|
Chỉ còn một tháng nữa Festival Di sản Quảng Nam sẽ khai mạc, tuy nhiên vấn đề quà tặng cho đại biểu hiện vẫn còn trong quá trình “nghiên cứu”.
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, sở đang “nghiên cứu” và chưa xác định được mẫu quà tặng cho đại biểu dự festival như thế nào, dù quan điểm chủ đạo vẫn xác định biểu tượng mẫu quà tặng chủ yếu liên quan đến 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. “Nhiều ý tưởng lắm nhưng chưa thống nhất được cách nào cả” - ông Hài nói. Được biết, hiện có 2 - 3 phương án để lựa chọn mẫu quà tặng, chỉ cần thống nhất chọn mẫu là có thể chuyển cho các chuyên gia thẩm định và triển khai sản xuất. Nội dung mẫu quà tặng sẽ dựa trên bộ nhận diện thương hiệu festival (logo Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017) có cách điệu, dự kiến vật liệu chính làm bằng gỗ và kim loại mạ màu, kích thước lớn khoảng hơn bàn tay. Sau mẫu quà tặng, còn một cái khó nữa là tìm nhà tài trợ để làm logo tặng đại biểu, dự kiến sản xuất hơn 1.000 chiếc.
Dù không phải là nội dung quan trọng của festival, nhưng mẫu quà tặng với những hình ảnh, biểu tượng đặc trưng khái quát là vật không thể thiếu cho sự kiện, qua đó quảng bá hình ảnh Quảng Nam, giúp đại biểu hiểu hơn về mảnh đất, văn hóa và con người xứ Quảng. Hầu hết địa phương khi tổ chức một sự kiện quan trọng đều tìm chọn những mẫu quà tặng mang nét đặc trưng nhất của vùng đất để làm quà lưu niệm cho đại biểu. Gần đây nhất, tháng 1.2017, Đà Nẵng tổ chức hẳn cuộc thi thiết kế, sản xuất sản phẩm lưu niệm đặc trưng phục vụ APEC 2017. Tại Quảng Nam (kể cả Hội An) thời gian qua cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Và, đến nay câu chuyện quà tặng festival một lần nữa làm khó nhà quản lý du lịch và ban tổ chức festival. Nói như ông Đinh Hài, “chưa bàn ý tưởng hay mẫu mã nội dung phù hợp, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ thoạt nhìn từng cái rất đẹp nhưng nếu sản xuất đại trà thì quá khó và lâu nên không hiệu quả, do đó đến nay vẫn chưa tìm ra cách”.
KHÁNH LINH