Người cựu binh, vài năm trước đã khép lại một đời quân ngũ của mình từ thời trai trẻ cho đến mấp mé bên kia sườn dốc cuộc đời. Nhưng thay vì nghỉ hưu và thong thả tuổi già, ông đã chọn cho mình những nẻo đường rong ruổi về phía đồng đội của mình, những người đã hy sinh khi giúp nước bạn Campuchia thoát nạn diệt chủng Pôn Pốt.
Đại tá Nguyễn Quang Ngọc. Ảnh: XUÂN THỌ |
Người cựu binh ấy, là đại tá Nguyễn Quang Ngọc, 60 tuổi, hiện sống ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.
1. Gia đình đại tá Ngọc vốn có truyền thống quân ngũ, cả sau này, con ông cũng nối nghiệp. Năm 1984, ông mang hàm thiếu úy sang Campuchia làm nhiệm vụ tại Trung đoàn 96 (Sư đoàn 309, tác chiến tại vùng đông bắc Campuchia), không lâu sau đó thì lên “lon” trung úy. Ông chiến đấu ở chiến trường này cho đến cuối năm 1989 mới trở về Việt Nam. Quãng thời gian 6 năm ở chiến trường K, ông làm rất nhiều nhiệm vụ, khi thì trợ lý tác chiến, lúc thì đi biên giới hoặc phục vụ tư lệnh… Dù chưa được đào tạo qua trường lớp bài bản, những ông vẫn hoàn thành tốt công việc của mình. Những tố chất của ông được cấp trên nhìn thấy, và tạo điều kiện cho đi học ở Đà Lạt, sau này.
Nhớ mấy lần cùng ông tham gia di chuyển hài cốt liệt sĩ chiến trường K từ phía nam về xứ Quảng, thi thoảng, ông hay kể về quãng thời gian chiến đấu của mình. Đói khát, khổ cực, tất nhiên là vẫn nằm trong từng nếp ký ức của ông. “Nhưng điều ám ảnh tôi nhiều nhất, là hình ảnh đồng đội của mình hy sinh trong lúc cắn dở miếng bánh tét” - Đại tá Ngọc xúc động. Chuyện này, rất nhiều lần ông kể cho tôi nghe, cùng với chuyện đồng đội của mình chết khi cố mang xác những đồng đội đã hy sinh trước đó về. “Vì mình qua Campuchia là làm nghĩa vụ quốc tế, nên có yêu cầu là nếu chẳng may đồng đội hy sinh, thì những người còn sống phải mang xác về. Quân Pôn Pốt biết điều đó, nên cài mìn dưới xác, anh em ban đầu không biết, nên có rất nhiều cái chết oan uổng, tức tưởi” - người cựu binh già ngấn lệ.
Bước qua những khó khăn gian khổ nhiều khi đến ám ảnh ở chiến trường K, ông trở về và tiếp tục quân ngũ tại quê nhà. Đó là cuối năm 1989, ông về công tác tại Trung đoàn 971 Quảng Nam - Đà Nẵng. Với quân hàm đại tá, ông kiêm cùng lúc 4 nhiệm vụ là trợ lý tác chiến, trợ lý quân lực, thủ kho - vũ khí đạn và lái xe. “Việc nhiều tất nhiên là vất vả, nhưng đất nước mình khi ấy cũng còn khó khăn nên mình nghĩ là phải cố gắng cống hiến thôi” - ông Ngọc bày tỏ. Sau nhiều luân chuyển công tác, đến đầu năm 2010, ông được điều động làm Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự huyện Tây Giang cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2015. Thời gian này, ông có điều kiện tiếp xúc với những con người núi rừng kiên trung và vô cùng khâm phục họ trong quá trình đi tìm hiểu, thu thập tư liệu và củng cố hồ sơ trình lên cấp trên để công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang cho những vị này.
2. “May mắn trở về trong vòng tay gia đình và người thân, tôi tự nhủ với lòng sẽ cố gắng đưa hài cốt của anh em đang nằm ở các tỉnh phía nam về lại quê nhà” - ông Ngọc chia sẻ. Nhưng rồi đời quân ngũ tiếp tục kéo dài, ông mang mãi niềm đau đáu đó. Cho đến khi nghỉ hưu thì ông lập tức bắt tay vào thực hiện lời hứa của mình với đồng đội đã hy sinh. Một năm sau ngày nghỉ hưu, tức là năm 2016, ông tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cùng Trung đoàn 36 (thuộc Ban liên lạc mặt trận 44 Quảng - Đà), chính quãng thời gian này đã cho ông ít nhiều kinh nghiệm trong việc di chuyển hài cốt đồng đội sau này, mà cụ thể là từ lần đầu tiên hồi giữa tháng 12.2016 đưa 36 hài cốt liệt sĩ trở về. Đó là chuyến đi xuyên mưa, mà nhiều lúc tưởng chừng như mưa sẽ làm gián đoạn chuyến đi của ông Ngọc cùng nhóm cựu binh.
Những chuyến đi ấy, làm dày thêm xúc cảm của ông với đồng đội và gia đình đồng đội đã hy sinh. “Như chuyến đi hồi tháng 7 năm ngoái, có chị Đặng Thị Rân là vợ của liệt sĩ Đinh Văn Hương ở Điện Bàn, vào buổi sáng ngày lên xe vào nam thì chị bị đau nặng đột ngột phải nhập viện, anh em ban liên lạc được ủy quyền mang hài cốt chồng chị về theo luật định. Đây là một hoàn cảnh khiến anh em ban liên lạc rất xúc động. Năm 1979, vợ chồng anh Hương - chị Rân cưới nhau được nửa tháng thì anh Hương đi làm nhiệm vụ. Cuối năm đó, anh Hương hy sinh, và chị Rân ở vậy chăm sóc cha chồng già yếu” - ông Ngọc nhớ lại, rưng rưng. Chính những câu chuyện ấy, thêm thôi thúc ông cùng những người trong ban liên lạc của mình không ngừng nghỉ trong hành trình đưa hài cốt liệt sĩ trở về. Bởi ông quan niệm, mình đã sống sót, lại từ chiến trường trở về trong hình hài lành lặn, thì vô cùng may mắn lắm rồi. Nên nghĩ cần có trách nhiệm với linh hồn, gia đình đồng đội đã hy sinh.
Đại tá Nguyễn Quang Ngọc (mặc quân phục, hàng đầu) trong một lần đưa hài cốt đồng đội từ các tỉnh phía nam về lại đất mẹ Quảng Nam. Ảnh: XUÂN THỌ |
“Thật ra, việc di chuyển hài cốt không vất vả lắm đâu, mà chỉ ngán nhất là lúc làm thủ tục” - Đại tá Ngọc bày tỏ. Để đưa một hài cốt liệt sĩ về, ít nhất một lần, ông Ngọc cùng cộng sự của mình phải rong ruổi khắp nghĩa trang của các tỉnh phía nam để chụp ảnh bia mộ, đối chiếu hồ sơ, có thể chậm, chứ không cho phép xảy ra bất cứ một nhầm lẫn nào. Vì như vậy, theo ông Ngọc tâm sự, là rất có lỗi với linh hồn với liệt sĩ và thân nhân. Rồi trong quá trình làm hồ sơ đó, ông mới phát hiện ra rằng, có không ít trường hợp thân nhân liệt sĩ không được hưởng chế độ thờ cúng hàng chục năm dài bởi nhiều lý do khác nhau. Và những khi ấy, ông phải giúp gia đình thân nhân các liệt sĩ “được” hưởng chế độ thờ cúng trở lại.
3. Đúng một năm sau ngày cùng chung hành trình di chuyển hài cốt liệt sĩ từ các tỉnh phía nam về đất Quảng, chúng tôi mới có dịp ngồi lại với nhau, sau những cơn mưa dông vắt từ chiều sang tối tại thị trấn Nam Phước. Tôi nhận ra, trên mái tóc ông nhiều thêm sợi bạc. Lướt vội mấy câu chào xã giao, tôi gợi mở: “Năm nay tiếp tục “hành phương nam” chứ ạ?”. Ông Ngọc gật đầu xác nhận. Lát sau, ông nói thêm: “Ngày 17 và 19.7 này xuất phát, 21 về lại. Tất cả hồ sơ gần như xong hết rồi, sẽ có tổng cộng 34 hài cốt liệt sĩ được đưa về trong đợt di chuyển lần này. Ở chuyến đi sắp tới, ngoài đến các tỉnh phía nam, ông Ngọc và các chiến hữu của mình còn đến nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh Tây Nguyên. Đó là một hành trình có vẻ vất vả hơn nhiều so với những lần trước, bởi phải quy tập hài cốt của các liệt sĩ đang nằm rải rác ở nhiều nơi.
“Đúng là vất vả thiệt, nhưng không thể không làm, đồng đội mình còn nằm phương xa, là mình còn đau đáu” - ông nén tiếng thở dài. Ngồi với nhau chặp lâu nữa, mới hay ông Ngọc đang làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Duy Xuyên. Ông bảo mình đảm trách công việc này hồi năm ngoái. “Cũng chẳng ham chức quyền gì, chẳng qua là có thêm điều kiện giúp đỡ anh em cựu chiến binh” - ông nói. Thì ra, ngoài việc đưa hài cốt liệt sĩ trở về, ông và những cựu binh ở Duy Xuyên còn đeo đuổi một công việc nữa, đó là san sẻ những khó khăn với các gia đình đồng đội. Đó có thể là gia đình động đội đã hy sinh, có thể là đồng đội đang nghèo khó, cũng có thể là đồng đội trở về với cơ thể bị khuyết tật bởi bom đạn chiến tranh…
Và để làm được những công việc này, ông Ngọc kết nối với các cựu binh trong Sài Gòn để kêu gọi nhau sự chung tay. Những nghĩa cử từ trái tim ấy, mỗi ngày như xoa dịu đi những nỗi đau, giảm bớt đi những khó khăn mà đồng đội hay gia đình đồng đội của ông Ngọc đang mang. Còn riêng phần mình, người cựu binh già này nguyện với lòng, sẽ mãi đi về phía nơi đồng đội mình đã nằm xuống, cho đến khi không còn sức lực…
XUÂN THỌ