Đi và vẽ dưới đạn bom...

XUÂN HIỀN 12/06/2022 05:26

Họ đã đi và vẽ, đồng thời cầm súng và chiến đấu. Núi rừng, làng xóm, những anh bộ đội, những chị giao liên, có cả đạn bom và đổ nát... đã đi vào những bức ký họa. Để một ngày gặp nhau, điều nói với nhau không là những gian khổ, hy sinh mà vọng lên là chính dư ba của mỗi bức vẽ từ chiến trường năm ấy...

Các văn nghệ sĩ kháng chiến, trong đó có các họa sĩ về thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: X.H
Các văn nghệ sĩ kháng chiến, trong đó có các họa sĩ về thăm lại chiến trường xưa. Ảnh: X.H

Ký ức khôn nguôi

“Các họa sĩ và nhà điêu khắc, sinh ra ở dải đất Liên khu 5 hay từ các miền đất nước, với bao khát khao khôn cùng ghi lại thời chiến tranh cứu nước ròng rã 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã đến đây và ở đây.

Có những người lấy hội họa làm phương tiện chiến đấu kịp thời thì còn có Trần Mai Ninh, Phan Quang Định, Hoàng Mạnh, Phạm Hổ... và những người vẽ tranh cổ động, vẽ trên báo in và máy in lito.

Cũng có những người vì yêu mến chiến trường hay đi công tác qua đã để lại mấy bức họa và dăm bức ký. Cũng có những người, địch vây quét quanh năm, mất hết đồ nghề, phải xin đuôi tóc một cô gái trên căn cứ sâu để làm bút vẽ...

Trong điều kiện của chiến trường khắc nghiệt, các họa sĩ, nhà điêu khắc đã đến mũi nhọn của cuộc chiến đấu, khắc họa hình ảnh những con người chân thật với cuộc sống giản dị và hào hùng, núi non kỳ vĩ và thơ mộng.

Với mấy thế hệ, ở dải đất này, đã có gần 100 tên tuổi làm hội họa và điêu khắc. Họ vì nhân dân Liên khu 5. Nhân dân Liên khu 5 nhớ ơn họ”. Mạch xúc cảm này từ một người trong Ban Tuyên huấn Khu 5, khi ông đón từng đoàn văn nghệ sĩ từ phía Bắc đi B vào chiến trường Quảng Đà và khi ông tận tay đón nhận tác phẩm của họ để gửi in các báo bấy giờ, trong Ban Văn học Khu 5.

 

Trong dịp trở về chiến trường xưa mới đây, nhóm những nhà họa sĩ của Ban Tuyên huấn Khu 5 là Giang Nguyên Thái, Tạ Quang Bạo, Triệu Khắc Lễ, Lê Văn Thìn, Trần Trung Chính, Trần Anh Tuấn, Phạm Hồng... vẫn cứ giữ những suy tư hội họa trên mỗi mảnh đất từng là ký ức thanh xuân của họ.

Họa sĩ Giang Nguyên Thái nói, ông vào chiến trường Quảng Nam năm 1969, hồi đó chiến tranh đang ở thời kỳ vô cùng ác liệt, đâu cũng rền trời đạn bom khói lửa.

“Lúc đó, tiểu ban văn nghệ đang đóng ở gần sông Bui (Bắc Trà My - PV). Tiểu ban văn nghệ toàn những người làm văn, làm nghệ nhưng lại là nơi đói nhất. Chúng tôi phải ăn củ móng ngựa, ruột cây dớn, các loại rau tàu bay, môn dóc... Lâu lâu có được vài lon gạo bọc thép - một loại gạo được trữ ở kho rất lâu, dăm củ sắn thì đã quý lắm rồi” - họa sĩ Giang Nguyên Thái kể.

Những phác họa lịch sử

Chỉ với chiếc ba lô và vũ khí là bút và màu, họ đã rong ruổi khắp nơi, dù gian khổ và hiểm nguy. Họa sĩ, nhà điêu khắc Phạm Hồng đi B trước họa sĩ Giang Nguyên Thái đâu chừng hơn 1 năm. Ông nói rằng, chỉ riêng ở chiến trường Khu 5 đã có gần 20 họa sĩ đi vào để chiến đấu và sáng tác.

“Ngày đó, khi những hình ảnh tuyên truyền không thể phát trực tiếp, chúng tôi đã vẽ và vào những nhà ở vùng ven, bìa rừng, nơi người dân tập trung tổ chức triển lãm. Đó là cách chúng tôi động viên tinh thần bà con, quân và dân ta cũng như tuyên truyền tinh thần cách mạng.

Những nhân vật trong các bức ký họa của chúng tôi đều là những anh hùng, những người dân quả cảm, những ông bố bà mẹ đã dũng cảm đào hầm, nuôi giấu cán bộ,… để đất nước chúng ta giành được độc lập, hòa bình” - nhà điêu khắc Phạm Hồng nhớ lại.

Nữ du kích Tam Kỳ - ký họa của Phạm Hồng.
Nữ du kích Tam Kỳ - ký họa của Phạm Hồng.

“Tôi đã vẽ được nhiều chân dung các bà mẹ anh hùng, các chiến sĩ du kích, các cô giao liên dũng cảm...Tôi lại đi vẽ các chiến sĩ quả cảm trong đội biệt động Lê Độ. Được nghe kể nhiều trận đánh táo bạo, nhiều chiến công vang dội của những cô gái, chiến sĩ trẻ măng. Có nhiều ngày chúng tôi phải chạy giặc dưới những vạt bói dày ken sít ở vùng Gò Nổi.

Có lần đang vẽ chân dung một bà mẹ bám trụ ở Gò Nổi thì đụng giặc. Chúng bắn như vãi cát. Chúng tôi cùng nhau chạy. Tôi nhớ các anh du kích giục tôi nhảy xuống sông từ trên vách bờ dựng đứng. Chiếc cặp vẽ đặc biệt do họa sĩ Hà Xuân Phong may tặng bằng vải cán nhựa, gồm nhiều lớp nên may sao tranh không bị ướt” - họa sĩ Giang Nguyên Thái nói.

Chất liệu là những trải nghiệm, ngồn ngộn chảy tràn trong tác phẩm mỗi nghệ sĩ. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo nói, 4 năm ở chiến trường Khu 5, có lẽ là giai đoạn sáng tác đặc biệt trong cuộc đời làm nghệ thuật của thế hệ các họa sĩ này: chứng kiến sự khốc liệt của cuộc chiến và đồng thời ghi lại những mất mát hy sinh, đau thương, cả những chiến công hào hùng, những thắng lợi quan trọng... của quân và dân ta.

Năm 1975, Tạ Quang Bạo là người tạc tượng Mẹ Trường Sơn, cũng là pho tượng ông đã phác thảo từ trong rừng. Họa sĩ Thái Bá Vân từng nhận định, chất bi hùng hoành tráng của thời gian phảng phất trong Mẹ Trường Sơn của Tạ Quang Bạo.

Một đời sống can trường được chứa chất trong khối tượng lừng lững như tuổi tác. Tạ Quang Bạo cũng là một trong những họa sĩ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật sau này.

Ký họa cập nhật người thực, cảnh thực, nóng hổi như một thể loại báo chí. Với nhiều nghệ sĩ, ký họa có tính hiện thực. Cùng với nghệ thuật của màu sắc, những bức ký họa còn có tính thông tin, giáo dục, đồng thời có khả năng lưu giữ những hình ảnh, thông tin rất tốt.

Những bức vẽ, những ký họa phác lại hành trình lịch sử của dân tộc, ngoài lòng say hội họa còn là lòng yêu nước trong mỗi con người. Yêu nước nên dù trong gian khổ, hiểm nguy, vẫn còn đó sự say mê đi và vẽ.

Những bức ký họa chiến tranh đều mang trong nó sứ mệnh của lịch sử, bao gồm những sinh tử, mất còn của con người. Họa sĩ Giang Nguyên Thái nói, ngay trên dòng Trà Nô lúc đoàn người về thăm lại chiến khu xưa rưng nước mắt, rằng bạn ông, họa sĩ Hà Xuân Phong đã mãi mãi nằm lại đây.

Hàng ngàn ký họa thời chiến, trong đó con số tác phẩm được sáng tác ở chiến trường Khu 5 của các họa sĩ đi B hẳn sẽ không thể thống kê đầy đủ. Những bức họa còn đó, giữa cảm thức và khung cảnh thời bình, vẫn còn dậy lên những xúc động...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi và vẽ dưới đạn bom...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO