Qua 4 năm di thực cây sâm Ngọc Linh về núi Ngọc Thiên (xã Trà Tập, Nam Trà My) cho thấy loại sâm quý này hiện sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Đỉnh Ngọc Thiên cao hơn 1.600m so với mực nước biển, vùng trồng sâm hiện tại vốn là khu rừng già được bà con người dân tộc Ca Dong gìn giữ bao đời nay.
Ông Hồ Văn Níp - Chủ tịch UBND xã Trà Tập cho biết, những ngày đầu mang sâm lên vùng núi này, chính quyền xã đã hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con, nhờ điều kiện tự nhiên lý tưởng cùng với sự chăm sóc chu đáo, những lớp sâm đầu tiên đã phát triển rất tốt, đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và đồng bào nơi đây.
Xã Trà Tập hiện có hơn 400 hộ đồng bào tham gia trồng khoảng 10ha sâm Ngọc Linh trên đỉnh Ngọc Thiên, đa số bà con trồng quy mô nhỏ để thử nghiệm và hầu hết trồng thành công.
Ông Hồ Văn Bê (nóc Răng Chuỗi, thôn 1, xã Trà Tập) chia sẻ, gia đình hiện có hơn 20 luống sâm trồng trên 3 năm tuổi, dù mới trồng thí điểm nhưng thấy cây sâm phát triển tốt nên rất phấn khởi.
“Năm nay cây sâm đã bắt đầu cho hạt, mình hái về để làm giống và bán cho bà con trong làng cùng nhau trồng. Chỉ cần học thêm kinh nghiệm và được hỗ trợ giống thì sẽ bắt đầu trồng trên quy mô lớn hơn” - ông Bê nói.
Trong chuyến khảo sát thực tế tại vùng trồng sâm này, ông Lê Thanh Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết: “Khu vực trồng sâm Ngọc Thiên nằm trong quy hoạch 16.000ha trồng sâm của huyện Nam Trà My. Qua đánh giá, cây sâm phát triển rất tốt, không khác gì ở vùng sâm gốc xã Trà Linh.
Xác định sâm Ngọc Linh là cây chủ lực trong giảm nghèo, hướng đến phát triển kinh tế, do đó huyện sẽ tiếp tục đề xuất cấp trên hỗ trợ người dân về cây giống và đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo thuận tiện cho việc đi lại của bà con”.
Trước khi thực hiện di thực, huyện Nam Trà My đã tổ chức thăm dò và mở rộng vùng trồng Sâm Ngọc Linh ở các nơi khác ngoài núi Ngọc Linh. Trong đó, núi Ngọc Thiên có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và độ cao đáp ứng được yêu cầu sinh trưởng của cây sâm nên được chọn làm nơi trồng thí điểm từ khá sớm.
Với diện tích rừng nguyên sinh hiện có, xã Trà Tập đang đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân bảo vệ và trồng thêm rừng để phát triển khu vực trồng sâm trong thời gian tới.