Di tích ở nông thôn

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 08/10/2017 11:00

Khi đề cập các di tích ở nông thôn, chúng ta thường nói đến các di tích văn hóa từ thời Chămpa, các di tích văn hóa - lịch sử - danh nhân hoặc kiến trúc được xếp hạng. Bên cạnh các di tích tuy được xếp hạng nhưng việc quản lý bảo vệ còn khá lỏng lẻo, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến nơi yên nghỉ của các bậc tiền hiền mỗi tộc họ.

Với vai trò là những người tiên phong đi vào Đàng Trong quy dân lập ấp, phát triển tộc họ, xây dựng quê hương mới rồi được tôn vinh là tiền hiền, đã đóng góp một vai trò quan trọng trong quá trình mở cõi. Nơi yên nghỉ của họ ngày nay được con cháu các dòng tộc giữ gìn, cũng là những di tích hết sức có ý nghĩa… Sự bền vững trong văn hóa làng có phần quan trọng của văn hóa tộc họ. Ở mỗi làng, việc tôn tạo, giữ gìn lăng mộ của tiền hiền các tộc họ luôn được coi trọng. Đó là một phần không thể thiếu trong bức tranh di tích lịch sử - văn hóa ở nông thôn. Bên cạnh đó, các danh nhân đất Quảng tuy không phải là tiền hiền, nhưng đã góp phần quan trọng trong lịch sử cũng đã được tôn vinh.

Tuy vậy vẫn còn một thực trạng đáng buồn… Gần đây tôi có dịp đến xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) - nơi có các di tích liên quan đến các chúa Nguyễn, như lăng mộ bà Mạc Thị Giai, Nguyễn Phúc Kỳ và nhất là di tích quốc gia - lăng mộ Đoàn Quý Phi - bà chúa Tàm Tang nổi tiếng. Ngoài hai di tích bà Mạc Thị Giai và ông Nguyễn Phúc Kỳ được con cháu sống ở địa phương (một trong 4 chi Nguyễn Phúc định cư ở Duy Sơn) trông coi, còn di tích bà chúa Tàm Tang lại hoang phế và hư hại nhiều hạng mục. Vài chậu trồng hoa có lẽ từ rất lâu đã nghiêng ngả và tất nhiên chẳng có chút màu xanh nào. Đây có lẽ là nơi mà trâu bò hay súc vật thường vào nên có rất nhiều “chất thải” của chúng. Muốn tìm đường vào, chúng tôi đã phải rúc qua vài trăm mét bụi rậm quanh tường rào…

Tình trạng này không chỉ có ở Duy Xuyên mà còn ở nhiều nơi khác do quy định về việc thành lập các ban quản lý di tích hoặc tổ quản lý chỉ mới có trên văn bản mà chưa có thực, nên việc buông lỏng quản lý các di tích được xếp hạng ở nông thôn là khá phổ biến.

Chúng ta biết rằng từ năm 1985, Bộ Văn hóa đã có hướng dẫn về phân cấp quản lý các di tích tại Thông tư 3011-VHTT. Theo đó, “các di tích đã được Bộ Văn hóa công nhận, giao cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý toàn diện…” . Tại Quảng Nam, Quy chế phân cấp quản lý di tích đã được UBND tỉnh ban hành năm 2015. Tại điều 5 Quy chế phân cấp xác định: UBND tỉnh phân cấp cho các đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm về bảo vệ và khai thác di tích trên địa bàn theo đúng luật định, bao gồm: di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, giao UBND các huyện, thành phố trực tiếp quản lý. Tại điều 6 và điều 10 quy định các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích:

1. Các di tích đã được xếp hạng nhưng chưa có điều kiện phát huy giá trị phải được bảo vệ nguyên trạng. Khi có dấu hiệu xuống cấp hoặc bị xâm hại, UBND xã, phường, thị trấn quản lý trực tiếp phải có phương án bảo vệ kịp thời và báo cáo cơ quan chức năng cùng phối hợp bảo vệ, tu bổ.

2. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện di tích có dấu hiệu xuống cấp phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đóng trên địa bàn biết để có biện pháp xử lý.

Tuy phân cấp quản lý di tích về địa phương nhưng hoàn toàn không phải khoán trắng cho cấp huyện. Sở VH-TT&DL sẽ chịu trách nhiệm tham mưu các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng quy hoạch tổng thể về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trình UBND tỉnh quyết định.

Tiếc rằng, ngoài 2 di tích quốc gia đặc biệt là các Di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn, nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh ở các địa phương vẫn chưa được thật sự quan tâm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức chung của toàn xã hội và mục đích giáo dục từ các di tích danh nhân, các di sản văn hóa lịch sử.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Di tích ở nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO