Di tích Chăm ở làng Quá Giáng

LÊ THÍ 26/07/2020 07:29

Tại làng Quá Giáng trước đây có một di tích Chăm được đánh giá là rất “riêng biệt và tiêu biểu”. Hiện nay toàn bộ di tích đã mất dấu chỉ còn lại 3 pho tượng thờ trong ngôi Miếu Bà được xây ngay trước ngôi tháp chính. Nhiều hiện vật của di tích đang được lưu trữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng.

Hai đầu tượng Chăm tại Quá Giáng (đầu tượng thờ trong miếu và tượng phát hiện năm 2014).
Hai đầu tượng Chăm tại Quá Giáng (đầu tượng thờ trong miếu và tượng phát hiện năm 2014).

Ngôi làng “lưu lạc” hơn  một thế kỷ

Quá Giản là một làng cổ của Quảng Nam ngày trước, nay là thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.

Quá Giản có nghĩa là qua sông (Quá: qua, Giản: khe nước, suối) tên gọi như vậy là đúng với vị trí của làng. Làng nằm giữa hai nhánh sông nên đi từ Bắc vào hay từ Nam ra đều phải qua sông. Sông Cái, một nhánh của sông Hàn (bắt đầu từ cầu Tiên Sơn) khi chảy đến gần cầu Quá Giáng (nằm trên Quốc lộ 1 phía nam Miếu Bông khoảng 1km) chia làm hai nhánh, một nhánh chảy theo hướng nam đổ vào sông Vĩnh Điện, một nhánh chảy về hướng tây nam nối với sông Yên.

Không hiểu vì lý do gì nhiều địa danh có từ Giản được chuyển âm lại thành Gián (Giáng) như Thạc Giản (thành Thạc Gián - Thanh Khê, Đà Nẵng), Lỗ Giản (Lỗ Giáng - Hòa Xuân, Cẩm Lệ), Giản Đông (Giáng Đông, Hòa Châu, Cẩm Lệ). Từ Giản đổi thành Gián (Giáng) có lẽ diễn ra trong thập niên đầu của thế kỷ 20. Trong báo cáo của mình vào khoảng năm 1903, Parmentier vẫn còn gọi Quá Giản  (thuộc tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước) nhưng đến năm 1919 trong Tạp chí của Hội Đô thành hiếu cổ (Bulletin de Amis du Vieux Huế) lại viết là Quá Giáng (và thuộc huyện Hòa Vang).

Theo các vị bô lão và những sắc phong còn thờ trong đình thì làng được thành lập từ cuối thế kỷ 15, do những “tướng quân” thuộc các họ Đinh, Lê, Trần, Nguyễn có gốc từ Thanh Hóa theo Lê Thánh Tông trong cuộc Nam chinh năm 1471. Sau chiến thắng họ được bố trí ở lại để khai thác vùng đất mới chiếm.

Đây là một trong số 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa được Tiến sĩ Dương Văn An giới thiệu trong Ô châu cận lục viết năm 1553. Trong sách này ông còn cho biết thêm: làng Quá Giản thấp thoáng nhà tranh, mây che kín cửa.

Từ năm 1604, khi Điện Bàn được nâng lên thành phủ và nhập vào trấn Quảng Nam, Quá Giản thuộc tổng Hà Khúc, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Điều này được ghi lại trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776.

Sang đến đầu nhà Nguyễn (1802 - 1945) Quá Giản lại thuộc huyện Diên Phước của phủ Điện Bàn. Sách Địa bạ Gia Long (soạn trong khoảng 1812 - 1818) và sách Đồng Khánh địa dư chí (soạn trong khoảng 1887 - 1890) lại cho biết làng Quá Giản thuộc tổng Thanh Quất Trung, huyện Diên Phước. Mãi cho đến năm 1919, trên Tạp chí của Hội Đô thành hiếu cổ (Bulletin d’Amis du Vieux Huế) mới thấy Quá Giản (bắt đầu gọi là Quá Giáng) thuộc tổng Thanh An, huyện Hòa Vang. Như vậy phải mất hơn 100 năm Quá Giản mới được “quy cố hương”.

Từ 1948 đến nay, Quá Giáng là một thôn của xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang dù lịch sử có nhiều biến động. Chỉ có một sự thay đổi nhỏ trước 1997 thuộc Quảng Nam và Quảng Nam - Đà Nẵng, sau 1997 là Đà Nẵng.

Đình làng Quá Giản là một trong những ngôi đình lớn của Quảng Nam ngày trước. Xưa vẫn truyền tụng câu: “Đi vô ngó đình La Qua, đi ra ngó đình Quá Giản”. Bên cạnh đình làng có Miếu Bà. Cách đó không xa là nhà thờ chư tộc phái tiền hiền của làng. Đình và tiền hiền đã được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử. Điều đặc biệt, đình làng và Miếu Bà được cho là xây ngay trước mặt khu di tích Chăm mà vào năm 1903 Parmentier vẫn còn thấy rất vững chãi dù đã bị hư hại nhiều. Đợt khai quật vào năm 2014 cho phép suy đoán “tòa tháp gồm 3 ngôi tháp nằm trên một khu vực rộng vài héc ta”. Việc mất dấu tòa tháp này lại có liên quan đến việc xây dựng tuyến đường Quốc lộ 1 vào đầu thế kỷ.

Những di tích Chăm độc đáo

Khoảng năm 1903, Henry Parmentier - một nhà nghiên cứu thuộc Viện Viễn Đông bác cổ đã đến nghiên cứu tại làng Quá Giản. Trong báo cáo hiện còn lưu ở kho lưu trữ Viện Viễn Đông bác cổ, ông cho biết tại đây có một ngôi tháp vẫn còn đứng vững dù đã bị hư hỏng nhiều. Qua khảo cứu ông cho rằng tại khu vực này trước đây có một nhóm tháp xây dựng trên một khu đất rộng có tường bao quanh. Parmentier cũng phát hiện một số đầu tượng và một số bộ phận trang trí góc tháp. Năm 1919, hai đầu tượng ở đây được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng.

Theo Parmentier, 3 pho tượng trong miếu thờ của người Việt cạnh đó là những tượng Chăm được người Việt “tu bổ” lại. Sau năm 1975, khu vực Quá Giáng được Bảo tàng Quảng Nam cùng một số nhà nghiên cứu trên cả nước quan tâm đến khảo sát, đã phát hiện tại đây thêm một số hiện vật. Ba bức tượng được người Việt tu bổ được thờ trong miếu vẫn còn nguyên. Theo cuốn Di tích Chăm tại Đà Nẵng và những phát hiện mới, do Võ Văn Thắng chủ biên (Nxb Đà Nẵng, 2017) thì: “Tổng số hiện vật từ di tích Quá Giáng đã đưa về bảo tàng (Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng - NV) gồm 33 đầu tượng, 9 chóp tháp góc, một bệ sa thạch có kích thước lớn, 3 tượng thần phương hướng ngồi trên vật cưỡi, một tượng rắn naga và một lanh tô gãy”. Ngoài ra ở tại di tích vẫn còn 3 tượng trong miếu, một lanh tô bằng sa thạch đã được sử dụng lại làm lanh tô ở cổng đình làng Quá Giáng, cạnh đó, trong khu vực nhà dân có một bệ đá lớn”.

Qua khảo sát, phần lớn các đầu tượng “với kích thước khá lớn có thủ pháp và nhân tố tạo hình với các đặc điểm thể hiện như tóc xoắn vắt xõa ra hai bên, mắt mở lớn, hàng lông mày rậm giao nhau, mũi to bẹt, môi dày trề ra, râu mép dài che kín môi trên, đôi má bầu bĩnh, cằm bạnh, tai dài, cổ to có ngấn lớn…”  (sđd, trang 148). Các nhà chuyên môn cho rằng các hiện vật ở đây có niên đại khoảng thế kỷ thứ 9, 10, thuộc giai đoạn cuối của phong cách Đồng Dương.

Trong ngôi miếu hiện nay vẫn còn thờ ba pho tượng được cho là “đã được tôn tạo bằng vôi vữa và sơn nhiều màu nhưng vẫn có thể nhận ra những đường nét quen thuộc trong kiểu thức điêu khắc tượng Chăm”.

Tượng đặt chính giữa là pho tượng lớn nhất, cao 110cm, đầu tượng cao 35cm, rộng 32cm, thân tượng được tôn tạo bằng vôi vữa. Đầu tượng được đặt trên một đế tượng có kích thước 25 x 39cm, phía trước có tạc nổi hình con voi đứng bằng bốn chân, hai ngà nhỏ nhọn đang ngẩng lên. Năm 1903, Parmentier cho rằng đây vốn có hình con tê ngưu nhưng được sửa lại thành hình voi theo kiểu thức của người Việt. Hai tượng hai bên nhỏ hơn được đặt trên đế, tượng phía bên trái có bệ cao 15cm, rộng 30cm; tượng bên phải đặt trên bệ cao 34cm, rộng 40cm.

Ngôi miếu với 3 tượng thờ cho thấy Quá Giáng là một ngôi làng cộng cư Chăm - Việt đặc biệt. Việc người Việt xây miếu để thờ các pho tượng Chăm được tìm thấy ở nhiều nơi chứng tỏ sự cộng cư, tiếp biến văn hóa của người Việt trên vùng đất mới nhưng việc “tôn tạo” lại các pho tượng như ở Quá Giáng là điều ít gặp.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di tích Chăm ở làng Quá Giáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO