Cũng như Simhapura - kinh thành Sư Tử ở Trà Kiệu (Quảng Nam), Vijaya (thành Đồ Bàn, Bình Định) từng là kinh đô của vương quốc cổ Chămpa, đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng nhất của vương quốc từ thế kỷ 11 - 15. Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa nổi tiếng, gốm cổ đã trở thành một phần rất quan trọng trong di sản văn hóa Chămpa.
Các nhà khảo cổ tham quan điểm khai quật khảo cổ học về gốm Chăm. Ảnh: T.VỊNH |
Thời thịnh trị của vương triều Vijaya, gốm Chăm không những sản xuất cho thị trường nội địa rộng lớn mà còn tham gia con đường thương mại quốc tế và nó có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trải dài từ vùng Đông Nam Á tới tận vùng Trung Cận Đông xa xôi. Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long - kinh đô nổi tiếng của Đại Việt xưa, những đồ gốm đặc sắc của Chămpa cũng đã được tìm thấy. Đây là bằng chứng sống động, phản ánh vai trò và sự góp mặt quan trọng của gốm Chăm trong đời sống hoàng cung Thăng Long xưa. Ở Đông Nam Á, gốm Chăm Bình Định được tìm thấy tại đảo Tuiman (Malaysia) và di chỉ mộ táng ở Santa Ana, bán đảo Calatagan và hàng loạt di chỉ khác trên các quần đảo ở Philippines. Tại Indonesia và Brunei, gốm Chăm Bình Định cũng được tìm thấy tại các di tích đền thờ Hồi giáo nổi tiếng hay trong các di chỉ cư trú hoặc mộ táng.
Đáng lưu ý là năm 1995, tại di tích tàu đắm ở vùng biển gần đảo Pandanan (Philippines) người ta đã tìm thấy 4.722 hiện vật, trong đó có 70% là đồ gốm Việt Nam, chủ yếu là gốm Chăm Bình Định. Gốm Chăm Bình Định còn được tìm thấy tại di chỉ Al Tur trên đảo Sinai (Ai Cập), bên bờ phía tây vịnh Suez và Junfar, thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Trong các sưu tập đồ gốm Chăm ở đây có rất nhiều loại bình, vò lớn, trang trí hoa văn khắc chìm hoặc đắp nổi mang đặc trưng của văn hóa Chămpa mà hiếm nơi nào ở trong nước có được. Các loại bình, vò hiếm quý này một phần được lưu giữ trong các bảo tàng, một phần thuộc sở hữu của các sưu tập tư nhân giàu có ở Indonesia và Philippines. Tuy nhiên, các học giả nước ngoài và các nhà sưu tập ở Indonesia và Philippines dường như không biết rõ xuất xứ của những món đồ gốm quý giá mà họ sở hữu, và cho là gốm của Trung Quốc.
Một số hiện vật khai quật từ địa điểm khai quật khảo cổ gò Cây Me. |
Qua thời gian dài tồn tại, phát triển, gốm Chăm Bình Định bị thất truyền từ năm 1471, sau khi Vijaya sáp nhập lãnh thổ Đại Việt. Sau này, xung quanh thành Đồ Bàn, người dân phát hiện nhiều mảnh gốm lộ thiên hoặc đồ gốm từ lòng đất. Các cuộc tìm kiếm, khai quật khảo cổ về gốm Chăm bắt đầu được chú ý. Từ thập niên 1990 đến nay đã có 7 cuộc khai quật khảo cổ học tại các trung tâm sản xuất gốm lớn, phân bố dọc đôi bờ sông Côn - con sông lớn, có vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của vương quốc Vijaya, kết nối với vùng Thượng - Tây Nguyên. Kết quả khai quật đã tìm ra được 6 khu lò sản xuất gốm, đó là Gò Sành, Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), Gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn), Gò Ké, Gò Hời và Gò Giang (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn).
Gốm Chăm trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. |
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Định tiến hành khai quật di chỉ Gò Cây Me. Đây cũng là cuộc khai quật đầu tiên tại khu di chỉ gốm vốn được xem là có vai trò rất quan trọng trong hệ thống di chỉ gốm Chăm cổ. Các nhà khảo cổ đã phát lộ dấu tích còn khá hoàn chỉnh của các lò nung gốm. Mặc dầu đã qua nhiều thế kỷ nhưng hình dáng phần tường lò vẫn còn rất rõ. Tại các hố khai quật còn phát hiện hàng ngàn hiện vật gốm, chủ yếu là gốm hoa nâu, men ngọc, men trắng. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là các mảnh bình gốm hoa nâu kích thước lớn, trang trí đẹp, có hình rồng in nổi, in chìm... Điều thú vị nhất là các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều loại bình, vò gốm ở Gò Cây Me, Trường Cửu tương tự như đồ gốm đào được tại hoàng thành Thăng Long. Theo PGS-TS. Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, rất có thể đây là đồ gốm cổ cùng nằm trong những cống phẩm mà sứ thần Chiêm Thành mang đến Thăng Long tiến cống cho vua Đại Việt. Đáng chú ý là tại cuộc khai quật di chỉ Gò Cây Me năm 2017, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 2 mảnh khuôn in cành hoa cúc và hình rồng cùng mảnh bình gốm men nâu in hình đầu rồng khá đẹp. Rồng có đầu to, mắt tròn, thân hình ngắn, uốn khúc đơn giản, chân to dài và dang rộng hai bên, bàn chân có 4 móng. Các hoa văn này tìm thấy trên đồ gốm men nâu của người Chămpa tại thành Thăng Long và đồ gốm trên con tàu đắm Pandanan ở Philippines. Đồ gốm Chăm Bình Định còn được tìm thấy trên tàu đắm Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam). Điều này là bằng chứng sinh động về mối quan hệ giữa Thăng Long với Chămpa và sự tham gia của vương quốc này vào thị trường xuất khẩu quốc tế, cùng với Đại Việt và các nước láng giềng hình thành nên “con đường gốm sứ” trên Biển Đông trong lịch sử.
Chính vì sức hấp dẫn của gốm Chăm cổ nên nhiều học giả, nhà khảo cổ ở các nước Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia và Phillippines cùng với các đồng nghiệp ở Việt Nam đang tiếp tục cuộc khám phá. Cuối tháng 10 năm nay, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã gặp nhau tại cuộc hội thảo: “Gốm cổ Bình Định - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Đại Việt (thế kỷ 11 - 15). Các nhà khảo cổ tham quan thành Đồ Bàn xưa, nghiên cứu sâu hơn về gốm cổ Chăm, xác định đặc trưng, niên đại, chủ nhân; về vai trò, chức năng của đồ gốm Chăm và sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Chămpa, Đại Việt với các nước trong khu vực.
TẤN VỊNH