Mô hình “Địa chỉ tin cậy” hình thành trong những năm gần đây ở Hội An đã góp phần giảm tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ), xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.
Chỗ dựa của phụ nữ
Bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An chia sẻ: “Mô hình là chủ trương của trung ương với mong muốn mỗi địa phương cấp xã, phường ít nhất xây dựng được một “Địa chỉ tin cậy” làm chỗ dựa để giúp đỡ những phụ nữ bị BLGĐ. Thành lập “địa chỉ tin cậy”, người phụ nữ sẽ có nơi tạm lánh khi bị bạo hành, bên cạnh đó chủ nhiệm mô hình có thể đề xuất địa phương cách giúp đỡ, hướng bảo vệ người bị hại”. Cũng theo bà Vân, chủ nhiệm mô hình là người được chọn lựa khá kỹ càng từ những người có uy tín trong cộng đồng, có kiến thức, kỹ năng và năng lực hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, có cơ sở vật chất có thể bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân. Tùy theo điều kiện, một địa phương có thể thành lập nhiều mô hình “Địa chỉ tin cậy”. Triển khai xây dựng từ năm 2013, đến nay Hội LHPN TP.Hội An đã thành lập được 20 mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở 13 xã, phường. Đây là tổ chức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng với mục đích lớn nhất là kịp thời giúp đỡ, bảo vệ những nạn nhân của tình trạng BLGĐ. Thông qua mô hình này, hội phụ nữ các cấp sẽ tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng chống BLGĐ, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và văn minh đô thị.
Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc khối phố Tân Lập (phường Tân An, TP.Hội An) sinh hoạt nhân ngày Gia đình Việt Nam 28.6.Ảnh: LÊ QUÂN |
Chị P.T.L. (xã Cẩm Thanh) tìm đến “Địa chỉ tin cậy” của địa phương khi đang trong tình trạng bị bạo hành cả về thể chất, tinh thần. Chính những thành viên của tổ “Địa chỉ tin cậy” xã Cẩm Thanh đã từng bước giúp chị L. thoát khỏi tình trạng bị bạo hành. Sau hơn một năm, đến nay chị L. đã có việc làm, cuộc sống đã ổn định trở lại. Hay như ở khối phố An Thái, phường Minh An, nhờ sự giúp đỡ từ các thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy” của khối phố, nhất là chủ nhiệm mô hình - cô Nguyễn Thị Hường, đã có 2 trường hợp xảy ra tình trạng BLGĐ được hòa giải, hiện tiếp tục tìm cách hòa giải cho một trường hợp khác. Cô Hường chia sẻ: “Mặc dù phần đông các gia đình ở phố cổ không phải người dân địa phương, nhưng khi đã sống cùng thì họ cũng quen dần với nếp ăn, nếp nghĩ của người phố Hội. Ngoài số ít vụ việc có yếu tố BLGĐ, mọi người tìm đến “Địa chỉ tin cậy” của chúng tôi chủ yếu để chia sẻ tâm tư chứ chưa đến mức phải chạy trốn vì bị bạo hành. Và để phòng chống hiệu quả, chúng tôi tập trung tuyên truyền cho người dân biết về Luật Phòng chống BLGĐ”.
Hạnh phúc bền vững
Tiến tới xây dựng thành công Thành phố sinh thái - văn hóa, điều đầu tiên được Hội An xác định chính là yếu tố con người, trong đó gia đình đóng vai trò nòng cốt. Bà Nguyễn Thị Vân - Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An cho biết, ngoài mô hình “Địa chỉ tin cậy”, Hội LHPN thành phố còn xây dựng các câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Mẹ và con cái… “Hội An có được như hôm nay, vai trò của gia đình rất quan trọng. Từ gia đình truyền thống nhiều thế hệ đến các gia đình trẻ đều ý thức được về mối quan hệ của các thành viên trong nhà. Hội An hiện không có tình trạng trẻ em phải mưu sinh sớm và bạo lực trẻ em” - bà Vân nói.
TP.Hội An đã xây dựng được 1 mô hình “Địa chỉ tin cậy” cấp thành phố, đặt tại số 1 đường Hoàng Diệu. Về phía xã, phường đã xây dựng được 19 “Địa chỉ tin cậy” đặt tại nhà các chủ nhiệm mô hình. Danh sách, địa chỉ các mô hình được thông báo rộng rãi, công khai trong hội viên phụ nữ. Hội LHPN thành phố đang tiếp tục chỉ đạo triển khai mô hình rộng khắp trên địa bàn. Thời gian qua, các “Địa chỉ tin cậy” ở xã, phường đã tuyên truyền, vận động, hỗ trợ và giúp đỡ thành công 18 trường hợp bị BLGĐ, mâu thuẫn và bất hòa; lồng ghép tuyên truyền các Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình, đề án “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; đồng thời tham gia hòa giải thành 6 vụ việc liên quan đến các vấn đề tranh chấp tài sản, bất hòa trong gia đình… |
Cùng với mô hình “Địa chỉ tin cậy”, câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc góp phần rất lớn để xây dựng thành công Hội An - Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch. Đi vào hoạt động đã hơn 8 năm, gần 50 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc của Hội An đã có những hoạt động đáng kể, gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, khu phố với nhau. Chúng tôi đến khối phố Tân Lập (phường Tân An), khá ngạc nhiên khi biết rằng ông Võ Giàu đã có 10 năm làm Chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc, và trong khoảng thời gian này, ở khối phố Tân Lập chưa hề xảy ra tình trạng BLGĐ. Câu lạc bộ do ông Giàu làm chủ nhiệm hiện có 38 cặp vợ chồng cùng tham gia, 100% các gia đình trong câu lạc bộ đều đạt gia đình văn hóa và tham gia tích cực vào các phong trào ở địa phương. Nhiều thành viên và gia đình trở thành gương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua của phường, thành phố và cấp tỉnh.
“Làm sao cấm hoặc hạn chế rượu, bia thì mới mong hạn chế tình trạng BLGĐ. Trong 6 trường hợp BLGĐ ở Hội An trong năm 2014 đều rơi vào các gia đình ở độ tuổi trung niên, khi các ông chồng đã có hơi men trong người” - bà Nguyễn Thị Vân chia sẻ. Mong mỏi lớn nhất trong hoạt động phòng chống bạo lực, giữ gìn hạnh phúc gia đình của những người làm công tác hội phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em tại Hội An là sự phối hợp từ các địa phương và ban ngành khác. Bởi lẽ, phòng chống BLGĐ không chỉ có riêng phụ nữ, mà còn có sự chung tay của các ngành các cấp.
LÊ QUÂN