Đền thờ liệt sĩ Núi Quế - Anh Linh Đài (thôn Hương Quế Tây, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) là công trình thờ 40 liệt sĩ Đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 409 (Quân khu 5) hy sinh trong trận tập kích căn cứ núi Quế, được xem là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đền thờ liệt sĩ Núi Quế - Anh Linh Đài. Ảnh: T.L |
Đêm 11.5.1969, đối đầu với hàng trăm lính Mỹ được trang bị hiện đại là 66 chiến sĩ Đội 1, Tiểu đoàn 409 mang lựu đạn và thủ pháo, hỏa lực mạnh nhất là B40, B41 với số lượng rất hạn chế. Bằng tinh thần quả cảm, mưu trí, các anh đã loại khỏi vòng chiến đấu 295 tên Mỹ, phá hủy hàng chục lô cốt, hầm ngầm và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Về phía ta, bốn mươi chiến sĩ đã mãi mãi không trở về. Khi ngã xuống, các anh còn rất trẻ và chưa thành gia thất, nhiều anh mới từ miền Bắc vào, lần đầu xung trận. Thấu hiểu tâm nguyện của các gia đình liệt sĩ, lãnh đạo Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam đã cho phép xây Đền thờ tại sườn tây núi Quế trong khuôn viên đất do Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 574 quản lý.
Đại tá Khuất Quang Cừ, nguyên Trưởng phòng 5, Văn phòng Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật Bộ Công an, em liệt sĩ Khuất Quang Phiệt, luôn đau đáu tìm được phần mộ của anh trai. Ông kể: “Năm 1993, gia đình tôi gửi đơn tới Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 hỏi thông tin cụ thể thì nhận được công văn trả lời: Anh Phiệt thuộc đơn vị c1, d409 “đã hy sinh trong chiến đấu, đơn vị không lấy được thi hài”. Sau hành trình bền bỉ tìm kiếm, nhờ cả sự giúp đỡ của hàng chục nhà ngoại cảm từ Bắc vào Nam, nhưng vẫn chưa tìm thấy hài cốt.
Tìm hiểu lịch sử Tiểu đoàn 409, được biết trong trận đánh đó đơn vị thương vong nhiều. Tiếp tục hành trình tìm đồng đội của anh trai, tôi may mắn gặp được cựu chiến binh Phan Đình Long, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 409 Đặc công (tại thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), một trong những cán bộ trực tiếp tổ chức trận tập kích đêm 11.5.1969. Ông Long cho biết diễn biến trận đánh và cho xem cuốn sổ ghi danh sách 36 chiến sĩ của đơn vị, trong đó có 34 người (có Khuất Quang Phiệt) đã hy sinh. Dựa vào thông tin trên, tôi đã liên lạc được với 33 gia đình thân nhân liệt sĩ và cùng tìm về Núi Quế, nơi những người lính đặc công năm xưa ngã xuống...”.
Trong các cuộc gặp mặt các gia đình tại hai địa phương có nhiều liệt sĩ là Hà Nội và Thái Bình, ý tưởng xây ngôi mộ chung được nêu ra và được tất cả mọi người nhất trí: Xin phép các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho xây ngôi mộ chung - dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ tại nơi các anh hy sinh ở Núi Quế, đồng thời thành lập Ban đại diện các gia đình liệt sĩ gồm 5 người, do ông Khuất Quang Cừ làm trưởng ban. Sau nhiều lần trực tiếp trình bày và gửi đơn tới các cơ quan, đơn vị chức năng của Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam, các thủ tục đã được hoàn tất và triển khai xây dựng. Công trình xây trên núi, điện nước không có, đường đi lối lại không thuận tiện, được sự giúp đỡ của Công an Quảng Nam và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn tăng - thiết giáp 574, ngày 17.3.2012 đã tiến hành lễ khởi công.
Nhờ có sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân, việc thi công diễn ra thuận lợi. Chưa đầy hai tháng sau, Anh Linh Đài được khánh thành giai đoạn 1 đúng vào dịp kỷ niệm 43 năm ngày các chiến sĩ Đặc công hy sinh (11.5.1969 - 11.5.2012). Tiếp đó, nhân dân thôn 9 xã Quế Phú làm đường bê tông lên Anh Linh Đài, Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 574 và thôn Hương Quế Tây (xã Quế Phú) trồng gần 100 cây xanh xung quanh. Năm 2017, Đền thờ liệt sĩ Núi Quế được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, Ban đại diện các gia đình liệt sĩ đang huy động các nguồn kinh phí để tiếp tục làm phù điêu trang trí.
Anh Linh Đài trên núi Quế thể hiện sâu sắc lòng tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc, nơi thờ cúng các liệt sĩ, đồng thời là một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân liệt sĩ tại Quảng Nam.
NGỌC DIỆP