Địa chấn vòng bảng World Cup 2022

VU GIA 03/12/2022 11:31

(QNO) - Vậy là World Cup 2022 đã qua nửa chặng đường. Ba mươi hai đội đại diện cho các châu lục đã nỗ lực hết mình để được vượt qua vòng bảng, tiến vào vòng 1/8 đấu loại trực tiếp. Nay, đã định danh được 16 đội, có lắm người vui cũng có lắm người buồn.

 
Lách qua khe cửa hẹp, đội tuyển Hàn Quốc chính thức lọt vào vòng đấu loại trực tiếp. Ảnh: AFP

Cơn địa chấn mang tên châu Á

Đại diện cho bóng đá châu Á ra quân tại World Cup 2022 gồm các đội tuyển: Qatar, Iran, Ả Rập Saudi, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Qatar là đội chủ nhà, nhưng lại là đội yếu nhất so với các đội khác. Qua 3 trận vòng bảng, chủ nhà Qatar chỉ ghi được 1 bàn, để lọt lưới 7 bàn, trở thành đội đầu tiên dừng ở vòng bảng. Nghĩ cũng đúng thôi, nếu tính về giá trị đội hình thì đội tuyển Qatar xếp chót bảng (15 triệu Euro), trong khi đội xếp đầu là Anh giá trị 1,26 tỷ Euro.

Đội Ả Rập Saudi tạo ra bất ngờ đầu tiên ở vòng bảng là thắng ngược Argentina (2-1), sau khi bị dẫn bàn. Tuyển Nhật Bản cũng làm được việc tương tự trước đội Đức khi bị dẫn trước ở phút 33. Phút 75, cầu thủ Ritsu Doan đệm bóng vào lưới thủ thành Neuer của Đức, ghi bàn cho Nhật Bản. Không lâu sau đó, phút 83, Asano thoát xuống, sút tung nóc lưới Neuer ở cự ly gần, đem về chiến thắng 2-1 cho Nhật Bản, tạo nên bất ngờ thứ 2 ở vòng bảng.

Và cơn chấn động thật sự do Nhật Bản gây nên là thắng Tây Ban Nha (2-1) ở lượt trận thứ 3, tiễn "cỗ xe tăng" Đức về nước.

Tuyển Nhật tạo ra cơn địa chấn cho châu Á tại vòng đấu bảng World Cúp 2022 khi thẳng cả tuyển Đức và Tây Ban Nha
Tuyển Nhật tạo ra cơn địa chấn cho châu Á tại vòng đấu bảng World Cúp 2022 khi thẳng cả tuyển Đức và Tây Ban Nha. Ảnh: AFP

Trận thứ 2 gặp Ba Lan, Ả Rập Saudi chơi hay hơn, sút cầu môn đối phương nhiều hơn, kể cả được hưởng một quả phạt đền ở cuối hiệp 1, nhưng tuyển Ba Lan vẫn giữ sạch lưới giành trọn 3 điểm.

Đội Hàn Quốc ra sân gặp tuyển Uruguay. Giới chuyên môn đánh giá đều nghiêng về đội bóng Nam Mỹ bởi những tên tuổi như Edinson Cavani, Luis Suarez, Darwin Nunez,… Những cầu thủ này đều vào sân, nhưng Hàn Quốc vẫn ăn miếng trả miếng. Sau 90 phút, 2 đội hòa nhau 0-0.

Vào trận thứ 2, sau trận thua tan tác (2-6) trước tuyển Anh, đội Iran chơi ngang ngửa với tuyển Xứ Wales với dàn ngôi sao dày dạn kinh nghiệm chinh chiến như Gareth Bale, Aaron Ramsey, Kieffer Moore… Nhưng phút 86, tuyển Xứ Wales chơi thiếu người, vì thủ thành Hennessey bị thẻ đỏ, đội Iran tràn lên tấn công. Phút 90+8, Rouzbeh Cheshmi sút xa ghi bàn cho Iran và phút 90+11, Ramin lại thêm bàn cho Iran trước khi tiếng còi trọng tài kết thúc trận đấu.

Trận cuối của vòng bảng, đội Iran vẫn chơi tưng bừng, nhưng đến phút 38, phải nhận bàn thua sau pha phối hợp nhuần nhuyễn của tuyển Mỹ. Iran trở thành đội thứ 2 của châu Á chia tay World Cup.

Úc là đội bóng châu Á đầu tiên lọt vào vòng 1/8, sau khi loại đội Đan Mạch với tỷ số 1-0.

Trận thứ 3 vòng bảng, đội Ả Rập Saudi thua Mexico (1-2), nên phải rời cuộc chơi.

Trận cuối cùng, với chỉ 1 điểm sau 2 lượt trận, tình cảnh của tuyển Hàn Quốc không mấy sáng sủa. Nếu muốn giành vé đi tiếp, tuyển Hàn Quốc buộc phải đánh bại Bồ Đào Nha, đồng thời hy vọng vào một kết quả thuận lợi ở cặp đấu cùng giờ giữa Ghana và Uruguay, nhưng mới phút thứ 6, Ricardo Horta đã mở điểm cho tuyển Bồ Đào Nha.

Hàn Quốc không buông xuôi mà tích cực ăn miếng trả miếng. Phút 27, trung vệ Young-gwon quân bình tỷ số cho Hàn Quốc. Phút 90+1, Hwang Hee-Chan lập công, giúp Hàn Quốc lách qua khung cửa hẹp, và là đội thứ 3 của châu Á vào vòng knock-out.

Nhìn chung, cơn địa chấn mang tên châu Á gồm tuyển Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc làm cho không ít tín đồ túc cầu giáo có cái nhìn khác về “vùng trũng bóng đá” của một thời không xa.

Tuyển Đức lần thứ 2 không vượt qua vòng bảng

Đội Morocco hòa Croatia (0-0), thắng tuyển Bỉ (2-0) cũng là một bất ngờ không nhỏ ở vòng bảng lần này. Trận cuối cùng, họ thắng tuyển Canada (2-1), chiếm ngôi đầu bảng, bước vào vòng knock-out.

Trong lúc đó, tuyển Bỉ và tuyển Croatia đều vào bán kết World Cup 2018. Bỉ thua Pháp, sau đó Pháp đăng quang; Croatia thắng Anh, sau đó là Á quân, nhưng nay phải tranh nhau vé cuối cùng. Croatia chỉ cần hòa là tiễn Bỉ về nước, còn Bỉ buộc phải thắng. Kết quả, 2 đội hòa nhau (0-0), dù Lukaku có nhiều cơ hội trước khung thành tuyển Croatia.

Rúng động nhất không chỉ ở vòng bảng mà còn ở World Cup lần này là đội tuyển Đức ôm gói về nước lần thứ 2 liên tiếp, dù ở World Cup 2018, họ đến với tư thế đương kim vô địch.

Cùng bảng với tuyển Đức lần này là Tây Ban Nha, Nhật Bản, Costa Rica. Ai cũng cho rằng Nhật Bản và Costa Rica là đội lót đường. Thế nhưng bước vào trận, tuyển Đức bị đội lót đường Nhật Bản nện cho tỷ số 2-1.

Báo chí Đức hốt hoảng sợ cái dớp ở World Cup 2018 lặp lại. Tờ Bild viết: “Đội tuyển Đức tự biến mình thành trò hề khi khởi động World Cup trước đội lót đường Nhật Bản. Thất bại này gợi nhớ lại giải đấu cay đắng tại World Cup 2018, khi họ thua Mexico ở trận mở màn 0-1”.

Bước vào trận thứ 2 với Tây Ban Nha, tuyển Đức chơi cẩn trọng, nhưng vẫn bị dẫn bàn trước ở phút 62 làm cho những người yêu bóng đá Đức thót tim. Những cố gắng của tuyển Đức được đến bù ở phút 83, khi Fullkrug sút tung lưới thủ thành Unai Simon (Tây Ban Nha), mang về 1 điểm quý hơn vàng cho tuyển Đức. Thế nhưng lượt trận thứ 3, đội “lót đường” Nhật Bản thắng Tây Ban Nha vươn lên dẫn đầu bảng. Tuyển Đức bằng điểm với tuyển Tây Ban Nha, nhưng thua về hiệu số (+1 so với +6).

Đức là một trong những đội tuyển thành công nhất trên đấu trường quốc tế với khối thành tích: 4 lần vô địch World Cup (1954, 1974, 1990, 2014), 1 lần vô địch Cúp Liên đoàn các châu lục 2017 và 3 lần vô địch Euro (1972, 1980, 1996). Họ cũng từng 3 lần giành vị trí á quân ở Euro và 4 lần á quân ở World Cup cũng như 4 lần ở vị trí thứ ba. Lần này, họ cũng giành kỷ lục mới: 2 lần liên tiếp không vượt qua vòng bảng World Cup, biến thành… “chú lùn bóng đá” như báo chí Đức “tấn phong”.

Những cái "nhất” ban đầu ở World Cup 2022

VAR từ chối bàn thắng đầu tiên: Từ chối bàn thắng của đội trưởng tuyển Ecuador Enner Valencia, phút thứ 3.

- Quả phạt đền vào lưới sớm nhất: Messi thực hiện thành công ở phút thứ 9 (Argentina - Ả Rập Saudi).

- Bàn thắng sớm nhất: Thời gian mới nhích qua 1 phút, Alphonso Davies đánh đầu ghi bàn cho tuyển Canada sau đường chuyền của đồng đội Buchanan.

- Đội đầu tiên trong vòng 3 phút, ghi 2 bàn: Đội Iran (Rouzbeh Cheshmi ghi bàn ở phút 90+8 và Ramin ghi bàn ở phút 90+11).

Cầu thủ đầu tiên bị đổ máu và phải rời sân: Thủ môn tuyển Iran Beiranvand va chạm với hậu vệ đội nhà ở phút thứ 8, sau đường chuyền ngang của tiền đạo Harry Kane (Anh). Phút 16, thủ môn Beiranvand ra dấu xin thay người.

- Cầu thủ đầu tiên vừa chạm bóng đã ghi bàn: Vừa vào sân, nhận được đường chuyền của Harry Kane, Rashford (Anh) đảo người vài nhịp, đưa bóng vào lưới Iran, phút 71. 

- Trận đầu tiên có nhiều bàn thắng nhất: Anh – Iran (6-2).

- Trận đầu tiên có thời gian bù giờ nhiều nhất (24 phút): Anh – Iran. 

- Cầu thủ 18 tuổi đầu tiên ghi bàn: Phút 74, Gavi (Tây Ban Nha) lao lên đưa bóng vào lưới thủ thành Navas (Costa Rica).

- Đội bóng đầu tiên trở thành “rổ đựng bóng” trong 1 trận: Tuyển Costa Rica thua tuyển Tây Ban Nha 7 bàn không gỡ. 

- HLV bị thẻ đỏ đầu tiên: Phút bù giờ 12, trong trận đấu với Ghana, HLV Paulo Bento (Hàn Quốc) chạy thẳng vào sân để phản ứng với trọng tài người Anh Anthony Taylor sau quyết định thổi còi hết giờ, phải nhận một thẻ đỏ cho hành vi của mình. 

- World Cup đầu tiên có trọng tài nữ cầm còi điều khiển một số trận đấu, gồm: Salima Mukansanga (Rwanda), Yoshimi Yamashita (Nhật) và Stephanie Frappart (Pháp). 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Địa chấn vòng bảng World Cup 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO