Ngoài Đình Thạch Tân và Địa đạo Kỳ Anh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, trên địa bàn xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) còn có một số di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, trong đó có di tích Vườn Miếu...
Vườn Miếu - Nơi thành lập lực lượng du kích tập trung xã Kỳ Anh và là nơi đã diễn ra nhiều hoạt động quan trọng. Ảnh: N.Đ.N |
Làm nên di tích
Di tích lịch sử Vườn Miếu hay còn gọi là miếu Bàu Dà ở thôn Tân Thái, xã Tam Thăng. Tương truyền, vào cuối thế kỷ XIX, nhân dân đã đóng góp sức người sức của xây dựng 3 ngôi miếu để thờ phụng những người có công khai canh, lập ấp Bàu Dà. Và cũng tại đây nhân dân đã xây dựng một hội quán để thờ cúng các vị tiền nhân và làm nơi hội họp của dân làng vào những ngày lễ tết. Tháng 7.1939, vườn Miếu được chọn làm nơi tập trung lực lượng trước khi về núi Chùa - Quảng Phú dự mít tinh do tổng Phú Quý tổ chức. Ngày 18.8.1945 nhân dân làng Tân Thái và các làng lân cận tập trung tại khu vực Vườn Miếu dưới sự lãnh đạo của Việt Minh kéo lên đánh chiếm phủ lỵ Tam Kỳ góp phần làm nên Cách mạng tháng Tám thành công. Năm 1946, hưởng ứng phong trào chống giặc dốt do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi, nhân dân đã xây dựng tại đây một ngôi trường thu hút hàng trăm người tham gia bình dân học vụ. Năm 1947, Ủy ban Hành chính - kháng chiến xã tổ chức cuộc mít tinh, kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ, qua đó, hàng trăm thanh niên xã Kỳ Anh và các xã lân cận hăng hái đăng ký lên đường tham gia Vệ quốc đoàn. Trong những năm 1947 - 1954, Vườn Miếu trở thành nơi hội họp, sinh hoạt của người dân trong vùng.
Ông Nguyễn Thành Lợi - nguyên Huyện đội trưởng Bắc Tam Kỳ cho biết, ngày 29.9.1964, lực lượng du kích xã Kỳ Anh được thành lập tại Vườn Miếu gồm 19 đồng chí, trong đó có 4 đồng chí trinh sát của huyện đội Bắc Tam Kỳ tăng cường, do đồng chí Nguyễn Tấn Sỹ làm Trung đội trưởng. Ngay sau khi thành lập, lực lượng du kích xã Kỳ Anh đã tổ chức nhiều đợt diệt ác phá kiềm, trực tiếp đánh hàng chục trận lớn nhỏ làm tiêu hao nhiều sinh lực địch góp phần giải phóng hoàn toàn xã Kỳ Anh vào tháng 10.1964. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng du kích xã Kỳ Anh đã đánh hơn 1.000 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 3.751 tên địch, diệt gọn 5 trung đội, 1 đại đội biệt kích...; bắn cháy 7 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay HU1A, 1 chiếc tàu rọ và 1 chiếc C130; thu 150 khẩu súng các loại, và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Với thành tích xuất sắc trong 4 năm liền (1965 - 1968), xã Kỳ Anh giữ vững cờ luân lưu của ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trao tặng đơn vị dẫn đầu trong phong trào nhân dân du kích chiến tranh. Bên cạnh những thành tích đó, xã Kỳ Anh cũng có 85 cán bộ, du kích đã anh dũng hy sinh.
Cần được bảo tồn
Ông Phan Xuân Anh - cán bộ quản lý bảo tồn - bảo tàng Trung tâm Văn hóa - thể thao (VH-TT) TP.Tam Kỳ cho biết, hiện vật của lực lượng du kích xã Kỳ Anh hiện còn 1 khẩu súng cạc bin được lưu giữ tại Cơ quan Quân sự thành phố. Một số nhân chứng là cán bộ, chiến sĩ của lực lượng du kích xã Kỳ Anh hiện công tác và sinh sống tại TP.Tam Kỳ và các địa phương khác. Các nhân chứng đã khẳng định Vườn Miếu là một trong những nơi để lại dấu ấn lịch sử. Nhờ có lực lượng du kích mà quân và dân xã Kỳ Anh cũng như cả vùng đông Tam Kỳ và các đơn vị bộ đội địa phương, các đơn vị chủ lực của tỉnh đã bám trụ bảo vệ vùng giải phóng an toàn trong suốt thời gian từ năm 1964 cho đến ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng vào trưa 24.3.1975. Di tích lịch sử Vườn Miếu đã và đang được chính quyền địa phương khoanh vùng, cắm mốc, quản lý bảo vệ hiện trạng. Hằng năm xã tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời tổ chức gặp mặt, giao lưu, ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường và bất khuất của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng du kích tập trung. Hiện trạng di tích đang được UBND xã Tam Thăng và người dân quản lý, bảo vệ để phát huy giá trị di tích Vườn Miếu. Đây sẽ là địa chỉ đỏ, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.
Theo ông Ninh Quang Đại - Giám đốc Trung tâm VH-TT TP.Tam Kỳ, Vườn Miếu hay còn gọi là miếu Bàu Dà vừa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, nâng tổng số di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn thành phố lên 22 di tích. Trong đó có 2 di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia. Được biết, di tích Vườn Miếu vừa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 2330/QĐ-UBND ngày 29.6.2017 của UBND tỉnh. Ngày 18.11, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Thăng sẽ long trọng tổ chức lễ đón bằng di tích Vườn Miếu. Đây là tài sản vô cùng quý báu mà Đảng bộ và nhân dân Tam Thăng nói riêng, TP.Tam Kỳ nói chung, cùng góp sức gìn giữ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tồn tại mà Trung tâm VH-TT thành phố đang tích cực tham mưu các ngành chức năng của tỉnh và thành phố hoàn chỉnh để đưa vào quản lý, khai thác hiệu quả theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC