Viết tiếp ước mơ cho con được đến trường

THANH VIỆT 10/05/2022 08:57

(QNO) - Cháu Trần Đình Dương (5 tuổi, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) khi chào đời đã kém may mắn bị bệnh câm điếc bẩm sinh. Thương con, vợ chồng anh Thao - chị Trâm xoay xở vay mượn khắp nơi để điều trị cho con, nhưng chi phí thực hiện ca phẫu thuật tại bệnh viện lên đến 800 triệu đồng ngoài khả năng của gia đình. 

Mặc dù vẫn chưa thể nghe nói được, nhưng chị Trâm vẫn dạy Dương viết chữ vào mỗi buổi tối. ẢNH: THANH VIỆT
Mặc dù vẫn chưa thể nghe nói được, nhưng chị Trâm vẫn dạy Dương viết chữ vào mỗi buổi tối. ẢNH: THANH VIỆT

Chúng tôi về xóm rèn Hồng Lư (phường Hòa Hương) gặp anh Trần Đình Thao, ba của cháu Dương khi trời đã xế chiều. Trên khuôn mặt của anh là đôi mắt buồn, thâm quầng sau những ngày trăn trở, tìm mọi cách để chữa bệnh cho con. 

Anh Thao kể, ba anh không may mất sớm do bệnh nan y, từ đó cuộc sống gia đình lâm cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 2015, Thao lập gia đình với chị Trâm. Hai năm sau, cháu Dương ra đời. Niềm vui chẳng được trọn vẹn khi Dương lên 3 tuổi gia đình mới phát hiện con mình bị câm điếc bẩm sinh. Vì các chỉ số thính lực không như người bình thường nên hầu như cháu không cảm nhận được thanh âm của cuộc sống, mất luôn việc phát triển ngôn ngữ của một đứa trẻ. Dù ba mẹ trò chuyện với con nhưng đáp lại chỉ là nụ cười hồn nhiên của đứa trẻ vô tư, vô nghĩ.

Là lao động chính trong gia đình, nhưng nghề rèn của anh Thao bấp bênh, do đầu ra sản phẩm thấp, khó cạnh tranh với hàng công nghiệp ngoài thị trường. Hàng ngày, người vợ buôn bán nhỏ lẻ các sản phẩm rèn như dao, rựa, kéo,... ở chợ Kế Xuyên (Thăng Bình ) nhưng cũng khá ế ẩm.

 “Hoàn cảnh gia đình hiện nay rất khó khăn, làm ngày công không đủ trả nợ và chi tiêu đời sống hàng ngày. Trong khi số tiền chữa trị dị tật bẩm sinh cho cháu lại quá lớn ngoài khả năng tài chính của gia đình. Năm ngoái, vợ chồng có đưa con vào Sài Gòn khám bệnh. Các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán cháu bị điếc bẩm sinh dẫn đến bị câm. Giờ nếu muốn phẫu thuật 2 bên lỗ tai thì cần 800 triệu đồng. Tôi chỉ mong có được nửa số tiền đó để tạm thời phẫu thuật một bên tai để con có thể nghe được, để biết nói rồi còn tính chuyện đi học chữ” - anh nói trong nước mắt giàn giụa. 

Nghề rèn hiện nay đang bị mai một dần vì khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp ngoài thị trường. ẢNH: THANH VIỆT
Nghề rèn truyền thống hiện nay đang bị mai một dần vì khó cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp ngoài thị trường. ẢNH: THANH VIỆT

Anh Thao cho biết thêm, sau lần đó, về nhà hai vợ chồng bàn nhau vay mượn bà con làng xóm, người thân 50 triệu đồng mua máy trợ thính, để Dương đeo nghe tập làm quen dần, tính khi nào gom góp đủ tiền mới đi phẫu thuật cấy điện ốc tai. 

Chị Trâm - vợ anh Thao nghẹn ngào: “Bây giờ vợ chồng chỉ mơ ước là con được nghe, được nói bình thường để có thể cắp sách đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Hàng tháng Dương có nhận trợ cấp dành cho trẻ em khuyết tật và bảo hiểm xã hội ở địa phương, nhưng nếu không có đủ số tiền để thực hiện một ca phẫu thuật thì không biết tương lai sau này của cháu sẽ như thế nào”.

Mọi sự giúp đỡ xin gởi về địa chỉ: Anh Trần Đình Thao, khối phố Hồng Lư, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Số điện thoại anh Thao: 0395099797

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Viết tiếp ước mơ cho con được đến trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO