Công tác tuyên giáo của Đảng luôn được xác định là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng, là cơ sở để khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vai trò quan trọng
Sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập Ban Cổ động và tuyên truyền, coi đây là tổ chức quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác-Lênin, về Chánh cương, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng. Nhân ngày Quốc tế đỏ 1.8.1930, Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1.8” giải thích nguồn gốc chiến tranh đế quốc, kêu gọi nhân dân đấu tranh bảo vệ hòa bình, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ sự kiện đặc biệt này, ngày 1.8 trở thành mốc son lớn trong lịch sử đấu tranh cho cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lĩnh vực này đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để khẳng định và tôn vinh những thành quả to lớn về công tác tư tưởng, văn hóa qua các thời kỳ cách mạng của Đảng và của dân tộc, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1.8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1.8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng.
Tám mươi lăm năm qua, lớp lớp cán bộ làm công tác tuyên giáo của Đảng đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh, gắn bó với quần chúng, tổ chức nhân dân đi theo tiếng gọi của Đảng. Với những hình thức và nội dung tuyên truyền phong phú, linh hoạt đã cổ vũ quần chúng hình thành phong trào cách mạng mạnh mẽ, huy động toàn dân tộc đứng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, giành thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945; kêu gọi nhân dân Việt Nam cống hiến cả về tinh thần lẫn vật chất để làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7.5.1954) và thống nhất đất nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại (30.4.1975). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, công tác tư tưởng tiếp tục động viên nhân dân vượt qua khó khăn, huy động được sức mạnh nội lực, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh và bước đầu tạo ra cơ sở vật chất làm nền tảng phát triển xã hội.
Cùng với quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh, công tác tuyên giáo đã thể hiện được vai trò đặc biệt quan trọng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa. Toàn ngành đã tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng đến với nhân dân; vận động nhân dân tham gia bảo vệ thành quả cách mạng, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, đóng góp sức người, sức của cho quê hương, tạo tiền đề để xây dựng Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.
Trách nhiệm nặng nề
Trong những năm đến, tình hình trong nước nói chung và Quảng Nam nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, trong đó đáng lo nhất là biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận trong các thành phần xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những khó khăn, thách thức tác động đan xen rất phức tạp và đã ảnh hưởng nhất định đến công tác tuyên giáo của Đảng hiện nay. Đây là nhiệm vụ nặng nề của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, trong đó, trước hết là của những người trực tiếp làm công tác tuyên giáo. Do đó, nhiệm vụ cấp bách của ngành Tuyên giáo Quảng Nam là tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh đề ra, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn mới. Điều đó đòi hỏi công tác tuyên giáo phải tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, cổ vũ, động viên tạo nhận thức cho mọi lực lượng trong xã hội; đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào đời sống. Đồng thời có giải pháp, bài viết phản bác làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chú trọng phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Trong xây dựng Đảng, công tác tuyên giáo tích cực góp phần trực tiếp vào các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức và văn hóa, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tham mưu triển khai thực hiện chất lượng các Chương trình hành động của Tỉnh ủy đối với việc thực hiện Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Từ đó, xây dựng nguồn nhân lực của tỉnh phát triển toàn diện, lấy đạo đức làm cốt lõi nhân cách, giữ vững bản lĩnh chính trị, bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái văn hóa Quảng Nam. Tham mưu tổ chức thực hiện Kế hoạch số 176 ngày 12.6.2015 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 37 ngày 9.10.2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận chính trị và định hướng công tác nghiên cứu đến năm 2030. Phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, các chuyên đề về kinh tế, văn hóa… để cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao.
Bằng nhiều hình thức, ngành tuyên giáo tham gia tuyên truyền kết quả phong trào thi đua yêu nước, thành tựu đạt được, những kinh nghiệm rút ra trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng. Đồng thời nhân rộng các mô hình, gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trong học tập và làm theo gương Bác. Toàn ngành nêu cao quyết tâm tích cực đổi mới, đa dạng hóa phương thức, sâu sắc nội dung hoạt động công tác tuyên giáo. Bên cạnh đó, nâng cao tính chủ động, tính định hướng; năng động, sáng tạo, bám sát cơ sở để nắm tình hình, từ đó tham mưu giải pháp xử lý những vấn đề bức xúc, đặt ra từ thực tiễn.
TRẦN VĂN CẬN