(QNO) - Dị ứng thuốc đã không còn là một vấn đề hiếm gặp. Những năm gần đây, số lượng thuốc lưu hành trên thị trường ngày càng gia tăng cùng với việc người dân tự ý dùng thuốc phổ biến trong cộng đồng, dẫn đến tình hình dị ứng thuốc ngày càng gia tăng.
1. Dị ứng thuốc là gì?
Dị ứng thuốc là một loại phản ứng quá mẫn của cơ thể đối với thuốc xảy ra thông qua hệ thống miễn dịch của cơ thể đối với loại thuốc đang sử dụng.
Dù đều là phản ứng có hại của thuốc, song cần phân biệt dị ứng thuốc, tác dụng phụ của thuốc và ngộ độc thuốc.
Dị ứng thuốc không đoán trước được vì phản ứng này thường liên quan tới cơ địa của mỗi người và không liên quan tới liều lượng thuốc. Ví dụ dị ứng penicillin có thể gây ra phát ban, phù mạch, khó thở hoặc sốc phản vệ.
Tác dụng phụ của thuốc hay còn gọi là tác dụng không mong muốn liên quan đến bản chất của thuốc và được ghi trên nhãn thuốc. Chẳng hạn như tác dụng phụ của penicillin có thể xảy ra là đau đầu, buồn nôn, đau dạ dày hoặc tiêu chảy.
Ngộ độc thuốc xảy ra do dùng quá liều lượng quy định. Ví dụ quá liều paracetamol gây suy gan cấp.
2. Triệu chứng thường gặp của dị ứng thuốc
Những triệu chứng do dị ứng có thể xảy ra sau khi dùng thuốc vài phút hoặc vài ngày. Thậm chí, đỏ da toàn thân - một tình trạng dị ứng thuốc xuất hiện 2 - 3 tuần lễ sau đó.
Một số triệu chứng phổ biến như:
Nổi mề đay
Hồng ban trên da
Ngứa
Sốt
Phù nề
Khó thở
Sốc phản vệ: Đây là một phản ứng hiếm gặp và cũng là mức độ nặng nhất của dị ứng thuốc, có thể dẫn đến tử vong.
Chú ý, những dấu hiệu dị ứng đầu tiên trên da có thể là khởi đầu cho tình trạng dị ứng nặng và nghiêm trọng, vì vậy không được chủ quan. Người bệnh cần được theo dõi và đến bệnh viện ngay nếu chúng tiến triển nhanh chóng hoặc có thêm các dấu hiệu bất thường khác.
3. Các thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng
Tất cả các thuốc đều có khả năng gây dị ứng. Tuy nhiên, một số thuốc có khả năng gây phản ứng dị ứng cao hơn thuốc khác. Theo Tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO), các thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng bao gồm: kháng sinh, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), thuốc chống lao, thuốc chống động kinh và thuốc điều trị bệnh gout.
3.1 Nhóm thuốc kháng sinh
Kháng sinh là nhóm thuốc có nguy cơ gây dị ứng cao nhất. Trong nhóm kháng sinh, nhóm beta-lactam với hai đại diện là penicillin và ampicillin gây dị ứng nhiều nhất. Các dấu hiệu dị ứng điển hình như nổi mề đay, phù mạch, hen suyễn, sốc phản vệ. Bên cạnh đó, sulfonamid cũng là nhóm thường gây ra phản ứng dị ứng thuốc. Dị ứng nhóm thuốc này thường xảy ra muộn.
3.2 Nhóm thuốc NSAIDs
Tại Hoa Kỳ, ước tính hơn 30 triệu người sử dụng NSAIDs mỗi ngày, 111 triệu đơn thuốc được kê hàng năm. Việc sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm cũng rất phổ biến ở Việt Nam, do đó tình trạng dị ứng với nhóm thuốc xảy ra thường xuyên. NSAIDs (Aspirin, Ibuprofen…) có thể gây ra chuỗi các phản ứng dị ứng như mề đay, phù mạch, sốc phản vệ và hiếm gặp như viêm phổi, viêm màng não.
3.3 Nhóm thuốc chống lao
Trong một nghiên cứu tiến hành tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (2012), có đến 47,3% bệnh nhân xuất hiện các phản ứng da ở mức độ khác nhau khi sử dụng thuốc chống lao. Một nghiên cứu khác tại Bệnh viện Phổi Trung ương (2005) chỉ ra 7 triệu chứng lâm sàng thường gặp trong dị ứng thuốc chống lao, bao gồm: sẩn ngứa, ban đỏ, sốt, bong vẩy trắng, sẩn phù, loét miệng, bọng nước, trong đó gặp nhiều nhất là sẩn ngứa và ban đỏ.
3.4 Nhóm thuốc chống động kinh
Các thuốc chống động kinh gây dị ứng phổ biến bao gồm carbamazepin và phenytoin. Đa số các phản ứng dị ứng là phát ban trên da, viêm da tróc vảy.
3.5 Nhóm thuốc điều trị bệnh gout đặc hiệu
Allopurinol, colchicin là thuốc điều trị bệnh gout thường gây ra các phản ứng dị ứng, chủ yếu là đỏ da toàn thân.
4. Các biện pháp phòng tránh dị ứng thuốc
Hiện nay, chưa có cách nào để ngăn ngừa dị ứng thuốc. Bản thân người bệnh nếu biết được mình bị dị ứng thuốc nào thì tốt nhất nên tránh dùng thuốc đó và những thuốc có thành phần tương tự. Người bệnh có thể thông báo về tiền sử dị ứng thuốc của mình để bác sĩ có thể kê đơn phù hợp.
Ngoài ra, tại các cơ sở y tế sau khi xác nhận người bệnh có dị ứng với thuốc sẽ làm thẻ dị ứng. Thẻ này giúp người bệnh và bác sĩ nắm rõ tiền sử dị ứng của bệnh nhân, từ đó có lựa chọn hợp lý nhất trong điều trị bệnh.
Người bệnh nên lưu lại các giấy tờ hoặc thẻ dị ứng có xác nhận từ các cơ sở y tế. Những thông tin dị ứng thuốc có thể lưu trên điện thoại di động để tiện theo dõi sức khỏe của mình và người thân.