Di tích... ngoài vùng phủ sóng

21/05/2017 06:49

Bảo tồn di tích vẫn luôn cần được coi trọng trong tiến trình phát triển văn hóa của một vùng đất. Thế nhưng bên cạnh những di tích đã được “định danh” cấp quốc gia, cấp tỉnh, thì vẫn còn đó, những công trình lịch sử, những di tích - phế tích nằm ngoài vành đai xếp hạng… Và chúng tôi tự hỏi, liệu những di tích này được bảo vệ như thế nào, tiền đâu, hay chúng sẽ trôi vào quên lãng, theo cuộc phát triển chóng vánh của đời sống?

Địa đạo Bình Giang được người dân phát hiện và giữ gìn. Ảnh: L.Q
Địa đạo Bình Giang được người dân phát hiện và giữ gìn. Ảnh: L.Q

CHỜ XẾP HẠNG

Hàng loạt di tích chưa xếp hạng đang tùy thuộc vào sự quan tâm của người làng, làng xã. Ở những nơi chính quyền cơ sở và người dân có sự chú trọng thì những di tích sẽ được bảo quản, còn ngược lại, thì mặc mưa nắng thời gian xói mòn.   

Người dân... tự giữ

Trong câu chuyện với những người quản lý văn hóa ở cấp… xã, điều mà nhiều nơi mong muốn, chính là sự quan tâm từ cấp lãnh đạo cao hơn đối với những di tích chưa được xếp hạng, lẫn những công trình nằm trong danh mục được bảo vệ bằng việc cắm mốc, dựng bia hay thiết lập vành đai bảo vệ. Trước khi có những văn bản quy định về việc xếp hạng di tích, thì mọi di tích, đều bình đẳng trong việc điều phối quản lý, đầu tư bảo tồn. Tuy nhiên, sau khi được xếp hạng, thì việc bỏ ngỏ các di tích chưa có “danh phận” là điều vẫn thường xảy ra. “Không phải vì địa phương không quan tâm, nhưng trong các hạng mục đầu tư thì lại không có kinh phí cho các công trình chưa được xếp hạng cấp tỉnh. Nếu địa phương có điều kiện thì hằng năm vẫn tổ chức những đợt kiểm tra, vận động người dân giữ gìn” - ông Bríu Quân, Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng (huyện Tây Giang) chia sẻ. Theo ông Quân, tại địa phương mình có rất nhiều di tích, chủ yếu nằm ở các địa điểm về những trận đánh, khu sản xuất của bộ đội Lam Sơn hay Kho tập kết thực phẩm miền Nam. “Ở thôn Rờ Bượp có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng nhưng chúng tôi vẫn chưa có điều kiện để lập hồ sơ đề nghị công nhận. Người dân kiến nghị phải có bia ghi nhận ở các địa điểm này và nếu có điều kiện thì sau này làm một khuôn viên” - ông Quân nói thêm. Ý thức được tầm quan trọng của những địa chỉ đỏ này, người dân A Tiêng rất tôn trọng và coi những nơi này như một chốn quý giá và dặn nhau không được xâm phạm. “Dân A Tiêng mình nói là nếu không có những nơi này thì không thể nào có giải phóng, nên họ rất quý nó, mặc dù những địa điểm này không được hỗ trợ để khoanh vùng bảo vệ” - ông Quân cho biết.

Phát hiện giếng cổ ngàn năm từ thông tin người dân, hồi tháng 4.2017. Ảnh: L.Q
Phát hiện giếng cổ ngàn năm từ thông tin người dân, hồi tháng 4.2017. Ảnh: L.Q

Tuy vậy, trong nhiều năm qua, bên cạnh những di tích được xếp hạng và được pháp luật bảo vệ, vẫn có những di tích chưa được xếp hạng, hàng ngày phải đối đầu với nguy cơ bị lấn chiếm, bị tàn phá, mà chính quyền dẫu có biết cũng không thể can thiệp. Lúc này, người dân cùng với những ký ức về quê hương mình, đã tự nhủ nhau rằng, nếu mình không giữ lấy những “chứng tích” này, thì mai sau, con cháu mình không hề biết gì về cha ông nó. Ông Trương Hoàng Lâm (Bình Giang, Thăng Bình) cho biết, hơn 50 năm trước, ở thôn của mình rất nhiều hầm và địa đạo. “Những năm 1964 - 1965, người dân Bình Giang đào thêm rất nhiều hầm, địa đạo ngay bên cạnh nhà để trốn địch và nuôi giấu bộ đội. Địa đạo được đào dưới các bụi tre trong làng để tận dụng các ống tre làm lỗ thông hơi lấy khí. Năm 2015, sau 50 năm, khi chúng tôi phát lộ ra được một hầm địa đạo dài đi xuyên qua nhiều ngôi nhà, dù chưa có hỗ trợ từ phía chính quyền, thì người dân chúng tôi vẫn một mực giữ lấy, không cho phép ai xâm hại” - ông Lâm nói. Cũng như vậy, ở góc độ một người quản lý văn hóa lâu năm, ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng VHTT huyện Tiên Phước nói, người dân ý thức rất cao về việc gìn giữ những di tích đang tồn tại trong ngôi nhà, trên mảnh đất của mình, dù nó có hay không được xếp hạng là cấp tỉnh hay quốc gia.

Đẩy khó... về cơ sở

Giáo sư Hoàng Đạo Kính từng cho rằng, việc công nhận hay xếp hạng hàng loạt di tích, vô hình trung đưa các di tích vào một cuộc “chạy đua xếp hạng”. Và cũng từ đây, những tiêu cực, những nỗi buồn bắt đầu nảy sinh. Những di tích được xếp hạng “sống một đời sống khác”, với việc phân chia rạch ròi là chính danh và vô danh, để nảy sinh thái độ “phân biệt đối xử”, bắt đầu từ động thái bảo tồn. “Người ta trọng phía được xếp hạng chừng nào, thì người ta lại bỏ mặc phía chưa xếp hạng chừng ấy. Số phận các di tích chưa xếp hạng thường bấp bênh cho đến khi, hoặc là được xếp hạng, hoặc là bị “thanh toán”, nếu dân sở tại không tự giác đứng ra bảo vệ, tôn tạo” - giáo sư Hoàng Đạo Kính nói. Nhưng theo ông, tất cả di tích - đã được xếp hạng và chưa (hay không) được xếp hạng - đều là di sản lịch sử - văn hóa của dân tộc, do nhân dân sáng tạo ra... Đồng quan điểm này, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, việc xếp hạng di tích cần phải đắn đo cân nhắc, còn không sẽ cào bằng và tạo nên sự chênh lệch về mức độ quan tâm bảo tồn của mỗi địa phương. (L.Q)

Theo ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng VHTT huyện Tiên Phước, bằng cách nào có thể dung hòa được mối quan tâm cho tất cả di tích trên địa bàn, là một việc khó với địa phương. Hiện tại, Tiên Phước có 15 di tích trong đó có 2 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh, hiện tỉnh làm hồ sơ cấp quốc gia cho làng cổ Lộc Yên và di tích lịch sử Cây Cốc. Địa phương cũng đã đệ trình hồ sơ lên cấp tỉnh về di tích Vực Tròn (Tiên Lãnh) và nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên Thạnh Bình (Tiên Cảnh). Ông Dung nói, nếu có điều kiện, Tiên Phước còn rất nhiều di tích có thể lập hồ sơ để xếp hạng di tích, tạo điều kiện tốt hơn cho việc quan tâm bảo tồn. “Các địa phương hiện giờ, không chỉ riêng Tiên Phước, tôi nghĩ đều gặp khó ở cơ chế hỗ trợ, nhất là những di tích lịch sử cách mạng. Thứ hai, nếu muốn lập hồ sơ cho di tích, thì lại vướng phải việc lập bản đồ giải thửa. Công đoạn này rất mất thời gian và tốn tiền của” - ông Dung nói. Theo luật, một bộ hồ sơ đệ trình công nhận di tích, ngoài lý lịch di tích còn phải có bản đồ giải thửa - điều này liên quan trực tiếp đến trung tâm quyền sử dụng đất. Ngoài ra, khi các hộ có đất sở hữu trên đất di tích, nếu di tích nằm trong khu vực dân cư hay đất vườn thì người dân lại khó hợp tác vì tâm lý sợ nhà nước sẽ lấy đất đó.

Người dân lâu nay vẫn bị ám thị về quyền sở hữu ngầm này. Rằng khi đồng ý công nhận di tích, thì bất cứ các thao tác giao dịch, sửa chữa phần đất trực thuộc đó, phải thông qua nhà nước với nhiều thủ tục. Câu chuyện này lại lần nữa nhắc đến việc đệ trình hồ sơ công nhận di tích cấp quốc gia ở khuôn viên nhà Mẹ Thứ, khi những người liên quan trong gia đình chưa có sự đồng thuận, xuất phát từ tâm lý này. Các chủ sở hữu di tích không mong muốn di tích của mình được xếp hạng. Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, nhiều di sản, di tích đích thực nằm ngoài vùng xếp hạng vì tâm lý của chủ di tích. “Có một thực tế là nếu không cần danh thì chủ sở hữu các di tích sẽ hết sức thận trọng trong việc nộp đơn đề nghị được xếp hạng. Thậm chí, một số chủ sở hữu di tích đã “bước vào” vùng xếp hạng giờ lại muốn “bước ra”. Chính những quy định, thủ tục rườm rà và cứng nhắc đối với nhiều hoạt động, từ bảo quản, tu bổ đến phục hồi, đang gây phiền hà cho nhiều chủ sở hữu di tích” - ông Huy nói.

Cùng với đó, cấp cơ sở ngoài việc chưa có kinh phí tu bổ, bảo tồn hay giữ nguyên hiện trạng di tích chưa xếp hạng, hiện nay ở cấp huyện không có chức năng và quyền hạn ban hành cơ chế chính sách. “Có một thời gian huyện thông qua nghị quyết về hỗ trợ trùng tu nhà cổ chưa được xếp hạng, nhưng sau đó phải thu hồi. Huyện có tiền thì cũng chịu, vì cơ chế không cho phép. Hiện nay chúng tôi hy vọng ở Đề án 548 đang thông qua về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái, xây dựng Tiên Phước thành đặc trưng trung du xứ Quảng... Nếu được thì đây sẽ là đề án hỗ trợ cho các hộ dân đang sở hữu nhà cổ lâu năm ở Tiên Phước nhưng chưa được xếp hạng di tích…” - ông Dung chia sẻ. (LÊ QUÂN)

ĐÁNH MẤT GIÁ TRỊ DI TÍCH

Quảng Nam, ngoài các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và đưa vào danh mục bảo vệ, hiện còn có 417 di tích chưa được xếp hạng. Các di tích này đang ngày càng xuống cấp, trở thành phế tích hoặc biến mất do không được bảo vệ thích đáng.

Di sản địa chất ở Tam Hải đang được nghiên cứu. Ảnh: TÂM THƯ
Di sản địa chất ở Tam Hải đang được nghiên cứu. Ảnh: TÂM THƯ

Xuống cấp, hoang hóa  

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh - cho biết, theo Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, chỉ có hai khái niệm là di tích cấp tỉnh và di tích cấp quốc gia. Những di tích khác, chưa được xếp hạng, thì giao cho chính quyền cấp huyện bảo vệ, bảo quản. Ở Quảng Nam, tùy theo mỗi địa phương, cấp huyện ra quyết định hoặc không ra quyết định, giao cho cấp xã quản lý các di tích loại này. Cứ 5 năm một lần, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh phối hợp với huyện tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng các di tích đó. Qua đó, rà soát, hệ thống lại; chọn lựa những di tích có giá trị, hội đủ tiêu chí, thì kiến nghị địa phương lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận, xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Qua kiểm kê của cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương, cả tỉnh hiện có 417 di tích chưa được xếp hạng, gồm các loại hình di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ, danh thắng. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các địa phương: Điện Bàn (118 di tích), Duy Xuyên (42), Phú Ninh (51)... Tuy nhiên, điều đau lòng là hầu hết di tích này đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng, trở thành phế tích hoặc biến mất. Như ở huyện Điện Bàn, trong số 118 di tích, thì chỉ có 32 còn tốt, số còn lại thì xuống cấp, biến dạng, đã thành phế tích. Chỉ một số rất ít được xây bia di tích. “Có tình trạng nhiều di tích chưa xếp hạng ở cơ sở bị xâm hại, mất mát, phần lớn hoang hóa, biến dạng. Những di tích có chủ, đang sử dụng thì thường được bảo vệ khá tốt, như các đình chùa, nhà cổ..., nhưng cũng bị biến dạng do điều kiện sử dụng và yếu tố thời gian. Còn những di tích như khảo cổ hoặc phế tích thì đa số bị bỏ hoang hóa, thậm chí mất hết dấu vết hoặc bị những công trình, những dự án phục vụ nhu cầu hiện đại đè chồng lên” - Ông Cẩm nói.

Thiếu cơ chế bảo vệ

Theo ông Cẩm, thực trạng mất mát dần các giá trị của di sản quá khứ là bởi cơ chế bảo vệ không tốt. Có tình trạng “cha chung không ai khóc” xảy ra ở một số di tích nằm xa khuất, hẻo lánh, hoặc không có công năng sử dụng phục vụ nhu cầu đời sống hiện tại. Ở những địa phương mà phòng văn hóa huyện có sự quan tâm, có chuyên môn, cấp xã tâm huyết, thì họ có thể tham mưu cấp chính quyền khoanh vùng, bảo vệ, dựng bia di tích. Nhưng hiện nhiều địa phương còn khó khăn về nguồn lực kinh tế, hoặc đặt trọng tâm phát triển kinh tế, nên thiếu sự quan tâm đầu tư kinh phí để khoanh vùng, bảo vệ các di tích. Cũng có một sự thật, là người dân bản địa nhiều lúc vì không hiểu rõ giá trị các di tích - vết tích còn lại của tiền nhân, nên không coi trọng, dẫn đến xâm hại, cải đổi, sử dụng cho mục đích mới. Phương án tối ưu cho các di tích này là tìm phương án để bảo vệ, chứ chưa dám nói đến phát huy giá trị, bằng cách tìm kiếm các giá trị để lập hồ sơ xếp hạng, đưa vào danh mục bảo vệ, bên cạnh nâng cao nhận thức, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng, chủ di tích. Song ông Cẩm cũng thừa nhận, việc đánh giá đầy đủ các giá trị di tích vẫn còn nhiều khó khăn, do vấn đề hồ sơ, cứ liệu lịch sử... để xác nhận giá trị của di tích. Ông Cẩm lấy ví dụ: Chuỗi miếu thờ Bà, cùng tín ngưỡng thờ Mẫu ở các xã vùng đầu nguồn sông Vu Gia thuộc huyện Đại Lộc, có ý nghĩa rất đặc biệt đối với cộng đồng cư dân bản địa. Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh, qua khảo sát, đánh giá, đã khuyến khích địa phương lập hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận di tích, nhưng kết quả cũng không thành công vì thiếu tư liệu.

Dù những di tích này chưa hội đủ các điều kiện để được xếp hạng, bảo vệ, nhưng ít nhiều chúng cũng lưu giữ vết tích của lịch sử, vùng đất, con người - có lẽ, chỉ từng đó cũng đủ để chúng được bảo vệ, để các thế hệ sau không bị đánh mất ký ức. (TRƯƠNG TÂM ĐĂNG)

ÔNG ĐINH HÀI - GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL: ĐÁNH GIÁ KHÔNG ĐÚNG, SẼ ĐÁNH MẤT KÝ ỨC

Về thực trạng các di tích chưa xếp hạng cùng những bất cập trong công tác đánh giá, bảo vệ  trên địa bàn tỉnh, PV Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL. Ông Hài  cho rằng, về lâu dài, bất cứ di tích, dấu vết nào của cha ông để lại, những giá trị của vùng đất đều phải được bảo vệ để tiếp tục nghiên cứu và lưu giữ, cho hậu thế, nếu đánh giá không đúng hoặc nhận thức chưa đúng mức công tác này, thì sẽ đánh mất ký ức của vùng đất, của lịch sử.

PV: Quan điểm ứng xử của tỉnh đối với những di tích chưa xếp hạng như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Hài đưa ra một ví dụ gần đây nhất về việc chưa nhận thức được hết giá trị các di sản dẫn đến mất mát, đó là di sản địa chất ở các xã Tam Hải – Tam Quang (huyện Núi Thành). Nếu các đơn vị chức năng kịp phát hiện sớm, bảo vệ sớm, thì sẽ không xảy ra việc hòn Ông Đụn – Bà Che ở Tam Hải ngã đổ xuống biển và mất luôn vào năm rồi. Theo nghiên cứu bước đầu của các nhà chuyên môn, thì đây là loại đá biến chất có niên đại 500 - 800 triệu năm - di sản địa chất duy nhất ở Việt Nam đến thời điểm này. Sắp tới, trong tháng 6.2017, các ngành liên quan của tỉnh sẽ phối hợp với các nhà khoa học tổ chức hội thảo khoa học đánh giá, nhận diện giá trị di sản địa chất này tại huyện Núi Thành.

- Đối với các di sản của quá khứ, tỉnh đều quan tâm. Phải nói rằng, Quảng Nam có vị trí khá đặc biệt: Sớm có con người sinh sống; là vùng đất phên giậu mở về phương Nam khi nhà Trần lấy hai châu Ô – Rí; chứng kiến nhiều đợt di dân lớn từ phía bắc vào; gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, vì vậy để lại nhiều di sản quá khứ, nhiều tầng văn hóa như Sa Huỳnh, Chămpa và sớm hơn nữa... Có thể nói, di sản, dấu vết lịch sử, văn hóa để lại trên vùng đất này là ngồn ngộn, đa dạng loại hình. Tôi cho rằng, đối với các di sản của quá khứ, chúng ta cần phải đánh giá một cách đầy đủ và trân trọng, để lưu giữ cho mai hậu.

PV: Ông có thể nói rõ hơn, cụ thể hơn?

- Ngay từ khi chia tách tỉnh, Sở VH-TT&DL đã tham mưu tỉnh ra các quyết định về bảo tồn, nghiên cứu đánh giá các di sản trên địa bàn, và đã lập hồ sơ công nhận các di sản cấp tỉnh, đề nghị trung ương công nhận các di tích quốc gia. Tỉnh cũng đã có các quyết định, phương án đầu tư kinh phí trùng tu, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích cấp tỉnh, quốc gia, lên danh mục thực hiện hàng năm, cho đến năm 2020... Đối với các di tích chưa xếp hạng, lâu nay, chia thành các bước để thực hiện việc bảo vệ. Sau khi chính quyền và cộng đồng dân cư phát hiện di chỉ, vết tích của quá khứ, thì ngành chuyên môn tiến hành kiểm kê, đánh giá, phân loại. Sau đó, đề nghị các cấp xem xét công nhận di tích để đề ra phương án bảo vệ. Trong đó, các địa phương cơ sở phải đảm nhận vai trò lớn nhất trong công tác bảo vệ các di tích này.

PV: Thực tế là nhiều di tích chưa xếp hạng hiện vẫn chưa được bảo vệ thích đáng, và có nguy cơ bị biến mất, vì sao?

- Đầu tiên phải thừa nhận là năng lực của ngành chuyên môn, của địa phương chưa đáp ứng. Nhiều nơi, nhiều lúc chưa thể hiện sự quan tâm đúng mức đối với di sản, chưa thấy hết giá trị của di sản cha ông để lại. Vì thế, nhiều di tích có giá trị nhưng chưa được xếp hạng đã bị xuống cấp. Chưa kể, nhiều lúc do vô tình, do thiếu kiến thức, chúng ta đã để chúng biến mất. Để giải quyết những bất cập lâu nay, sở đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục kiểm kê, đánh giá một cách đầy đủ, thận trọng tất cả di tích chưa được xếp hạng, bởi lâu nay việc kiểm kê là chưa đầy đủ, chưa nghiên cứu kỹ lưỡng. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân cần có sự quan tâm hơn nữa với các di sản quá khứ; từng địa phương cần có kế hoạch và dành nguồn lực thích hợp cho công tác bảo vệ, lập hồ sơ và đánh giá giá trị các di tích, và có sơ kết đánh giá nghiêm túc, để có thể bảo vệ tốt nhất các di tích, tiến đến công nhận và phát huy giá trị các di sản của cha ông để lại. (TÂM THƯ (thực hiện))

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di tích... ngoài vùng phủ sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO