Trang phục thể hiện sinh động bản sắc tộc người. Trong quá trình hình thành và phát triển, người Chăm đã để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức quý giá, trong đó có di sản trang phục dân gian và cung đình. Hiện nay, y phục của vua Chăm thuộc những vương triều cuối cùng của vương quốc Champa (thế kỷ 17 - 18) vẫn còn được lưu giữ và trưng bày ở Kho mở Hoàng tộc Chăm huyện Bắc Bình (Bình Thuận) và được xem là những báu vật. Trong khi trang phục vua Chăm và cung đình đã lui vào quá khứ thì dân gian Chăm tái hiện hình ảnh, ý nghĩa nhân văn của nó qua Lễ rước y trang trong Lễ hội Katê được tổ chức hàng năm. Lễ hội được diễn ra trong 3 ngày đầu tháng 7 (theo lịch Chăm), khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch với những lễ nghi, diễn xướng đặc sắc nhất của tộc người.
Mặc y trang cho thần vua Po Klaong Girai trong lễ hội Katê. |
Hiện nay, tại nhà công chúa Nguyễn Thị Thềm (còn gọi là Nai Thềm), là hậu duệ vua Chăm, được kế thừa, lưu giữ bộ sưu tập báu vật hoàng tộc Chăm thuộc vương triều vua Po Klaong Mânai, Po Klaong Ghul - đó là các đời vua Chăm cuối cùng ở thế kỷ 17 - 18, với gần 100 hiện vật, trong đó có nhiều bộ trang phục, trang sức của vua và hoàng hậu. Đặc biệt quý hiếm là chiếc vương miện của thế hệ các nhà vua. Vương miện vua Po Klaong Mânai bằng vàng, đây là vương miện duy nhất còn lại của các vị vua Chăm hiện nay. Vương miện cao 19,5cm, đường kính 19,5cm. Hoa văn nổi bật là hình tượng Makara quấn quanh vương miện. Đỉnh vương miện có 3 đường viền gắn các hạt đá phát sáng. Đến nay, chỉ biết được vua Pôklong Mânai là người cuối cùng sử dụng vương miện này. Bức tượng vua Po Klaong Mânai người Chăm tạc ở đền thờ vị vua này thì trên đầu đội vương miện giống với chiếc vương miện bằng vàng đang lưu giữ ở kho mở.
Đáng chú ý hơn nữa là, tại kho mở này còn có các loại trang phục của vua được làm bằng chất liệu vải thổ cẩm Chăm. Riêng trang phục của vua còn lại nhiều loại như: bộ áo bào vua (4 cái nhưng 3 cái đã bị mục nát) có thêu hình tượng Makara thể hiện rõ nét trên lưng và cổ áo; khăn prăm của vua; yếm choàng lưng; dây thắt lưng; đôi hài của vua. Trang phục vua và hoàng hậu làm bằng những loại vải thổ cẩm Chăm, được dệt rất tinh xảo, hoa văn, màu sắc đẹp mắt, thể hiện bàn tay tài hoa của những thợ dệt cung đình xưa.
Vương miện của vua Chăm. |
Bên cạnh các hiện vật được lưu giữ trong Kho mở Hoàng tộc Chăm huyện Bắc Bình (Bình Thuận), trang phục dành cho các thần vua Chăm còn được tìm thấy ở các đền tháp. Đối với người Chăm, dù là vua hay là người bình thường, khi chết và trở thành thần linh ít nhất phải có ba bộ trang phục để dùng, (đồng bào gọi là: klau kaya anguei). Trang phục của vua gồm có: vương miện, mão, áo, váy, dây lưng, giày, khăn đội đầu... Trước đây, trong những dịp lễ hội Katê, người Chăm thường mang theo nhiều lễ vật để dâng cúng lên các vị thần, trong đó có vải thổ cẩm. Chỉ riêng tháp Pô Klaong Garai ở huyện Ninh Phước, Ninh Thuận đã lưu lại hàng trăm tấm thổ cẩm của người xưa dùng để dâng cúng thần vua. Nhưng vải vóc ở đền tháp thường không để được lâu, chúng nhanh chóng bị hư hỏng, mục nát, không thể giữ lại được nên thường bỏ hoặc đốt đi. Cũng may, trước khi các vị sư cả loại bỏ, đốt thành tro để gửi cho các vị thần vua ở bên kia thế giới thì ông Quảng Văn Đại - một người am hiểu văn hóa Chăm đã kịp xin giữ lại gần 50 mẫu vải thổ cẩm khác nhau có trang trí hoa văn cổ xưa đẹp mắt. Nhờ vậy, những mẫu vải Chăm cổ có niên đại hàng trăm năm được giữ lại và trưng bày tại Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận. Qua nghiên cứu, đối chiếu, người ta đã tìm thấy có sự giống nhau giữa hoa văn trang trí trên các hiện vật vải vóc ở Kho mở Hoàng tộc Chăm, hoa văn chạm khắc trên các bức tượng vua ở các đền thờ và hoa văn trang trí trên vải thổ cẩm được tìm thấy ở đền tháp với hoa văn trên hoàng phục và trên diềm váy các vị thần vua Chăm như Po Romê, Po Dam, Po Klaong Mânai.
Trang phục của vua Chăm, ngoài những hiện vật như vương miện, áo bào, đôi hia...được trưng bày ở Kho mở Hoàng tộc Chăm, trên thực tế không còn thấy nữa mà chỉ còn trong ký ức dân gian. Trong cuộc sống tâm linh, người Chăm vẫn còn tái hiện những nghi lễ liên quan đến trang phục của vua chúa ngày xưa, mà tiêu biểu là lễ rước y trang trong lễ hội Katê. Người Chăm sắm đầy đủ trang phục các vua chúa để dâng cúng trong lễ hội Katê. Với lòng thành kính của mình người Chăm không chỉ sắm có 3 bộ trang phục cho vua mà còn có thể nhiều bộ, càng nhiều càng tốt, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi năm. Đó là những thứ vải vóc, lụa, hàng thổ cẩm hảo hạng, có hoa văn, màu sắc đẹp. Tuy nhiên, do thời gian, việc bảo quản không tốt, nhiều loại vải, y phục của thần vua đã bị hư hỏng hoặc mất mát. Y phục xưa cũ của thần vua không còn nữa nên nó được đồng bào thay thế bằng nhiều loại vải vóc mới mua từ các làng dệt thổ cẩm Chăm hiện nay.
Tủ trưng bày trang phục Hoàng tộc Chăm ở kho mở. |
Theo phong tục, hầu hết trang phục vua chúa Chăm do người Raglai cất giữ cẩn thận. Đến ngày cúng tế vua chúa thì người Chăm phải làm lễ đón rước y trang từ người Raglai đưa về làng Chăm và cùng với đồng bào Chăm tiến hành nghi lễ rước y trang về các đền thờ ở làng và lên tháp như tháp Pô Klaong Garai, Pô Rêmê... Theo truyền thuyết “người Chăm và Raglai là chị em ruột, Chăm là chị cả, người Raglai là em út” (Cham sa-ai Raglai adei). Theo chế độ mẫu hệ, con gái út thừa kế tài sản và phụ trách thờ cúng tổ tiên nên người Raglai có nhiềm vụ giữ trang phục thần vua Chăm. Y trang của vua Chăm được sắp xếp theo từng loại và đựng trong vài cái giỏ tre rồi mang đặt vào trong cái kiệu phủ vải màu, trang trí hoa văn, hình dáng khá bắt mắt. Khi y trang về đến làng, bà con Chăm nô nức ra chào đón. Vào lúc 6 giờ sáng hôm sau, ngày mùng 1 tháng 7 (Chăm lịch), khoảng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch, đồng bào tiến hành lễ rước y trang (Raok khan aw Po Yang) lên đền tháp. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội, được diễn ra rất trọng thể. Trong ngày lễ rước y trang, đoàn người Raglai tập trung đầy đủ, ông từ giữ đền dâng cúng lễ vật như: rượu, trứng, trầu, cau,… xin phép Thần cho rước y trang về tháp cúng lễ.
Khi y trang đã được rước lên đền tháp, thầy cả Chăm, bà bóng và các vị chức sắc tiến hành lễ tắm rửa tượng và thay y phục mới cho vua. Cả sư mang bình nước thiêng ra để tưới tắm, tẩy rửa tượng vua (pamưnay yang) rồi dâng lễ, thay lễ phục cho vua. Thầy Kadhar vừa kéo đàn Kanhi vừa hát bài tụng ca, mô tả thao tác vua thần Chăm hiện về tháp: vua tắm sạch sẽ, đội mão, mặc áo, váy, dây lưng và cuối cùng mang đôi giày về hưởng lễ vật Katê. Những người tham gia cùng khấn tế mời vua nhận lễ và cầu xin vua thần phù hộ cho con cháu.
Nếu trang phục của vua là những báu vật còn lại của cung đình, hoàng tộc Chăm thì lễ rước y trang là di sản văn hóa của dân gian, một nghi lễ thiêng liêng nhất, diễn ra trong lễ hội lớn nhất - Lễ hội Katé của dân tộc Chăm. Lễ hội phản ánh rõ nét đời sống tâm linh của người Chăm, đó là tín ngưỡng thờ thần vua. Lễ rước y trang mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn của đồng bào đối với người đi trước qua nghi lễ dâng cúng y trang cho các vị thần vua, tái hiện nghi lễ đặc sắc nhất trong di sản văn hóa của người Chăm ở nước ta. Lễ hội Katê, trang phục và diễn xướng dân gian của dân tộc Chăm cũng được phục dựng, tái hiện tại Khu đền tháp Mỹ Sơn trong các kỳ Festival Di sản Quảng Nam, cho khách tham quan được tìm hiểu, khám phá một phần di sản văn hóa Chăm.
TẤN VỊNH