Cà Ban - ngay từ cái tên đã ẩn chứa điều gì đó đầy cuốn hút và mời gọi. Địa danh ngôi làng khiến người ta tưởng như ở đâu đó rất xa xôi nhưng kỳ thực chỉ cách trung tâm TP.Tam Kỳ vài cây số.
Dung dị Cà Ban
Làng Cà Ban cách trung tâm TP.Tam Kỳ khoảng 5km về phía nam. Nếu không đến Cà Ban bằng đường bộ, theo một lối đi khác thú vị hơn, du khách có thể thử khởi hành bằng thuyền từ vườn Cừa (làng sinh thái Hương Trà) để lênh đênh cùng sóng nước trong khoảng 20 phút để cập vào Bến Gò ghé lại với Cà Ban.
Cũng trên hành trình này, du khách có thể theo ghe lên đến tận hồ Phú Ninh để khám phá hệ sinh thái tự nhiên đặc sắc của miền ngoại ô thành phố. Trong các dịp lễ hội hoa sưa gần đây, TP.Tam Kỳ đã phối hợp cùng doanh nghiệp tổ chức giới thiệu tour trải nghiệm này để quảng bá, từng bước tạo lập một tuyến thủy du lịch nội địa đậm chất dân dã, đồng quê.
Trong 2 ngày 26 - 27/8/2023, tại làng Cà Ban (thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc) tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng với thông điệp “Cà Ban - Điểm hẹn xanh, trải nghiệm trong lành”.
Điều nhiều người tò mò khi nhắc về làng Cà Ban ắt hẳn là danh xưng của làng. Cái tên Cà Ban rất đỗi chân quê bỗng chốc gợi cho những người đam mê du lịch liên tưởng đến các địa danh kiểu như làng Cù Lần (Đà Lạt) và thực sự ở Cà Ban, mọi thứ đều mộc mạc, dung dị.
Người làng Cà Ban vẫn truyền tai nhau truyền thuyết, rằng hàng trăm năm về trước, sau một mùa lụt dân làng thấy một người phụ nữ trạc trung niên, không biết tên gì và từ đâu lạc đến, trên vai tất tả đôi quang gánh rồi xin dựng mái tranh nhỏ để cư ngụ phía sát bờ sông.
Dần dà bà rất thân thiết với bọn trẻ chăn trâu trên bãi bồi. Bọn trẻ không dám hỏi tên mà cứ gọi bà là cô Cà Ban, rồi mọi người trong làng cũng gọi là bà Cà Ban. Rồi sau một đận mưa thu, người ta không còn thấy bà Cà Ban đâu nữa dù cố gắng tìm kiếm, mọi người cho rằng trận mưa dữ dội năm 1864 đã đưa bà Cà Ban về biển.
Qua hàng trăm năm, người làng vẫn ngưỡng vọng, lập miếu thờ và tin rằng bà Cà Ban che chở cho họ qua những mùa dông tố. Truyền thuyết về tên làng Cà Ban đã hình thành như thế…
Hương vị Cà Ban
Giữa tiết giao mùa oi ả, không gian vườn nhà của bà Đoàn Thị Hoa (thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc) vẫn ngập bóng râm và mát rười rượi. Lẩn trong bóng gió, hình như còn có la đà tiếng gà gáy trưa, tiếng chim gù lảnh lót vọng từ phía bờ sông.
Đến nay, đã 6 năm từ lúc gia đình bà Hoa chuyển đổi từ việc canh tác laghim sang vườn cây ăn quả gồm hơn 50 gốc bưởi da xanh và một số loại cây ăn quả khác như mít, ổi… và bắt đầu thu quả ngọt từ 2 năm nay.
Theo bà Hoa, thu nhập từ vườn cây ăn quả cũng tương đương như trồng laghim nhưng việc canh tác và tiêu thụ nhàn hơn, vườn cây cũng thường xuyên có khách từ thành phố ghé chơi và tự tay thu hái để mang thức quà quê về phố.
Lãng đãng từng góc nhỏ Cà Ban mùa này, đâu đâu cũng nghe thoảng mùi hương lúa mới đan xen cùng hương bưởi, hương hoa phía góc vườn nhà ai. Quả thực dù chỉ cách phố thị một quãng rất gần, Cà Ban dường như vẫn thu mình trong hơi thở của làng. Bởi từ trong tâm thức của bà Hoa hay mọi người ở Cà Ban, cuộc sống của họ vẫn đặc quánh vị làng và gọi tên những vị khách ở nội thị Tam Kỳ ghé qua nơi đây là khách ở thành phố đến…
Những ngày cuối tuần này, Cà Ban chộn rộn hơn trong không khí mùa hội. Tha thẩn nơi đây để nhấm nháp một chút dư vị chè bánh chợ quê rồi thư giãn lạc giữa đồng hoa đầy màu sắc, có lẽ mọi người sẽ cảm nhận được đầy đủ phong vị về một điểm hẹn xanh, trải nghiệm trong lành như thông điệp mà ban tổ chức ngày hội muốn truyền tải.
Theo ông Nguyễn Thanh Yên - Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc, mọi người vẫn xem sự kiện diễn ra cuối tuần này ở làng Cà Ban là một ngày hội làng đúng nghĩa chứ chưa nghĩ nhiều đến du lịch.
Có chăng ở đó sẽ sắp đặt tinh tế hơn những giá trị đặc sắc trong cuộc sống thường nhật của người Cà Ban để tạo ra không gian đậm sắc màu ký ức giúp những ai ghé qua nơi này tận hưởng được chút thảnh thơi giữa bộn bề cuộc sống thường nhật.
Tam Kỳ đang có nhiều động thái khởi động cho việc đưa Cà Ban thành một điểm đến du lịch sinh thái trong thời gian đến. Đó là câu chuyện dài ở thì tương lai. Còn bây giờ, Cà Ban vẫn xanh mê mải như bao mùa đã qua và luôn đong đầy phong vị quê nhà để chiêu đãi người lữ khách một lần quá bước lại làng nhỏ bên sông này…