm của Hà Tĩnh, đờn ca tài tử của Nam Bộ, sẽ có cuộc quy tụ về Quảng Nam. Đặc biệt, nhân Festival Di sản Quảng Nam chúng ta sẽ giới thiệu với quốc tế, với tổ chức UNESCO về nghệ thuật diễn xướng bài chòi. Văn hóa biển với việc giới thiệu các giá trị di sản là nội dung xuyên suốt để làm cho festival đảm bảo tính bảo tồn gìn giữ, đồng thời làm cho văn hóa đi vào cuộc sống và là nền tảng để phát triển kinh tế.

Phát triển du lịch về phía nam

PV: Lợi thế của các lễ hội ở Quảng Nam là đều có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Ông có thể cho biết, trong festival lần này sự tham dự của cộng đồng sẽ ở mức độ ra sao?

Ông Đinh Hài: Nhiều hoạt động trong festival lần này thu hút sự tham gia của cộng đồng như phát huy giá trị văn hóa miền biển, diễn xướng bài chòi… Lần này tại Tam Thanh, Làng Bích họa nâng lên thành làng nghệ thuật cộng đồng với sự tham gia hỗ trợ của các nghệ sĩ trong cả nước. Điều này sẽ gắn với cộng đồng từ tên gọi. Đây là một ví dụ trong việc tham dự của cộng đồng. Hay cây nêu của đồng bào vùng cao. Tại Tây Giang sẽ là cuộc gặp gỡ của 22 dân tộc thiểu số trên cả nước. Đã có nghi thức dựng cây nêu, sẽ phải có nghi thức cộng đồng… Ví dụ đơn giản hơn, việc mở các tour tuyến du lịch mới trong kỳ hội phần lớn chọn ở các khu vực làng quê sinh thái, điều này đương nhiên cần sự tham gia của người dân, cộng đồng ngay tại mảnh đất đó.

PV: Tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, sẽ hiện thức hóa chủ trương của tỉnh về việc mở rộng phát triển du lịch về phía nam như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Hài: Định hướng mở rộng du lịch về phía nam, phía tây đã được thể hiện trong kế hoạch tổ chức Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI khá nhiều. Ví dụ, các hoạt động ở Tam Kỳ, Núi Thành, Trà My, Tiên Phước, Tây Giang lần này được đặc biệt chú trọng mạnh, chứ không riêng ở Hội An như trước đây. Chương trình khai mạc tổ chức tại Tam Kỳ kèm với đó là nhiều hoạt động khác… Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở sự kiện đến và sự kiện đi, thì câu chuyện này lại không có ý nghĩa. Thông qua việc chuẩn bị cho festival, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương bắt đầu có sự đầu tư cho phát triển du lịch. Như đầu tư cho phát triển hạ tầng của Làng nghệ thuật Tam Thanh, phục hồi bảo tồn địa đạo Kỳ Anh, đầu tư hình thành bãi tắm Bình Minh, Bãi Rạng… Nếu không có gì trở ngại, sẽ khai trương tuyến du lịch Chu Lai - Lý Sơn; Chu Lai - Cù Lao Chàm - Lý Sơn. Hay, thông qua việc giới thiệu sâm Ngọc Linh, cảnh đẹp hồ Phú Ninh qua cuộc đua thuyền kayak quốc tế… sẽ giúp giới thiệu các địa chỉ của phía tây và nam Quảng Nam đến bạn bè quốc tế. Cũng chính việc chuẩn bị của các cấp chính quyền sẽ tạo nhận thức sâu sắc về việc phát triển, mở rộng du lịch của người dân khu vực này.

LÊ QUÂN (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di sản với phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO