Đi thực tế trong chiến tranh

TRẦN ĐĂNG 25/03/2018 09:55

Trong chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam, có một thế hệ nhà văn cầm súng trước khi cầm bút. Mỗi người có một cách đi thực tế khác nhau.

Một số văn nghệ sĩ Khu V ở chiến khu. Ảnh tư liệu
Một số văn nghệ sĩ Khu V ở chiến khu. Ảnh tư liệu

1. Nhà văn Cao Duy Thảo quê huyện Phù Cát tỉnh Bình Định, hiện định cư tại Nha Trang nhưng hầu như toàn bộ tuổi trẻ của ông lại gắn với vùng rừng tây Quảng Nam, Quảng Ngãi. Nói về chuyện “đi thực tế” trong chiến tranh của nhà văn, ông bảo: “Có phải đi để viết văn như người ta tưởng đâu mà! Chẳng qua là ở rừng lâu quá nên bức bí. Về vùng sâu thời đó là đồng nghĩa với hy sinh nhưng nhiều “cây bút trẻ” lại rất hăng đi “phía trước”. Thứ nhất là để thay đổi không khí, thứ hai là để nhìn tận mắt cuộc chiến tranh nó như thế nào chứ ở trong rừng thì sao thấy “nó” được. Sau mỗi chuyến đi như thế, anh nào lượm lặt được gì thì về hậu cứ, tùy theo khả năng của mình mà chế biến ra các món thơ, truyện, ký hoặc tiểu thuyết… Anh chả viết gì thì cũng chẳng ai trách anh cả. Nó khác với những anh nhà văn ở “hậu phương” bên kia vĩ tuyến 17, hễ “đi thực tế” là phải có tác phẩm”.

Lứa nhà văn đi B vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, có một ít người đã thành nhà văn nổi tiếng như Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung còn đa số là học sinh miền Nam, được học hành bài bản trên đất Bắc và xung phong trở lại quê hương (trường hợp “máu lửa” như Bùi Minh Quốc và Dương Thị Xuân Quý rất hiếm). Có người cũng mang khát vọng là sẽ trở thành nhà văn, nhưng phần lớn là “đi B cho biết”, nó đậm chất lãng tử sách vở hơn là sự dấn thân có chủ đích. Họ là những cán bộ tuyên truyền đích thực chứ không phải là nhà văn chuyên nghiệp đi thực tế để có trải nghiệm, có tư liệu để viết văn, làm thơ.

Văn nghệ sĩ Quảng Nam đi thực tế tìm hiểu về nhà tù Sơn La. Ảnh: TAM MỸ
Văn nghệ sĩ Quảng Nam đi thực tế tìm hiểu về nhà tù Sơn La. Ảnh: TAM MỸ

Dù vậy, mấy anh trí thức trẻ này mỗi khi xuống đồng bằng, “ghé” vào một xã nào đó để cùng đồng cam cộng khổ với cán bộ địa phương và dân trụ bám thì y rằng cả ban lãnh đạo xã ấy mất ăn mất ngủ. Vì sao? Vì các anh ấy là cán bộ trên khu nên xã có nhiệm vụ bảo vệ tối đa chứ nhỡ có mệnh hệ gì thì rất là phiền. Lại nữa, các anh này địa bàn thì không thuộc, đi đâu cũng phải có người địa phương kèm cặp kẻo giẫm phải mìn do chính du kích gài hoặc gặp Mỹ phục kích. Những ai đọc bút ký “Chiến trường những năm tháng ấy - sống và viết” của Nguyên Ngọc thì biết nỗi khổ này của cán bộ xã. Cũng chính vì lần đầu đi vùng sâu như thế nên chị Dương Thị Xuân Quý hầu như không có “phản xạ” gì khi xuống vùng đông Duy Xuyên và gặp lính Đại Hàn phục kích để phải đổi bằng chính mạng sống của mình, trong khi hai người du kích xã đi cùng chị thì chạy thoát.

2. Bản thân nhà văn Nguyên Ngọc “đi thực tế” thì lại đặc biệt hơn. Từng trải qua kháng chiến chống Pháp và đã có tác phẩm gây tiếng vang trên đất Bắc nên cái cách “đi thực tế” của ông chả giống ai. Đến địa phương nào dưới vùng sâu là ông cũng giữ một cái chức gì đó ở xã, như bí thư chi bộ chẳng hạn. Không phải giữ cái chức ấy cho oách mà cái chức ấy gắn với trách nhiệm đứng mũi chịu sào. Ông trực tiếp cầm tiểu liên AK báng gấp để cùng với du kích xã tham gia nhiều đợt chống càn. Ông cũng là người chọn chỗ ngủ lạ nhất trong số các nhà văn đi thực tế dưới vùng sâu: ngủ ngay dưới chân đồn địch! Ông bảo mình chọn chỗ ngủ như vậy là bất ngờ nhất với kẻ địch. Ngủ như thế sẽ không bị chúng phục kích, lại không bị pháo lạc nó bắn vu vơ, miễn là anh phải tỉnh thức trước 3 giờ sáng để cuốn tấm vải dù và rời đi, tuyệt đối anh không có tật ngáy! Riêng với nhà văn Nguyễn Chí Trung thì đi thực tế của ông thành nỗi ám ảnh của địa phương nào mà ông ghé qua. Ông kể, năm 1966, ông về khu dồn núi Ông Đọ thuộc xã Đức Minh huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ông bảo bí thư xã phân công anh xã đội phó theo ông mò vào đồn để xem địch nó bố trí hỏa lực như thế nào đặng có cách đánh chúng! Nghe tin “đi thực tế Núi Đọ”, anh xã đội phó Đức Minh hồn xiêu phách lạc nhưng bởi vì đi với ông “cán bộ quân khu” chả nhẽ lại trốn tránh trách nhiệm? Biết anh xã đội phó ấy nhát gan, Nguyễn Chí Trung xung phong đi trước. Và ông đi vào đồn theo cái cách chẳng giống lính đặc công tí nào: cứ theo mùi phân người mà đi! Núi Đọ là khu dồn dân, có trung đội nghĩa quân đóng ở đó, cách nhà dân chỉ vài ba trăm mét nên tối tối, dân hay ra đại tiện dưới chân đồn. Nhà văn chia sẻ kinh nghiệm: “Mình đi như vậy là rất khổ vì có khi giẫm trúng “mìn” của dân nhưng sẽ không đạp mìn địch. Có hôi thúi một chút nhưng an toàn vì dân vừa đại tiện thì dĩ nhiên là địch không gài mìn chỗ ấy rồi!”.

Nhà văn Cao Duy Thảo nhớ lại: “Năm 1967 tôi đi cùng Trần Tiến (Chu Cẩm Phong) về Sơn Mỹ. Anh Tiến là cán bộ từng lăn lộn khắp vùng sâu Quảng Nam, Quảng Ngãi nên ảnh có kinh nghiệm hơn tôi mới đi lần đầu. Để về được Sơn Mỹ, chúng tôi phải băng qua đường 1 vùng Thế Long - Thế Lợi, ngoài quận lỵ Sơn Tịnh. Vùng này địch hay phục kích, muốn băng qua đó là phải đem theo tấm ni lông nếu đi đông, mục đích là khi băng qua đường là đi trên tấm ni lông ấy, qua xong lại cuốn lên để xóa dấu vết. Lần ấy suýt chết vì địch phục kích nhưng là phục kích toán cán bộ đi sau chúng tôi chừng 30 phút! Sơn Mỹ năm ấy chưa xảy ra vụ thảm sát nên khá thanh bình. Bọn trẻ con vẫn chơi nhảy dây, u mọi dưới trăng. Không ngờ hai năm sau tôi về đây lần nữa, làng quê tang tóc một cách ghê rợn”. Còn nhà thơ Ngô Thế Oanh cũng về Sơn Mỹ nhưng ông lại ám ảnh chuyện khác: “Qua đường 1 đoạn Thế Long - Thế Lợi là mình sợ nhất. Sợ địch nó bắn chết, lột truồng mình ra rồi khiêng vào quận lỵ bêu mấy ngày, xấu hổ lắm”. Hỏi ông chết rồi thì sợ gì xấu hổ? Ông bảo thế mà vẫn sợ mới lạ!

3. Đi thực tế trong chiến tranh, mỗi nhà văn có một kiểu tiếp cận. Có một mẫu số chung là cái chết luôn cận kề với họ. Chu Cẩm Phong dày dạn trận mạc là vậy, song ông cũng đã ngã xuống tại Đại Lộc, Quảng Nam, hoặc chị Xuân Quý thì vĩnh viễn “nằm lại với đất lành Duy Xuyên”. Nhà văn thời ấy đi thực tế, thực chất là về gặp dân để trấn an họ là cố gắng chịu đựng hy sinh vì ngày thắng lợi cũng sẽ đến… Trong những chuyến đi có thể trả giá bằng mạng sống của mình, nhiều người đã gặt hái những “quả ngọt”. Bùi Minh Quốc lăn lộn vùng Sa Kỳ, Quảng Ngãi nhiều tháng liền để có tác phẩm nổi tiếng “Hồi đó ở Sa Kỳ”, hoặc Thanh Quế bám trụ vùng chân núi Ngũ Hành Sơn để có “Cát cháy” - tác phẩm đã đưa ông đến với Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012. Còn nhà thơ đồng hương với Thanh Quế là Trần Vũ Mai về nằm gai nếm mật mảnh đất Tuy Hòa để trình làng trường ca “Ở làng Phước Hậu” nổi đình nổi đám năm nào.

Cuộc chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng lớp nhà văn chống Mỹ mỗi khi nhớ lại thời trai trẻ của mình, chuyện “đi thực tế” đã thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Sống chết chỉ là một khoảng cách tơ tóc nhưng họ có lý do để lên đường mỗi khi có dịp:

“Tuổi hai mươi ai mà không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc” (Thanh Thảo).

TRẦN ĐĂNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi thực tế trong chiến tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO