Đi tìm “Người Nhật” ở Hội An

NGUYỄN TRUNG HIẾU 14/06/2020 04:24

Hội An - một địa danh không còn lạ với du khách trong và ngoài nước. Với hàng ngàn di tích kiến trúc nhà ở, tín ngưỡng đa dạng của các dân tộc Chăm, Việt, Hoa, Nhật… xây dựng từ khoảng thế kỷ 10 - 19, Hội An có một bề dày lịch sử phong phú, đa dạng hiếm có. Rực rỡ nhất là thời của các chúa Nguyễn (Đàng Trong), với chính sách thu hút, cho phép định cư đối với các thương gia Nhật, Hoa...

Du khách Nhật tái hiện Châu Ấn thuyền trong một Lễ hội giao lưu Việt - Nhật tại Hội An.Ảnh: TL Hội An
Du khách Nhật tái hiện Châu Ấn thuyền trong một Lễ hội giao lưu Việt - Nhật tại Hội An.Ảnh: TL Hội An

Cùng với những cư dân khác, các thương gia Nhật đóng vai trò khai phá và để lại dấu ấn sâu sắc, góp phần dựng nên một Hội An phồn thịnh. Vậy “Phố Nhật” ở đâu tại Hội An? Các chuyên gia khảo cứu lịch sử Nhật Bản đã đến Hội An để tìm lời giải cho mối băn khoăn này, nhưng sau mấy mươi năm nghiên cứu, tìm kiếm trên thực địa, vấn đề này hiện vẫn còn là ẩn số.

Bí ẩn đình Cẩm Phô, cầu Nhật Bản

Một sáng Chủ nhật, Kikuchi Seiichi gọi cho tôi lúc tờ mờ sáng. Vị chuyên gia khảo cổ người Nhật bảo, cả đêm không ngủ được, vì trong lòng vui sướng, khi chiều qua trong sân đình Cẩm Phô, ông phát hiện một số mảnh gốm Hyzen của người Nhật, vốn chưa từng tìm thấy tại các hố đào khảo cổ từ trước đến nay.

Kikuchi làm việc cho Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, với công trình nghiên cứu “Đi tìm người Nhật” do Chính phủ Nhật tài trợ. Ông đã ở Hội An nhiều ngày và phát hiện nhiều chi tiết kiến trúc rải rác trên khắp các ngôi nhà trong khu phố cổ. Tuy vậy để xác định được vị trí định cư của các thương nhân Nhật tại đây như giáo sĩ Chistoforo Borri mô tả, thì vẫn “bóng chim tăm cá”. Công trình kiến trúc rõ nhất, được cho là do các thương nhân Nhật Bản xây dựng tại Hội An thời đó là Chùa Cầu, trước đây gọi là cầu Nhật Bản và con đường Trần Phú dẫn vào cầu, được người Pháp đặt tên La rue du Pont Japonaire (đường cầu Nhật Bản). Đại học Chiêu Hòa đã xin phép Chính phủ Việt Nam được mở nhiều hố đào khảo cổ trên khu vực đường Nguyễn Thị Minh Khai. Và hố đào đầu tiên trong sân đình Cẩm Phô đã mang đến nhiều bất ngờ thú vị.

Chùa Cầu Hội An hay Cầu Nhật Bản trong quá khứ. Ảnh: N.T.H
Chùa Cầu Hội An hay Cầu Nhật Bản trong quá khứ. Ảnh: N.T.H

Nhận được cú điện thoại của Kikuchi, tôi có mặt ngay ở Hội An. Trên sân đình Cẩm Phô, Kikuchi đã lúi húi trong hố đào, cùng vài cộng sự, nâng niu nhiều hiện vật gốm đã vỡ nát; đánh dấu vị trí chúng cẩn thận trên bản giấy kẻ ô tương ứng với thực địa.

Ông bảo: “Chúng ta đang đứng trên một con kênh cổ đã bị lấp từ vài trăm năm trước. Trong lòng con kênh này, lưu giữ rất nhiều hiện vật do cư dân sống bên bờ kênh ném xuống. Và tại đây tôi đã tìm được nhiều mảnh gốm Hyzen cổ, được sản xuất tại Nhật Bản. Với dân khảo cổ, loại gốm này là một bằng chứng xác đáng nhất về sự hiện diện của người Nhật. Quan trọng hơn cả, chúng tôi đã tìm thấy nó ngoài thực địa, là điều chưa từng có từ trước đến nay”. Với những hiện vật này, Kikuchi khẳng định cư dân Nhật có mặt tại Hội An từ thế kỷ 15-16… nhưng chủ nhân thực sự của những mảnh gốm là ai thì lời giải còn phải tìm, vì với sự giao lưu, trao đổi, mua bán rộng rãi trong lịch sử, thì những sắc dân khác cũng có thể mua loại gốm cổ này để sử dụng.

Trong quá khứ, tiền nhân mở cửa

Trong lòng hố đào 4m2, nhà khảo cổ Kikuchi lần lượt giới thiệu cho tôi nhiều hiện vật cổ của các dân tộc Chăm, Việt, Hoa, Nhật lẫn lộn trên các tầng văn hóa. Ông nhận định, từ hàng trăm hiện vật thu được trong lòng con kênh cổ, Hội An đã thể hiện một giai đoạn lịch sử, hiếm có so với nhiều nơi trên thế giới. Thương nhân Nhật ra nước ngoài buôn bán trong khoảng thế kỷ 14 đến 16, rất ít (khoảng 4 nơi) quốc gia họ ở lại định cư, lập phố phường, dựng vợ, gả chồng... Và Hội An là một trong số đó.

Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang có nhận xét: Nguyên nhân cho một Hội An phồn thịnh trong lịch sử đó là chính sách của các Chúa Nguyễn ở Nam - Hà, đi đôi với việc khai khẩn đất đai phương Nam, đã đồng thời mở rộng cửa tiếp xúc với các nước khác, Á cũng như Âu, giao thiệp buôn bán với họ để thu dụng những tài năng, phẩm vật và những gì mới lạ về khoa học, kỹ thuật. Từ thời Chúa Hy Tông trở về sau, các Chúa Nguyễn đích thân viết thư mời thương nhân ngoại quốc đến giao thương với Đại Việt. Với những thương nhân “đồng văn, đồng chủng” như Nhật Bản, Trung Hoa nhận được nhiều ân sủng như được mua đất, lập phố Nhật, phố Khách (người Hoa), buôn bán, giao thương, cho phép xây chùa, lấy vợ, sinh con, lập nghiệp trên đất Hội An.

Hơn thế nữa, Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) đã gả con gái mình (tên tục là Quận chúa Anio) cho một nhà buôn Nhật rất thế lực lúc bấy giờ tên là Araki Shutaro (1619), sau đó ban cho ông quốc tính với tên Nguyễn Taro, hiệu là Hiển Hùng. Cũng trong thời gian này, một nhà buôn Nhật, kiêm chủ tàu tên Furamoto Yashishiro đã được công nhận là Thị trưởng đầu tiên trong lịch sử Đàng Trong. Những viên thị trưởng người nước ngoài này có ảnh hưởng lớn với chính quyền, đến độ che chở được cả Linh mục A.Rhodes, trong thời kỳ nhà Nguyễn bài xích đạo Thiên chúa.

Hội An trở thành cảng mậu dịch với người ngoại quốc và nơi đô hội buôn bán lớn nhất Thuận - Quảng bắt đầu từ thời điểm này. Giáo sĩ Chistoforo Borri đã cư trú tại Hội An năm 1618 miêu tả: “Thành phố rộng rãi, có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực do người Trung Hoa ở, khu vực kia thì người Nhật Bản ở” và “Người Trung Hoa và Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở, kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4 - 5 vạn nén bạc…”. Phân tích thông tin trên các giấy phép (Shuinjo), thời Châu Ấn thuyền của Mạc phủ Tokugawa, Giáo sư Iwao Seiichi cho biết, chỉ trong khoảng thời gian từ năm 1604 đến 1634, Hội An đã đón 86 trong số 130 lần thuyền buôn Nhật đến Việt Nam.

Tiếp nối giềng mối tiền nhân

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Nhật rất quan tâm đến Hội An, vì trong quá khứ vùng đất này đã từng là nơi “đất lành chim đậu” của thương nhân Nhật. Ngoài Công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Hoa - con gái nuôi của chúa Nguyễn Phúc Nguyên được gả cho thương nhân Araki Sotaro, thời ấy còn có rất nhiều thương gia Nhật Bản khác của thời đã kết hôn với phụ nữ Việt Nam như­ ông Heizaburo lấy bà Nguyễn Thị Chức; ông Shurikan lấy bà Đỗ Thị Mặn; ông Achiko lấy bà Cụ Thị Chủng; ông Kadoya lấy bà Nguyễn Thị Nụ; ông Heizaemon lấy bà Nguyễn Thị Nở... Và nhiều thương nhân Nhật mất, được chôn tại Hội An, đến nay vẫn còn hương khói ấm cúng.

Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam tổ chức thường niên Liên hoan văn hóa Việt Nam - Nhật Bản với nhiều nội dung phong phú. Mỗi năm hàng trăm ngàn diễn viên, du khách Nhật đã đến Việt Nam hòa cùng hàng vạn cư dân bản địa làm sống lại hoạt động giao thương của tiền nhân cách đó vài trăm năm. Điều không hề ngẫu nhiên khi các tổ chức Nhật Bản như Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, Jica, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực (VJCC)... khá quan tâm đến Hội An qua các hoạt động giao lưu văn hóa, hỗ trợ trùng tu cho đến hợp tác nghiên cứu, phát triển kinh tế, văn hóa...

Du khách Nhật đến Việt Nam, có thể bỏ qua nhiều điểm di tích, danh lam thắng cảnh, nhưng hiếm ai không tìm đến Hội An. Theo dự báo con số du khách đến Hội An từ đất nước mặt trời mọc sẽ tăng đều bình quân 20 - 50%. Hiệp hội các hãng lữ hành hải ngoại Nhật Bản cho biết, người Nhật chọn đến Việt Nam vì thích các loại hình du lịch phong phú, sự bình yên của cuộc sống làng quê, sự tương đồng về văn hóa, sự hấp dẫn từ cuộc sống năng động cùng với lòng mến khách của con người và đất nước Việt Nam. Trong đó với nhiều người đến Hội An còn như một sự trở về.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi tìm “Người Nhật” ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO