Với việc lập hồ sơ khoa học di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích Chiến thắng Núi Thành, việc nâng tầm ý nghĩa và tạo sức lan tỏa của “địa chỉ đỏ” này đang được các cấp, ngành tập trung thực hiện.
Chưa xứng tầm
Được chính thức công nhận di tích cách mạng cấp Quốc gia vào năm 1979, nhưng phải đến năm 1984, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) mới khởi công xây dựng tượng đài Chiến thắng Núi Thành tại núi Phú Huề (xã Tam Nghĩa), và đến năm 1995 mới hoàn thành. Đến nay, tượng đài này đã qua 3 lần tu bổ, sửa chữa.
Theo ghi nhận của địa phương, hiện nay khu vực cấp thoát nước và cấp điện của công trình bị xuống cấp trầm trọng, các công trình phụ trợ phục vụ cho khu di tích đặc biệt khu vực đồi 49 và khu Yên Ngựa (nơi diễn ra trận đánh) gần như không có gì. Hệ thống giao thông dẫn lên khu di tích được xây dựng bằng bê tông, đi bộ lên các bậc tam cấp. Con đường còn lại dành cho ô tô phải băng qua khu khai thác đá Chu Lai, cây bụi mọc um tùm, đầy bụi đá lởm chởm. Các hạng mục nhà tiếp khách, bảo vệ đã xuống cấp nghiêm trọng và hư hại. Đáng nói, việc khai thác đá ở mỏ đá sát bên tượng đài lâu nay vẫn ảnh hưởng lớn đến công trình di tích.
Ông Huỳnh Văn Cường - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa - thông tin (VHTT) huyện Núi Thành chia sẻ, sau nhiều lần góp ý về dự án phục dựng di tích Chiến thắng Núi Thành từ Cục Di sản văn hóa và Bộ VH-TT&DL, năm 2010, UBND huyện Núi Thành đã ra quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến thắng Núi Thành với tổng mức đầu tư dự án xấp xỉ 9,6 tỷ đồng. Cũng trong năm này, hạng mục đầu tư sân bãi, đường vào, bậc cấp lên tượng đài và điện chiếu sáng với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng đã được hoàn thành, quyết toán. Tuy nhiên, qua nhiều năm, công trình lại tiếp tục xuống cấp.
“Năm 2015, từ nguồn ngân sách huyện, Trung tâm VH-TT huyện đã làm chủ đầu tư hạng mục sửa chữa tượng đài và hệ thống điện chiếu sáng với kinh phí khoảng 800 triệu đồng. Trước tình hình xuống cấp của di tích và nhằm thực hiện quy hoạch tổng thể, xây dựng các hạng mục ngang tầm với ý nghĩa lịch sử của di tích, địa phương đã nhiều lần kiến nghị và được tỉnh đồng ý về việc quy hoạch, xây dựng nâng cấp. Hiện nay, huyện giao ban quản lý dự án khảo sát và lập khái toán kinh phí tu sửa với tổng kinh phí khoảng 13,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện đảm bảo 6 tỷ đồng, phần còn lại đề nghị tỉnh hỗ trợ” - ông Cường thông tin.
Tìm cách gỡ khó
Hồ sơ khoa học di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích Chiến thắng Núi Thành được lập, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhiều chỉ đạo quan trọng đã được đưa ra. Năm 2019, Tỉnh ủy thống nhất chủ trương đầu tư di tích Chiến thắng Núi Thành, đồng thời giao địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để quy hoạch, lập dự án trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, trong đó ưu tiên vận động xã hội hóa đầu tư. Cuối tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã có chỉ đạo cụ thể đối với địa phương sau chuyến kiểm tra thực tế tại di tích.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thông tin, địa phương đã chủ động rà soát toàn bộ các vấn đề liên quan, kiểm tra hồ sơ và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ khoa học di tích Quốc gia đặc biệt. Huyện đang khẩn trương xác định lại tọa độ, ranh giới, vị trí, diện tích cũng như toàn bộ các hồ sơ lưu trữ. Khó khăn hiện nay, bên cạnh vấn đề đầu tư, nâng cấp thì khu vực nơi xảy ra trận đánh Núi Thành ở đồi Yên Ngựa thuộc địa bàn xã Tam Nghĩa là khu vực đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý, song người dân địa phương hiện canh tác trồng keo khá nhiều. UBND huyện đã giao Phòng VH-TT và chính quyền xã làm việc với các hộ dân để phổ biến chủ trương, tạo điều kiện cho bà con canh tác song phải chủ động bàn giao mặt bằng khi thực hiện dự án. Ngoài ra, sự tồn tại của mỏ đá đang khai thác cũng làm ảnh hưởng đến môi trường, lấn chiếm di tích. Về lâu dài, nếu mỏ đá này tiếp tục hoạt động sẽ ảnh hưởng không tốt, nên UBND huyện cũng đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên - môi trường và các đơn vị liên quan để có biện pháp phù hợp, bảo vệ được cảnh quan, môi trường, tiến tới phát huy tốt hơn các giá trị của di tích trong thời gian đến.