Chiến tranh đã lùi xa, xung quanh Bàu Sen xưa cũng đã mọc lên những khu dân cư đông đúc, nhưng ký ức về một thời đạn bom vẫn luôn sống trong lòng những người tham gia kháng chiến năm nào.
1. Một ngày giữa tháng 4, ba người du kích năm xưa gồm các ông Mai Xuân Nghĩa, Đặng Công Còn, Đặng Văn Miễn hẹn nhau đến lăng Bà (làng Viêm Minh, Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn).
Sống cùng phường, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, nhưng cuộc hội ngộ hôm nay với họ thật đặc biệt: Bàu Sen - Lăng Bà sắp đón nhận danh hiệu di tích lịch sử cấp tỉnh.
Kết thúc chiến tranh, toàn phường Điện Ngọc có hơn 2.000 gia đình có công với cách mạng; 1.286 liệt sĩ; 344 thương bệnh binh; 320 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 7 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Với những công lao và thành tích đó, cán bộ và nhân dân Điện Ngọc được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Đây là sự ghi nhận những hy sinh, mất mát đối với nhiều lớp người đã từng chiến đấu nơi này” - ông Mai Xuân Nghĩa, nguyên Bí thư xã Điện Bình (cũ) chia sẻ.
Cũng như những thanh niên cùng làng, tròn 16 tuổi, ông Mai Xuân Nghĩa đã tham gia đội du kích địa phương chiến đấu đến khi quê hương được giải phóng nên ký ức của ông về những năm tháng gian khổ như hiển hiện mỗi khi nhắc đến.
Trong kháng chiến chống Mỹ, phường Điện Ngọc được chia thành 3 xã gồm Điện Bình, Điện Vinh và Điện Ngọc. Sau khi quân Mỹ mở rộng chốt điểm đóng quân ra Điện Bàn, Điện Bình trở thành vùng vành đai trắng, bị đạn pháo địch bắn phá ác liệt.
Từ khu quân sự ở Đà Nẵng địch có thể dễ dàng quan sát hoặc dùng đèn pha cực mạnh quét tìm ban đêm, đồng thời thường xuyên mở các cuộc hành quân càn quét. Vì vậy, ban ngày du kích phải ẩn nấp dưới ao hồ, hầm, công sự; ban đêm mới tổ chức hoạt động tìm diệt địch...
Theo ông Đặng Công Còn - nguyên Xã đội trưởng xã Điện Bình, do lăng Bà nằm kề khu vực Bàu Sen nên trở thành địa điểm hoạt động, ẩn nấp thuận lợi của các lực lượng cách mạng.
Đặc biệt, dựa vào việc cúng tế lăng Bà, nơi này trở thành nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, truyền tài liệu, tin tức cho cán bộ, du kích trú ẩn tại Bàu Sen và nằm vùng tại làng Viêm Minh.
“Với diện tích hơn 22ha, xung quanh cỏ mọc um tùm cao che khuất đầu người, lại thông với sông Cổ Cò, Bàu Sen trở thành hầm bí mật lớn che chở du kích, bộ đội trong kháng chiến. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất giúp chúng tôi bám trụ chiến đấu, chống những cuộc càn quét, bao vây của địch chính là lòng dân” - ông Còn bày tỏ.
Suốt những năm tháng chiến tranh, dân làng Viêm Minh một lòng đi theo cách mạng, bám đất, bám làng che chở, nuôi giấu cán bộ. Xung quanh khu vực Bàu Sen và lăng Bà có khoảng 30 hầm công sự ở nhà dân hoặc dưới các bụi tre rậm rạp.
Từ năm 1969 địch ra sức càn quét, giành dân, hai xã Điện Bình, Điện Vinh bị mất dân trắng đất. Không còn chỗ đứng chân, ban ngày, cán bộ, đảng viên phải ra vùng ven ở công sự mật hoặc dựa vào các bàu sen để ẩn nấp, ban đêm mới trở về hoạt động.
Tuy vậy, người dân vẫn tìm cách nuôi giấu cán bộ. Vào những ngày Rằm, mùng Một hay các dịp tế Xuân, Thu, Tết cổ truyền, người dân mượn cớ về cúng lăng Bà để tiếp tế lương thực cho cách mạng.
Lăng Bà Viêm Minh thờ bà Bạch Thiên Kim, người có công phò vua Lê Thánh Tông trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành (năm 1470). Khi theo nhà vua đến vùng đất Viêm Minh, bà đã dừng ở đây tập trung dân chúng dựng lều trại, khai phá đất hoang trồng trọt, chăn nuôi cung cấp thực phẩm đoàn quân. Khi bà Bạch Thiên Kim qua đời, người dân các chư phái tộc làng Viêm Minh chôn cất bà ngay trên cánh đồng bà từng canh tác. Lăng bà được xây trên gò cao ở cuối làng, trước lăng có hồ sen lớn làm hồ vọng cảnh. Trong chiến tranh lăng Bà nhiều lần bị phá hủy, mỗi lần như vậy người dân đóng góp gạch, vôi, công sức để xây dựng lại. Trải qua thời gian hồ sen cũng được mở rộng dần trở thành bàu sen rộng lớn dọc theo cánh đồng Viêm Minh.
2. Trải qua hai cuộc kháng chiến, Điện Ngọc là một trong những chiếc nôi cách mạng, được nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và huyện Điện Bàn về đứng chân lãnh đạo phong trào kháng chiến.
Với Bàu Sen, lăng Bà, đây không chỉ là nơi che chở cán bộ mà còn làm bàn đạp tiến công tiêu diệt địch. Năm 1974, lực lượng du kích 3 xã phối hợp với du kích xã Hòa Hải (Đà Nẵng) bám đánh địch từ Hòa Hải vào tới Điện Nam, bao vây phá khu dồn thôn 2, chi viện cho Hòa Hải đánh địch.
Đặc biệt, sáng 29.3.1975, hai đại đội của Sư đoàn 3 Việt Nam cộng hòa từ Quế Sơn tháo chạy về Đà Nẵng đã bị du kích xã Điện Bình bao vây, chặn đánh, buộc chúng phải vứt bỏ vũ khí để thoát thân.
Chiến tranh lùi xa, phần lớn diện tích Bàu Sen xưa đã bị san lấp thành các khu dân cư để hình thành lên dáng vóc đô thị. Điện Ngọc ngày nay đã thay da đổi thịt, đời sống người dân không ngừng cải thiện nâng cao.
Tính đến năm 2020 toàn phường không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ còn 4 trường hợp, thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng. Lăng Bà Viêm Minh cũng được nhân dân tu bổ, xây dựng khang trang, trở thành nơi gặp gỡ của người dân mỗi dịp lễ, tết.
Ông Trần Duy Nghĩa - Bí thư Đảng ủy phường Điện Ngọc cho biết, sau khi Bàu Sen và Lăng Bà Viêm Minh được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, phường Điện Ngọc sẽ giao cho Tổ quản lý di tích phối hợp cùng hội đồng các chư tộc giữ gìn, phát huy giá trị nhằm gắn kết các thành viên trong dòng tộc, cộng đồng với nhau. Đồng thời xây dựng kế hoạch đưa di tích Bàu Sen và Lăng Bà Viêm Minh trở thành “địa chỉ đỏ” cho người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống cách mạng của quê hương, cha ông đi trước…