Tạo dựng một lễ hội du lịch có sức lan tỏa lớn và trở thành thương hiệu đặc trưng của Quảng Nam là vấn đề cần sớm thúc đẩy.
Chưa có lễ hội “thương hiệu”
Cùng với sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ trở lại của ngành du lịch, thời gian gần đây tại Quảng Nam đã hình thành, duy trì chuỗi lễ hội khá đặc sắc, góp phần đáng kể kích cầu du lịch.
Một số lễ hội gắn với hoạt động du lịch đáng chú ý trên địa bàn tỉnh được tổ chức trong năm 2024 có thể kể đến: Lễ hội “Tam Kỳ - mùa hoa sưa 2024”, Lễ hội diều quốc tế - Quảng Nam 2024, Lễ hội sâm Ngọc Linh, Lễ hội “Cù Lao Chàm - mùa ngô đồng đỏ”, Lễ hội ớt A Riêu…
Dù vậy, theo đánh giá của doanh nghiệp du lịch, chưa có lễ hội nào thực sự tạo ra đột phá để trở thành thương hiệu lễ hội lớn và duy trì định kỳ để thu hút được lượng lớn du khách, trở thành điểm hẹn không thể bỏ qua, tương tự một số địa phương trong khu vực đã làm, như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng hay Festival Huế…
Ông Lê Ngọc Thuận - Giám đốc Công ty Tổ chức sự kiện và lễ hội An Bàng cho rằng, các lễ hội trên địa bàn tỉnh tổ chức quá phân tán nguồn lực, chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Vì vậy không huy động, tập trung được các nguồn lực dẫn đến lễ hội khó đọng lại ấn tượng trong du khách.
Còn theo bà Thân Thị Thu Huyền - Giám đốc điều hành “Đảo Ký ức Hội An”, một số địa phương lân cận đã tổ chức được các lễ hội tạo ra tiếng vang lớn, thu hút một lượng khách du lịch rất đông vào dịp diễn ra lễ hội.
Do đó, tỉnh cần xem xét kêu gọi doanh nghiệp du lịch tại địa phương hợp tác tổ chức một lễ hội mang tầm quốc tế và dấu ấn riêng tại Quảng Nam, trong khi địa phương hội tụ được nhiều điều kiện rất thuận lợi, nhất là về văn hóa.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL nhìn nhận, việc duy trì chuỗi lễ hội văn hóa - du lịch rải rác trong năm như thời gian qua là rất cần thiết để phục vụ nhu cầu của du khách khi đến Quảng Nam ở mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, đúng là chưa lễ hội nào ở địa phương có tầm vóc để trở thành thương hiệu lớn.
Thông tin từ Sở VH-TT&DL, trong năm 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ diễn ra một số lễ hội, sự kiện du lịch đáng chú ý như: Lễ hội “Tam Kỳ - Mùa hoa sưa”; Cuộc thi đua Motor nước quốc tế - Hội An 2025; Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam; Lễ hội đèn lồng quốc tế Hội An 2025; Lễ hội Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) quốc tế tại tỉnh Quảng Nam năm 2025; Festival Mỳ Quảng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Đặt trọng tâm vào đâu?
Theo ông Lê Ngọc Thuận, cần nghiên cứu đẩy mạnh lễ hội đèn lồng quốc tế. “Lễ hội này được quốc tế công nhận trong cam kết xây dựng Hội An trở thành thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO. Vì vậy, tỉnh và TP.Hội An cùng doanh nghiệp có thể chung tay làm lễ hội này với tham dự của nhiều nghệ sĩ lớn trong nước lẫn quốc tế.
Tôi nghĩ lễ hội này có bản sắc riêng bởi nhắc đến đèn lồng là nghĩ ngay về Hội An. Tất nhiên là tổ chức kèm các hoạt động ẩm thực, nghệ thuật, mua sắm… để tăng tính sinh động cho lễ hội” - ông Thuận đề xuất.
Được biết, dự kiến lễ hội đèn lồng quốc tế Hội An 2025 sẽ diễn ra trong tháng 8/2025. Đây là một trong số các sáng kiến quốc tế mà TP.Hội An đã đăng ký trong hồ sơ gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Trong khi đó, hồi tháng 10/2024, một doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh đã đề xuất tỉnh về việc tổ chức Festival Hành trình du lịch xanh tỉnh Quảng Nam năm 2025 với một loạt sự kiện như: Lễ hội quốc tế trình diễn khinh khí cầu và dù lượn động cơ trên không; Lễ hội ẩm thực toàn quốc; Tuần lễ thời trang du lịch quốc tế tỉnh Quảng Nam; Lễ hội bia - đồ uống quốc tế; Lễ hội ánh sáng và chương trình ca múa nhạc bằng kỹ thuật Mapping 3D và bay 1.000 drone quốc tế...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình, để Quảng Nam tổ chức được một lễ hội mang tính thường niên và tạo ấn tượng sâu sắc với du khách, rất cần có sự giúp đỡ, tư vấn của hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lễ hội nào cũng cần quá trình chứ không thể tạo tiếng vang ngay trong “ngày một, ngày hai”. Lượng khách sẽ tăng dần theo thời gian nếu lễ hội có điểm nhấn ấn tượng. Ngoài ra, nếu tổ chức được lễ hội có thương hiệu cũng sẽ giúp thúc đẩy liên kết du lịch giữa các địa phương trở nên hiệu quả hơn.
“Các bên có thể nghiên cứu thúc đẩy lễ hội diều quốc tế. Năm nay do diễn ra ở thời điểm thời tiết ít gió nên chưa tạo ra điểm nhấn lớn thì cần nghiên cứu thời điểm tổ chức tốt hơn cho năm sau. Ngoài diều, chúng ta có thể kết hợp một số điểm nhấn khác như khinh khí cầu, âm nhạc, ẩm thực, kể cả lồng đèn của Hội An” - ông Phan Thái Bình nói.