Di tích ngoài phố cổ Hội An: Ngăn nguy cơ biến dạng

QUỐC HẢI 14/12/2013 08:48

Di tích kiến trúc nằm ngoài khu phố cổ là một bộ phận không thể thiếu của Di sản văn hóa thế giới Hội An. Nhiều biện pháp ngăn chặn nguy cơ biến dạng đã được triển khai.

Hội An hiện có 1.394 di tích, gồm 252 di tích nằm ngoài khu phố cổ với 50 di tích lịch sử, 11 di tích khảo cổ, 183 di tích kiến trúc nghệ thuật và 8 danh thắng. Trong đó có 17 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 26 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 209 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Đó là chưa kể các di tích đang đề nghị xếp hạng và nằm ở các xã phường chưa đưa vào danh mục bảo vệ.

Nguy cơ biến dạng

Còn nhớ 3 năm trước, khi triển khai dự án Khu tái định cư Làng Chài số 3, nhiều người dân Cẩm An đã không khỏi lo lắng khi buộc phải di dời 2 khu lăng Miếu Hội và lăng Thành Hoàng vốn đã gắn bó với mấy thế hệ người dân quê biển. Có người cho rằng, hai di tích đang được cấp hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh này là tài sản văn hóa trong đời sống tín ngưỡng, địa điểm gắn liền với quá trình lịch sử và đời sống tâm linh của người dân nên việc chuyển dời vị trí chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến cộng đồng. Đến nay, dù đã di dời về địa điểm khác được đánh giá là khang trang và tôn nghiêm, nhưng “khoảng trống” và kể cả sự hụt hẫng trong tâm thức người dân khó có thể lấp đầy.

Quản lý và tổ chức bài bản các lễ tục ở di tích cộng đồng.Ảnh: QUỐC HẢI
Quản lý và tổ chức bài bản các lễ tục ở di tích cộng đồng.Ảnh: QUỐC HẢI

Đây chỉ là một số trường hợp di tích nằm ngoài khu phố cổ bị tác động trực tiếp trong quá trình phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Trong số này, không ít di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Thêm vào đó, đã có những trường hợp di tích nằm ngoài khu vực phố cổ được tu bổ không đúng phương pháp, nguyên tắc bảo tồn, nhất là ở các di tích thuộc sở hữu của các tôn giáo. Nhiều di tích chưa được phát huy đúng mức để giáo dục truyền thống và tham quan tại chỗ, thậm chí có di tích còn bị bỏ hoang, không có người chăm nom; việc trùng tu tôn tạo cũng chủ yếu là trông chờ vào Nhà nước. “Hiện vẫn chưa có văn bản pháp quy nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Di sản văn hóa liên quan đến các di tích nằm ngoài khu phố cổ, dẫn đến những điểm chưa thống nhất, bất cập và không kịp thời. Công tác kiểm tra, hướng dẫn về bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích vùng ven cũng chưa thường xuyên” - ông Trần Văn An, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết.

“Làm chưa đến nơi đến chốn”

Trong nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất sự biến động theo chiều hướng tổn hại đến quần thể di tích kiến trúc nằm ngoài khu phố cổ, TP.Hội An đã ban hành danh mục di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn và phân cấp, bàn giao cho các xã phường trực tiếp quản lý các di tích này theo luật định. Nhờ đó, các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh ở vùng ven đều đã thành lập tổ quản lý để thực hiện việc quản lý, bảo vệ, sử dụng di tích. Các di tích nằm trong danh mục của thành phố cũng đã có các tổ quản lý hoặc bàn giao cho đại diện các thôn, khối phố, tổ dân phố trực tiếp quản lý và tổ chức cúng tế hàng năm. Hai năm qua, 29 di tích nằm ngoài khu phố cổ cũng được đầu tư 6,2 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo. Ông Phạm Đức Bàng – người quản lý Tụy Tiên Đường Minh Hương nói: “Tôi thấy một số cơ chế mới ban hành đã khẳng định vai trò, vị trí và giá trị của bộ phận di sản này ngày càng được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn. Phải có sự công bằng đối với tất cả di sản của cha ông”.

Hai năm trước, UBND TP.Hội An đã quyết định hỗ trợ kinh phí bảo vệ 49 di tích trọng điểm trên địa bàn, trong đó di tích cấp quốc gia được hỗ trợ 200 nghìn/tháng, cấp tỉnh 150 nghìn/tháng và 120 nghìn/tháng cho mỗi di tích nằm trong danh mục bảo vệ thành phố. Đó là những nỗ lực bước đầu để chính quyền và cơ quan chuyên môn Hội An tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý, bảo tồn, tôn tạo. Theo ông Trần Văn An, đến nay cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ hệ thống di tích nằm ngoài khu phố cổ cũng được ban hành. Căn cứ trên cơ sở pháp lý và hình thức sở hữu của di tích, tất cả di tích thuộc sở hữu nhà nước đều được đầu tư 100% kinh phí. Riêng các di tích thuộc sở hữu tư nhân, cộng đồng, tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ được Nhà nước hỗ trợ từ 40 - 100% đối với di tích xếp hạng quốc gia, 40 - 75% đối với di tích xếp hạng cấp tỉnh và 30 - 60% đối với di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Riêng các di tích, dấu tích cách mạng và di tích khảo cổ, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí để tu bổ, phục hồi và bảo tồn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Giảng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, dù đã có cơ chế nhưng thành phố vẫn “làm chưa đến nơi đến chốn”. Ông Giảng nói: “Phải tiếp tục khảo sát, lập hồ sơ, nghiên cứu các giá trị của hệ thống di tích này, đồng thời khoanh vùng, bảo vệ và xây dựng những quy định, quy chế cụ thể để quản lý, bảo vệ. Đây việc làm hết sức cần thiết nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa và quy hoạch sử dụng đất đai theo hướng hiện đại. Một điều kiện hết sức quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác này là trách nhiệm của các địa phương và cộng đồng dân cư gắn với từng di tích”.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di tích ngoài phố cổ Hội An: Ngăn nguy cơ biến dạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO