Thương hiệu gà tre đèo Le cũng giống như rượu Hồng Đào, dẫu không còn nguyên gốc nhưng vẫn đủ sức níu lòng khách thập phương…
|
Các quán dưới chân đèo Le đều trưng biển tiếp thị phục vụ món đặc sản “gà tre” chính hiệu. |
Trước khi thâm nhập thực tế tìm giống gà tre như lời đồn đại, chúng tôi vào gõ từ khóa “gà tre đèo Le” thì chỉ mất 0,33 giây, Google cho ra 136.000 kết quả có liên quan. Điều đó cho thấy món gà tre đèo Le đã được rất nhiều thực khách biết đến. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thực khách, dưới chân đèo Le (thôn Lộc Thượng 2, xã Quế Long, Quế Sơn), người ta mở gần chục quán nhậu lớn nhỏ chuyên phục vụ món đặc sản gà tre đèo Le. Thực khách đến các quán khá đông, phần lớn là người từ các địa phương khác đến. Biết chúng tôi đang tìm hiểu về giống gà tre đèo Le “trứ danh” của quê mình, ông Lê Tấn Hóa (thôn Lãnh An, xã Quế Long) quả quyết: “Địa phương làm gì có giống gà đó mà các chú tìm kiếm tốn công”. Ông Trương Công Tiên (thôn Lộc Thượng 2) góp thêm câu chuyện, giống gà địa phương nuôi ngày trước là giống gà bản địa thuần chủng nên nhỏ con, chậm lớn, nuôi 6 tháng trọng lượng tối đa cũng chỉ 600 - 900g/con. Nuôi không có hiệu quả kinh tế nên không ai nuôi nữa, mất giống. “Hiện các quán đi lùng mua khắp nơi, hễ gà nuôi đạt trọng lượng 600 - 900g (khoảng 70 - 80 ngày tuổi), có cặp chân thon nhỏ là họ mua ngay” - ông Tiên nói.
Trong thời gian cất công tìm giống gà tre đèo Le, chúng tôi phát hiện một điều khá thú vị: gà đèo Le phải được chế biến bằng nguồn nước của địa phương thì thịt gà mới được thơm ngon “đúng vị”. Ông Lê Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Quế Long kể, vài năm trước khi người thân của ông mới mở quán gà đèo Le ở Đà Nẵng, mỗi ngày phải mua cả trăm lít nước ở suối Mát - giữa chân đèo Le, gửi xe hàng chở ra tận nơi để dùng chế biến thịt gà. Dần dà tính toán thấy buôn bán không có lời nên không mua nước nữa. Nay chỉ mua gà mang ra tự chế biến theo cách riêng.
Một chủ quán dưới chân đèo Le cho biết, trung bình mỗi ngày quán chị làm thịt khoảng 30 con gà phục vụ thực khách, vào những ngày lễ có khi lên đến 300 con. Hiện mỗi con gà (trọng lượng khoảng 700g) được chế biến, dọn lên mâm có giá 140.000 đồng. Khi chúng tôi hỏi có đúng là gà tre đèo Le chính hiệu như lời tiếp thị trên biển hiệu hay không thì chị chỉ tủm tỉm cười: “Nếu có gà tre thì cũng không đủ để phục vụ nhu cầu của khách. Hầu hết các quán ở đây đều thu mua loại gà kiến, gà ta nuôi tại địa phương. Gà được nuôi thả vườn, được chế biến theo bí quyết riêng của mỗi quán nên món thịt gà nơi đây rất được thực khách ưa chuộng”.
HÀN GIANG - VĂN TOÀN