Chừng mươi năm trước, đến Quảng Nam mà gọi taxi cũng như…gọi đò qua sông lớn. Dần dà, phố mở ra, đường nối đường, nhu cầu tăng, nên dịch vụ taxi khách nở rộ. Trước có Hương Lúa, Mai Linh, nay thêm Sun, Thu Bồn, Đại Lộc, Tiên Sa taxi… Một khảo sát của ngành chức năng cho biết, trên địa bàn Quảng Nam đã có gần 300 xe taxi khách hoạt động. Có người vui chuyện tếu táo rằng, dân Quảng Nam phần đông còn làm nông nghiệp, vậy taxi nhiều như thế thì cũng tiện đi… thăm đồng.
Ờ, mà sao không nghĩ chuyện tưởng giỡn có thể thành hiện thực trong tương lai? Một tỉnh mà có tới hai thành phố (Hội An, Tam Kỳ), một thị xã (Điện Bàn), chưa nói là nhiều thị trấn, thị tứ tiếp tục mở rộng, thì đô thị hóa đã và đang tạo đà cho dịch vụ phát triển. Không riêng chuyện xe cộ đi lại mà còn dịch vụ viễn thông, môi trường, dịch vụ du lịch… sẽ tiếp tục đổ bộ. Khi nhiều cơ sở cùng khai thác thị trường trong một loại hình dịch vụ thì phải cạnh tranh và người tiêu dùng tha hồ lựa chọn. Tiêu chí giá rẻ, tiện lợi, chất lượng sẽ được chú ý cạnh tranh nhiều hơn. Lúc đó, năm bảy anh nông dân có thể rủ kêu taxi đi thăm ruộng bên đường lớn nếu thấy lợi hơn đi bằng mấy chiếc xe máy tốn nhiều xăng.
Ấy vẫn là nói vui, chứ câu chuyện muốn đề cập ở đây là tổ chức sản xuất nông nghiệp trong lòng các đô thị ra sao. Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, thảy đều đang định hướng phát triển nông nghiệp đô thị. Nôm na có thể hiểu, loại hình nông nghiệp này bao gồm phần nội đô, với những vườn rau quả nhỏ xen cài trong đô thị, sử dụng chậu treo, sân thượng, ban công; và phần ven đô với những vườn, gia trại, trang trại sản xuất theo công nghệ cao cho sản phẩm với sản lượng lớn hơn.
Nông nghiệp đô thị đã phát triển trên thế giới và ở một số thành phố lớn trong nước, được tổ chức dưới các dạng nông nghiệp xanh (trồng và chăm sóc cây xanh đô thị), nông nghiệp phục vụ khách sạn (rau quả, thủy sản), nông nghiệp du lịch, an dưỡng (làng nghề, làng quê), nông nghiệp sinh thái v.v. Vì vậy, chúng tôi tâm đắc một vấn đề mà ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn trao đổi rằng, với vị trí đắc địa do tiếp giáp với đô thị lớn Đà Nẵng và trung tâm du lịch Hội An, Điện Bàn sẽ tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất thực phẩm sạch cung ứng cho các thị trường này. Như thế, hai yếu tố cơ bản cần thực hiện để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp của thị xã là: 1) Tích tụ ruộng đất quy mô lớn đồng thời với đầu tư hạ tầng nông nghiệp đạt tiêu chuẩn; 2) Thay đổi tập quán, phương thức sản xuất từ tiểu nông lên sản xuất hàng hóa. Bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, Điện Bàn cũng xác định đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đáng lưu ý, chính quyền thị xã nhận thức rõ là không nên nóng vội và rập khuôn vô thức để kết quả xây dựng nông thôn mới dẫn đến đô thị hóa nham nhở nông thôn. Xây dựng nông thôn mới là quá trình bền bỉ, lâu dài, thậm chí hàng chục năm sau khi đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trong đó phải chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn; bộ mặt nông thôn phải khang trang tương ứng với sự phát triển chung của thị xã.
Dĩ nhiên, định hướng trước mắt là… hướng định. Nhưng xác định đúng, lựa chọn đúng thì tránh bớt rủi ro, tránh lầm đường lạc lối. Đô thị hóa là xu thế tất yếu, nên phát triển nông nghiệp đô thị sẽ là câu chuyện đáng quan tâm. Nông dân trong thời hiện đại hóa nông nghiệp, không chỉ cần con đường và phương tiện ra thăm đồng ruộng mà còn ở tư duy tổ chức sản xuất hàng hóa. Cần hướng dẫn nông dân tiếp cận xa lộ thông tin để được hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất và thị trường. Một khi, giá trị sản xuất mỗi năm đến hàng trăm triệu đồng trên héc ta thì đi thăm đồng ruộng bằng taxi chỉ là chuyện nhỏ.
ĐĂNG QUANG